Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 2)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 2) Đề thi thử đại học năm 2016 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn là đề thi thử ...
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 2)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
là đề thi thử Đại học 2016 môn Văn có đáp án chi tiết đi kèm. Đây là tài liệu ôn thi môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Mời các bạn tham khảo.
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Toán - Số 3
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 1)
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1
|
ĐỀ THI KHẢO SÁT KHỐI 12- LẦN 2 NĂM HỌC 2015 -2016 MÔN NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề) |
Phần I: Đọc – Hiểu (3 điểm)
Câu 1 (1,5 điểm)
Đọc văn bản sau:
(1) Đưa những cuốn sách về với quê hương mình, với mái trường cũ thân thương của mình, để các em nhỏ sẽ không còn "khát" sách đọc. Đó là công việc thiện nguyện của những người tham gia chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam", đang chung tay đeo đuổi mục tiêu để 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.
(2) Anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình hiện đang trong quá trình đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Chuyến đi được khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015. Anh là cử nhân tiếng Anh, đã từng trải qua nhiều vị trí ở cơ quan nhà nước và từng làm việc cho một số tổ chức quốc tế. Chuyến đi bộ xuyên Việt của anh lần này là mong muốn kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.
(...) (3) Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam ra đời theo mong muốn của anh là nhằm giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn mà theo anh là để nâng cao dân trí, xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội trong cộng đồng. Tâm nguyện của anh là tạo ra một hệ thống thư viện mi-ni rộng khắp cả nước để mọi người dân thôn quê có thể tiếp cận tri thức. Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đến nay đã thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm."
(Trích "Đưa sách về làng" - Nhân dân cuối tuần tháng 4 năm 2015)
Trả lời các câu hỏi:
a. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
b. Đoạn (2) giới thiệu những thông tin gì về hành động "đi bộ xuyên Việt" của anh Nguyễn Quang Thạch?
c. Từ nội dung văn bản, hãy nêu mục tiêu và kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam".
d. Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch: hiện nay, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm. Từ thực trạng này, anh/chị hãy nhận xét ngắn gọn về anh Nguyễn Quang Thạch và chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" do anh khởi xướng. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.
Câu 2 (1,5 điểm)
Đọc văn bản sau:
Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả
Để một lần nhớ lại mái trường xưa
Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa
Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm.
Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng
Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua
Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa
Áp dụng - chắc nhờ cội nguồn đã có.
Nước mắt thành công hoà nỗi đau đen đỏ
Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi
Bài học đời đã học được những gì
Có nhắc bóng người đương thời năm cũ.
Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ
Để cây đời có tán lá xum xuê
Bóng mát dừng chân là một chốn quê
Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn.
Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt
Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.
(Lời cảm tạ - sưu tầm)
Trả lời các câu hỏi:
a. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên?
b. Nêu rõ phép tu từ được sử dụng trong câu thơ: "Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng".
c. Nêu nội dung chính của bài thơ trên.
d. Anh chị hiểu hai dòng thơ: "Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê" như thế nào? Từ ý thơ này, hãy viết một đoạn văn ngắn nêu vai trò của mái trường và thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người. trả lời trong 5-10 dòng.
Phần II: Làm văn (7 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (3 điểm)
Một ngày so với một đời người là quá ngắn ngủi, nhưng một đời người lại là do mỗi ngày tạo nên.
(Theo nguyên lý của thành công, NXB Văn hóa thông tin 2009)
Hãy viết một bài văn ngắn (Khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến trên.
Câu 2: Nghị luận văn học (4 điểm)
"...Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có cây sinh sôi nẩy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loáng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng..."
(Trích "Rừng xà nu" - Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập 2 . NXB giáo dục)
Cảm nhận của anh ( chị) về hình tượng cây xà nu trong đoạn trích trên.Từ đó làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
Phần I: Đọc – hiểu (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
- Diễn đạt rõ ràng,không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Câu I: (1,5 điểm)
a) Phong cách ngôn ngữ báo chí (0,25 điểm)
b) Những thông tin về hành động đi bộ xuyên Việt của anh Nguyễn Quang Thạch (0,5 điểm):
- Về hành trình: từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh
- Về thời gian: khởi hành từ ngày mồng 1 Tết Ất Mùi và dự kiến sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6-2015.
- Về mục đích: kêu gọi cộng đồng chung tay nhân rộng tủ sách trong trường học, dòng họ... để đạt con số 300 nghìn tủ sách được xây dựng trên toàn quốc vào năm 2017, giúp hơn 10 triệu học sinh nông thôn có sách đọc.
c) Mục tiêu và kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam" (0,25 điểm).
- Mục tiêu: 10 triệu trẻ em nông thôn có quyền đọc sách và có sách đọc như trẻ em thành phố.
