14/01/2018, 22:53

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn Mỗi năm cứ vào thời gian ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Mỗi năm cứ vào thời gian này là các bạn học sinh lớp 12 lại tất bật ôn tập để thi THPT Quốc gia. Để các bạn ôn tập dễ dàng, thư viện đề thi VnDoc xin giới thiệu tới bạn:

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đăk Lăk (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT số 3 An Nhơn, Bình Định

SỞ GD&ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT LƯU NHÂN CHÚ
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2017
MÔN: NGỮ VĂN – LẦN 1
Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian giao đề.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm): Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi

Tnú không cứu được vợ con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không, Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì bị chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó tau đứng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!...

1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn trên.

2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì?

3. Trong đoạn văn trên, các từ ngữ trong lời của cụ Mết như: Nhớ không; Nhớ lấy, ghi nhớ lấy có hiệu quả diễn đạt như thế nào?

4. Câu nói: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!... có ý nghĩa gì?

II. Phần làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ câu nói của cụ Mết ở đoạn văn trên (Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!... ), viết một đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ bản thân về trách nhiệm bảo vệ tổ quốc của tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích tình huống truyện Vợ nhặt của Kim Lân từ đó nêu lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.

.................... Hết.....................
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh:......................................Số báo danh................
Chữ kí của Giám thị 1:...........................Giám thị 2:.......................

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt vì đây là lời kể chuyện của nhân vật cụ Mết trong đêm Tnú về thăm làng Xô Man sau ba năm đi lực lượng. 0,5 điểm

2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là: 1,0 điểm

  • Cụ Mết kể lại và giải thích vì sao Tnú không cứu được vợ, con.
  • Bản thân Tnú cũng bị giặc bắt và tra tấn
  • Cụ Mết dẫn trai làng vào núi Ngọc Linh để lấy vũ khí về giết giặc
  • Lời dặn dò của cụ Mết: phải cầm vũ khí để đứng lên chiến đấu.

3. Việc dùng các từ được gạch dưới trong câu văn có hiệu quả nhấn mạnh con cháu phải ghi nhớ mối thù quân cướp nước và bán nước; phải ghi nhớ bài học chiến đấu trong chiến tranh cách mạng. Đó cũng là lời suy ngẫm về lịch sử được đúc kết trở thành chân lí. 0,5 điểm

4. Câu nói: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!... có ý nghĩa: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Nhân dân miền Nam không có con đường nào là cầm vũ khí để đánh giặc cứu nước, đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc. 1,0 điểm

II. PHẦN LÀM VĂN:

CÂU 1: 2,0 điểm

* Yêu cầu chung: HS viết đoạn văn NLXH, đảm bảo cấu trúc chung của một đoạn văn NLHX. Không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ đặt câu...

* Yêu cầu cụ thể: Đoạn văn phải đảm bảo các nội dung:

  • Nhận thức của bản thân về tình hình đất nước hiện nay: thời cơ và thách thức.
  • Bảo vệ Tổ quốc là gì?
  • Tuổi trẻ phải làm gì để góp phần bảo vệ Tổ quốc?
  • Liên hệ bản thân.

Câu 2: 5,0 điểm

* Yêu cầu chung: HS cần XĐ được đây là kiểu bài văn NLVH để triển khai bài làm đúng kiểu VB thì bài làm phải nắm vững kiến thưc về tác phẩm, về nhân vật trong tác phẩm. Kết cấu bài viết khoa học, mạch lạc. Diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, có cảm xúc, bài viết giàu chất văn.

* Yêu cầu cụ thể:

a/ Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (1,0 đ)

  • Điểm 1,0: Trình bày đầy đủ các phần MB, TB, KB. Phần MB dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần TB biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần KB khái quát được vấn đề và thể hiên được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,75: Trình bày đầy đủ 3 phần MB, TB, KB nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần TB chỉ có một đoạn văn.
  • Điểm 0,5: Thiếu MB hoặc KB; phần TB chỉ có một đoạn văn.
  • Điểm 0: cả bài viết chỉ có một đoạn văn.

b/ Xác định đúng vấn đề nghị luận (1,0đ)

  • Điểm 1,0: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
  • Điểm 0,75: Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận
  • Điểm 0,5: Vấn đề nghị luận còn chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận

c/ Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp (2,0 đ)

  • Các luận điểm triển khai theo một trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích,...)
  • Biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể sinh động

* Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên có thể trình bày theo định hướng sau:

1. Nêu vấn đề cần NL: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Kim Lân là nhà văn một lòng một dạ đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn.
  • Nạn đói năm 1945 đã đi vào nhiều trang viết của các nhà văn, nhà thơ trong đó có Vợ nhặt của Kim Lân.
  • Vợ nhặt xây dựng tình huống truyện độc đáo.
  • Qua tình huống truyện, tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

2. Phân tích bối cảnh xây dựng tình huống truyện.

  • Bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết.
  • Cái chết hiện hình trong tác phẩm tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương. Những người sống luôn bị cái chết đe dọa.
  • Việc Tràng lấy vợ là một tình huống bất ngờ
    • Cả xóm ngụ cư ngạc nhiên.
    • Bà cụ Tứ cũng hết sức ngạc nhiên
    • Bản thân Tràng có vợ rồi vẫn còn "ngờ ngợ".
  • Tình huống truyện bất ngờ nhưng rất hợp lí
    • Nếu không phải năm đói khủng khiếp thì "người ta" không thèm lấy một người như Tràng.
    • Tràng lấy vợ theo kiểu "nhặt" được.

3. Phân tích giá trị hiện thực:

  • Tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói: Cái đói dồn đuổi con người, cái đói bóp méo cả nhân cách, cái đói khiến cho hạnh phúc thật mỏng manh, tội nghiệp.
  • Vợ nhặt có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân, phát xít.

4. Phân tích giá trị nhân đạo:

  • Tình người cao đẹp thể hiện qua cách đối xử với nhau của các nhân vật.
  • Thiên chức, bổn phận làm vợ, làm dâu được đánh thức nơi người "vợ nhặt"
  • Con người huôn hướng đến sự sống và luôn hi vọng, tin tưởng ở tương lai.

5. Đánh giá chung:

  • Khẳng định tài năng nhà văn qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.
  • Khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
  • Điểm 2,5: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên trong một trong các luận điểm (phân tích, bình luận,...)
  • Điểm 2,0: Đáp ứng được ½ các yêu cầu trên.
  • Điểm 1,5,: Đáp ứng được 2/3
  • Điểm 10: Đáp ứng được 1/3 yêu cầu trên,
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d/ Sáng tạo( 0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc.
  • Điểm 0,25 điểm: có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc.
  • Điểm 0: Không có quan điểm và thái độ riêng.

e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
0