14/01/2018, 22:48

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn Mỗi năm cứ vào thời gian này là các bạn ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Đồng Tháp

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Mỗi năm cứ vào thời gian này là các bạn học sinh lớp 12 lại tất bật ôn tập để chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia. Để các bạn ôn tập dễ dàng VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu tới các bạn: . 

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Ninh Bình

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn có đáp án

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH ĐỒNG THÁP
THI DIỄN TẬP THPT QUỐC GIA
NĂM HỌC 2016 - 2017

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
Ngày thi: 15/5/2017
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)
(Đề thi gồm có: 02 trang)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời những yêu cầu bên dưới:

Một ước mơ phù hợp là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một việc có ý nghĩa. Ước mơ là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí ta, và nếu bạn là người có quyết tâm thì bạn sẽ tìm cách đạt được nó. Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước.

Ước mơ không bao giờ hình thành ở những người thờ ơ, lười biếng hay thiếu tham vọng. Bạn hãy đặt ra những ước mơ nằm trong khả năng của mình và lên kế hoạch cụ thể để từng bước hiện thực hóa chúng. Trong khi vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được thành công, cả trong sự nghiệp lẫn cuộc sống thường ngày, bạn đừng bị lung lay hay nhụt chí bởi những người xem bạn như là kẻ mơ mộng. Để đạt được thành công như mong muốn trong một thế giới đang có nhiều thay đổi này, bạn phải học hỏi tinh thần của các bậc tiền bối – những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tinh thần ấy là dòng huyết mạch của sự phát triển và là cơ hội để bạn giải phóng hết năng lực tiềm ẩn của mình. Hãy biết quên những ước mơ không thành của ngày hôm qua. Thay vào đó, cần biến ước mơ của ngày mai thành những công việc cụ thể, để một ngày không xa trong tương lai, chúng sẽ trở thành hiện thực.

Ước mơ không phải là cái sẵn có, cũng chẳng phải là cái không thể có. Ước mơ chính là con đường chưa được định hình, là hình ảnh của những điều nằm trong tâm trí bạn mà nếu có đủ quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể hiện thực hóa chúng.

Nếu bạn tin tưởng vào những ước mơ của mình thì hãy cố gắng thực hiện bằng tất cả.

(Không gì là không thể, George Matthew Adams)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Theo anh/chị, như thế nào là một ước mơ phù hợp và một kẻ mơ mộng?

Câu 3. Để hiện thực hóa ước mơ trong tâm trí của mình, tác giả văn bản trên khuyên chúng ta cần phải làm như thế nào?

Câu 4. Thông điệp nào trong văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Lí giải vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được đặt ra trong văn bản phần Đọc hiểu: Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước.

Câu 2. (5,0 điểm)

"Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không".

(Trích Vợ nhặt, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 28)

"Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!".

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 76)

Cảm nhận của anh/chị về phẩm chất của nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu) qua hai đoạn trích trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

1) Nếu học sinh làm bài không theo cách nêu trong đáp án nhưng đúng, chính xác, chặt chẽ thì cho đủ số điểm của câu đó.

2) Việc chi tiết hóa (nếu có) thang điểm trong hướng dẫn chấm phải bảo đảm không làm sai lệch hướng dẫn chấm và phải được thống nhất thực hiện trong tổ chấm.

B. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận. 

Câu 2:

  • Ước mơ phù hợp là những ước mơ nằm trong khả năng, điều kiện, năng lực của bản thân; phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Kẻ mơ mộng là kẻ có những mơ ước viễn vông, vượt ngoài khả năng, điều kiện của bản thân; không có ý thức cố gắng, quyết tâm để biến ước mơ thành hiện thực.

Câu 3: Những lời khuyên của tác giả nhằm hiện thực hóa ước mơ như:

  • Đặt ra những ước mơ nằm trong khả năng của mình và lên kế hoạch cụ thể.
  • Đừng bị lung lay hay nhụt chí bởi người khác.
  • Phải học hỏi tinh thần của các bậc tiền bối.
  • Biết quên những ước mơ không thành của ngày hôm qua, biến ước mơ của ngày mai thành những công việc cụ thể... 

Câu 4: HS trình bày ý kiến cá nhân về sự lựa chọn của mình và có cách lí giải hợp lý. 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp được đặt ra trong văn bản: Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước. 

a. Đảm bảo đúng yêu cầu về cấu trúc. 