- Kết quả đạt được của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": thực hiện thành công năm loại tủ sách, với hơn 3.800 tủ sách được xây dựng, giúp hơn 200 nghìn người dân nông thôn, đặc biệt là 100 nghìn học sinh nông thôn có cơ hội đọc 40 đầu sách/năm
d) Cần nêu được quan điểm của bản thân về anh Nguyễn Quang Thạch và ý nghĩa của chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam". Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục (0,5 điểm).
- Anh Nguyễn Quang Thạch: là một người có tâm huyết với cộng đồng, có lí tưởng sống đẹp, biết chăm lo cho sự phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em nông thôn.
- Chương trình "Sách hóa nông thôn Việt Nam": là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, giúp cho mỗi người có nhận thức đúng hơn về sách và quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách.
Câu II: (1,5 điểm)
a) Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm. (0,25 điểm)
b) Câu thơ "Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng" sử dụng phép tu từ ẩn dụ: "ngọt đắng": chỉ những thăng trầm, buồn vui trong cuộc đời. (0,25 điểm)
c) Nội dung chính của đoạn thơ trên (0,5 điểm):
Đoạn thơ ghi lại tâm trạng, suy nghĩ của một người học trò khi đã rời xa mái trường với tình cảm yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Càng trưởng thành, càng nếm trải những thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống, mỗi người lại càng thấm thía hơn tấm lòng bao dung, yêu thương và công lao của thầy cô, mái trường.
d) Hai dòng thơ: "Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê" thể hiện công lao to lớn của thầy cô đối với học trò: chăm chút, thắp sáng ước mơ, niềm tin cho học trò bằng cả trái tim yêu thương để từ đây, các em bước ra đời vững vàng, cứng cáp, sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời.
Đoạn văn cần nêu được vai trò của thầy cô và mái trường đối với cuộc đời mỗi người: giúp mỗi người hoàn thiện bản thân về trí tuệ, tâm hồn. (0,5 điểm)
Phần II: Làm văn (7,0 điểm)
Câu I: Nghị luận xã hội (3 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
b. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh biết cách làm một bài nghị luận xã hội. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý chính sau đây:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
* Thân bài:
- Giải thích (0,5đ)
- Câu nói so sánh sự đối lập giữa thời gian rất dài của đời người và thời gian rất ngắn của một ngày để nhấn mạnh: giá trị cuộc sống của mỗi ngày là cơ sở để tạo nên chất lượng, ý nghĩa cuộc sống của một đời người
- Thực chất, ý nghĩa câu nói :trong cuộc đời con người, mỗi ngày là rất quan trọng, quý giá, đừng để lãng phí thời gian.
- Bàn luận vấn đề (1,75đ)
- Thời gian là một điều kiện quan trọng để tạo nên cuộc sống của con người.Ai cũng ước được sống lâu để làm việc, cống hiến, tận hưởng niềm hạnh phúc mà cuộc đời của mỗi con người tạo nên. (0,5đ)
- Một ngày rất ngắn ngủi nhưng con người có thề làm được rất nhiều việc có ích cho bản thân, cho xã hội:học tập, lao động, có những phát minh, công trình khoa học được tìm ra trong khoảng thời gian rất ngắn. (0,25đ)
- Nói về sự ngắn ngủi của thời gian là nghĩ về sự ngắn ngủi của đời người, sự nuối tiếc của những việc mình chưa làm được. Để có hạnh phúc phải cố gắng sống thật tốt ở thời điểm hiện tại, níu kéo quá khứ hay trông chờ tương lai là vô ích vì vậy chúng ta nên quý trọng từng giây phút. Một ngày tuy ngắn nhưng tốt nhất đừng quan tâm tới sự ngắn dài mà cần thấy quý vì còn ngày để sống. (0,5đ)
- Sự so sánh đối lập giữa một ngày và một đời người còn thể hiện ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa việc nhỏ và việc lớn; có rất nhiều việc nhỏ xem ra không đáng quan tâm nhưng là cơ sở để tạo thành những sự việc lớn. (0,25đ)
- Phê phán hiện tượng lười biếng trong công việc, hoạt động sống hàng ngày.Phê phán những kẻ lãng phí thời gian, dùng thời gian không đúng cách. (0,25đ)
- Bài học nhận thức và hành động (0,25đ)
- Cuộc đời con người là hữu hạn nên phải biết quý trọng thời gian, đừng để thời gian trôi đi một cách lãng phí.
- Biết trân trọng những giá trị của việc làm, những niềm vui, hạnh phúc thường ngày trong cuộc sống
* Kết luận: Khẳng định nâng cao vấn đề (0.25đ)
Câu II: Nghị luận văn học (4,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học.
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
b. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích. (0,25 điểm)
- Nguyễn Trung Thành – nhà văn chiến sĩ gắn bó với Tây Nguyên viết thành công về đề tài miền núi.
- Truyện ngắn "Rừng xà nu" được viết năm 1965 in trong tập "Trên quê hương những anh hùng điện ngọc" là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
- Rừng xà nu là hình ảnh gắn bó máu thịt, ông yêu mến khâm phục và viết về nó như một biểu tượng của cuộc sống đau thương, nhưng kiên cường bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên.
2. Nội dung
- Hình tượng xà nu đau thương nhưng vô cùng đẹp đẽ. (1đ)
- Mở đầu trang viết, nhà văn dùng ngôn ngữ nghệ thuật để chạm khắc hình tượng cây xà nu từ hình khối, màu sắc, hương vị nổi bật nên trong đau thương của lửa đạn chiến tranh
- "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương"
- "Cây bị chặt đứt ngang nửa thân đổ ào ào như một trận bão"
- "Chỗ vết thương nhựa ứa ra ... thành từng cục máu lớn"
- "Có cây vứt thương loét ra năm mười hôm sau cây chết"
- Những dòng văn gây ấn tượng mạnh cho người đọc về sự khốc liệt của chiến tranh, nghệ thuật miêu tả, nhân hóa, so sánh đã hình tượng hóa, biểu đạt nỗi đau thương.
- Xà nu có sức sống mãnh liệt diệu kỳ, kiên cường trong bom đạn của kẻ thù. (1đ):
- Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như xà nu. Đạn đại bác không thể giết nổi chúng
- Cạnh một cây ngã gục có bốn năm cây con mọc lên. Ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời.
- Cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ...
- Ba bốn năm nay ưỡn tâm ngực lên che trở cho dân làng
→ Xà nu hiện lên như một dũng sĩ thực thụ
- Hình tường xà nu được xây dựng như một nhân vật anh hùng, biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống kiên cường, bất diệt của con người Tây Nguyên. (1đ)
- Nhà văn dùng thủ pháp nghệ thuật tượng trưng và nhân hóa để xây dựng cây xà nu, rừng xà nu như một nhân vật anh hùng
- Ngay mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã đặt hình tượng rừng xà nu trong thế đối lập giữa sự sống và cái chêt, sự sinh tồn đang đứng trước thảm họa diệt vong. Cũng như làng Xô Man chịu nhiều đau thương mất mát. Trong những trận càn quét của kẻ thù
- Xà nu khao khát sống, hào hứng phóng lên bầu trời rộng lớn đón ánh mặt trời như dân làng Xô Man yêu và khao khát tự do.
- Xà nu có sức sống bền bỉ dẻo dai mãnh liệt: "Cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên" giống như các thế hệ làng Xô Man trong sự đàn áp dã man của kẻ thù khao khát sống. Người này ngã xuống người kia đứng lên nối tiếp nhau đánh giặc: Anh Quyết hi sinh có Tnú thay thế; Mai ngã xuống có Dít và bé Heng lớn lên. Phẩm chất của họ trong sạch như nhưa cây xà nu, sức sống cả họ bền bỉ dẻo dai kiên cường mãnh liệt như rừng xà nu. Họ yêu Đảng yêu nước như cây xà nu vươn lên tìm ánh sáng, ánh nắng mặt trời.
- Các thế hệ làng Xô Man tương ứng với các thế hệ cây xà nu. "Cụ Mết ở trần ngực căng như một cây xà nu lớn". Đây chính là cây xà nu cổ thụ hội tụ tất cả sức mạnh của rừng xà nu. Tnú cường tráng như một cây xà nu được tôi luyện trong đau thương, trưởng thành mà "đạn đại bác không thể giết nổi chúng". Dít trưởng thành phóng lên rất nhanh tiếp ánh sáng khí trời, còn bé Heng là mầm xà nu mới nhú đang được các thế hệ tạo cho những tố chất cần thiết để sẵn sàng thay thế trong cuộc chiến cam go kéo dài.
- Nhận xét về nghệ thuật. (0,5 đ)
- Trang văn đậm chất sử thi, lời văn trau chuốt giàu hình ảnh
- Sử dụng nghệ thuật miêu tả, so sánh, nhân hóa như một phương thức tu từ chủ đạo khiến xà nu trở thành hình ảnh ẩn dụ
3. Kết luận (0,25đ)
- Xà nu không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cảnh tượng chiến trường bi trạng mà tượng trưng cho sức sống, tinh thần quật khởi, khí phách anh hùng của đồng bào Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam. Đây là lý do Nguyễn Trung Thành chọn nhan đề "Rừng xà nu – một loại cây hùng vĩ, cao thượng, man dại và trong sạch", mang đậm nét sử thi.