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những người làm nên nghiệp lớn trên thế giới đều là những người biết mơ ước. 0,25

c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giải thích:

  • Những người làm nên nghiệp lớn là những người đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp (chính trị, kinh tế, văn hóa,...), có ảnh hưởng lớn trong xã hội, được mọi người ngưỡng vọng.
  • Ước mơ là những gì tốt đẹp mà con người thường hướng đến; nó là động lực, là ngọn đuốc dẫn đường để đi đến thành công, góp phần quan trọng vào việc làm nên "nghiệp lớn" của con người.

* Phân tích:

  • Trong cuộc sống, con người phải có ước mơ; vì có ước mơ, con người sẽ có động lực phấn đấu để biến những ước mong thành hiện thực.
  • Để đạt được ước mơ đòi hỏi con người phải nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách, phải biết chấp nhận thất bại để vươn lên. Điều này càng quan trọng đối với những người muốn làm nên "nghiệp lớn". (Lấy dẫn chứng từ thực tiễn đời sống). 

*Bàn luận:

  • Ước mơ luôn đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi con người.
  • Ước mơ phải phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật của xã hội.
  • Phê phán những người sống thiếu ước mơ, lý tưởng, luôn bằng lòng với thực tại... 

* Bài học: Sống phải có ước mơ và phải có niềm tin, nghị lực để hiện thực hóa ước mơ... 

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề. 

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 

Câu 2: Cảm nhận về phẩm chất của nhân vật bà cụ Tứ và nhân vật người đàn bà hàng chài qua hai chi tiết trong Vợ nhặt – Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phẩm chất của nhân vật bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài qua hai đoạn trích. 0,50

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm; vấn đề cần nghị luận. 

  • Đoạn trích Vợ nhặt – Kim Lân:
    • Vị trí của đoạn trích: khi bà cụ Tứ hiểu được người đàn bà lạ xuất hiện trong nhà mình là người vợ nhặt - Tràng vừa mới dẫn về nhà.
    • Phẩm chất nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích: Là người mẹ từng trải, giàu tình cảm, có đời sống nội tâm phong phú. Trước việc Tràng có vợ, bà cụ Tứ đan xen nhiều tâm trạng:
      • Buồn tủi, xót xa cho số phận nghèo khổ của mẹ con bà.
      • Thương con phải lấy vợ trong hoàn cảnh nạn đói.
      • Lo lắng cho tương lai của các con. Nỗi lòng của người mẹ trước tình cảnh khốn cùng của cuộc sống. 
  • Đoạn trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu:
    • Vị trí của đoạn trích: khi chánh án Đẩu mời người đàn bà hàng chài lên tòa án huyện về công việc gia đình.
    • Phẩm chất của nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích:
      • Là người phụ nữ tinh tế, sâu sắc nên chị đã chắt lọc ra từ cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ một chân lí mộc mạc nhưng thấm vị mặn của đời thường: cần có người đàn ông làm chỗ dựa (dù đó là người chồng vũ phu, tàn bạo) để chèo chống khi phong ba, để cùng chị nuôi con.
      • Hiểu và tự hào với thiên chức của người phụ nữ: sinh con và nuôi con khôn lớn nên chị sẵn sàng chấp nhận tất cả.
      • Tình mẫu tử được chị ý thức sâu sắc như thiên tính đương nhiên của người phụ nữ "phải sống cho con chứ không thể sống cho mình." Vẻ đẹp về đức hi sinh của người vợ, người mẹ ấy đã tôn vinh người đàn bà với vẻ ngoài xấu xí, thô kệch. 

* So sánh:

  • Tương đồng:
    • Nội dung: những người phụ nữ ấy có những điểm giống nhau về số phận cũng như phẩm chất:
      • Chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
      • Mang vẻ đẹp phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: giàu lòng thương con, lo lắng cho gia đình.
    • Nghệ thuật: khắc họa thành công nhân vật, phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo.
  • Khác biệt:
    • Nhân vật bà cụ Tứ: tâm trạng đan xen nhiều cảm xúc vừa buồn tủi vừa xót xa, lo lắng trước hoàn cảnh của gia đình trong nạn đói.
    • Nhân vật người đàn bà hàng chài: là nỗi lo lắng của người phụ nữ nặng gánh mưu sinh, là đức hi sinh cao đẹp của người mẹ.
  • Lí giải về sự khác biệt: Do hoàn cảnh của các nhân vật khác nhau, do phong cách nghệ thuật của hai nhà văn khác nhau. 

* Đánh giá: Hai đoạn trích đều tập trung làm bật nổi vẻ đẹp phẩm chất của người mẹ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung; đồng thời hai đoạn trích cũng góp phần thể hiện được giá trị nhân đạo của tác phẩm và tài năng nghệ thuật của nhà văn.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. 

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 

0