Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long Đề thi thử đại học 2016 môn Văn có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ Văn có đáp án được ...
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long
Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Ngữ Văn
có đáp án được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu luyện tập, ôn thi hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn lần 4 năm 2015 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp
SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VĨNH LONG TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN BÌNH KHIÊM |
ĐỀ THI THỬ TNTHPTQG NĂM 2014 – 2015 MÔN: NGỮ VĂN 12 THỜI GIAN: 180 PHÚT |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
“Đọc, trong nghĩa đó là một trò chơi. Nơi mỗi người đọc có ba nhân vật chồng lên nhau, tác động lên nhau. Một là người đọc bằng xương bằng thịt, hai chân đụng đất, vẫn còn ý thức liên hệ với thế giới bên ngoài. Hai là, người đọc bị lôi cuốn, đang ngao du trong thế giới tưởng tượng của cảm xúc. Đó là người đang chơi. Ba là, người đọc suy tư, đưa vào trò chơi sự chú ý, sự suy nghĩ, sự phán đoán của tri thức. Đó là phút giây của trí tuệ có khả năng đưa người đọc lùi ra khỏi bài văn, mở một khoảng cách để diễn dịch. Người đọc vẫn ý thức rằng mình đang chơi nhưng biết phán đoán. Ba tay chơi là một trong việc đọc, chơi với nhau một trò chơi tinh tế khiến người đọc vừa bị lôi cuốn vừa biết dừng lại, vừa tham dự vừa cách biệt với bài văn. Tư thế của người đọc văn là vậy: tham dự và cách biệt qua lại không đứt quãng.”
(Trích “Chuyện trò” – Cao Huy Thuần, NXB Trẻ, 2013)
- Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn? (0.25 điểm)
- Đoạn văn được viết theo kiểu nào? (0.25 điểm)
- Nêu nội dung chính của văn bản? (0.5 điểm)
- Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0.5điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
(…)
“Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê.
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…”
(Phạm Công Trứ)
5. Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ? (0.5đ)
6. Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ: (0.5đ)
“Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê”?
7. Anh/chị nhận xét như thế nào về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ ? (0.5đ)
PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
CÂU 1 (3 điểm)
Viết bài văn (khoảng 600 chữ), trình bày quan điểm của anh/chị về: Cuộc sống hoàn hảo trong mắt tôi…
CÂU 2: (4 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về những nét tương đồng và khác biệt của hình tượng người chiến sĩ trong hai đoạn văn sau:
“Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổ lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ…
Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắc đang bắt đầu xung phong… ”
(Trích “Những đứa con trong gia đình” - Nguyễn Thi, NXBGDVN, 2014)
“Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.
Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”
(Trích “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành, SGK Ngữ Văn 12, tập hai, trang 47, NXBGDVN, 2014)
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn
I. PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
1. Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn văn: Phân tích
- Điểm 0.25: Xác định đúng thao tác lập luận
- Điểm 0: Xác định sai hoặc không trả lời
2. Đoạn văn được viết theo kiểu: Diễn dịch
- Điểm 0.25: Xác định đúng như đáp án
- Điểm 0: Xác định sai hoặc không trả lời
3. Nêu nội dung chính của văn bản: Cách đọc, tư thế của một người đọc văn thật sự.
- Điểm 0.5 điểm: Trả lời đúng đáp án hoặc có cách diễn đạt tương đồng, hợp lí, thuyết phục
- Điểm 0.25 điểm: Trả lời được một phần đáp án (cách đọc/tư thế người đọc văn) hoặc trả lời chung chung, chép lại ý trong văn bản.
- Điểm 0: Xác định sai hoặc không trả lời
4. Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ khoa học.
- Điểm 0.5 điểm: Xác định đúng phong cách ngôn ngữ
- Điểm 0: Xác định sai hoặc không trả lời
5. Xác định các phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ : Tự sự, biểu cảm
- Điểm 0.5đ: Trả lời đúng, đủ hai phương thức.
- Điểm 0.25: Nêu được 01 phương thức.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
6. Trình bày cách hiểu của bản thân về hai câu thơ:
“Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ… một khoảng trời pha lê”
- Sự vô tâm, vô tình của “em”
- Tâm trạng nuối tiếc, hụt hẫng, ngỡ ngàng của “tôi” trước sự thay đổi của “em”
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ, có cơ sở từ văn bản thơ.
- Điểm 0.5: Trả lời đúng đáp án (2 ý trở lên) hoặc có cách trả lời hợp lí, thuyết phục, cách diễn đạt tương đồng
- Điểm 0.25: Trả lời được 01 ý hoặc trả lời chung chung, chưa thuyết phục
- Điểm 0: Trả lời sai (so với ý của văn bản thơ) hoặc không trả lời.
3. Nêu nhận xét về hai nhân vật trữ tình “tôi” và “em” trong đoạn thơ:
- “Tôi”: giàu tình cảm, thủy chung, hồn nhiên tin yêu và đợi chờ.
- “Em”: vô tâm, vô tình, dễ đổi thay.
- Điểm 0.5: Trả lời đúng đáp án (2 ý trở lên) hoặc có cách trả lời hợp lí, thuyết phục, cách diễn đạt tương đồng
- Điểm 0.25: Trả lời được 01 ý hoặc trả lời chung chung, chưa thuyết phục
- Điểm 0: Trả lời sai (so với ý của văn bản thơ) hoặc không trả lời.
II. PHẦN II. LÀM VĂN (7 điểm)
CÂU 1 (3 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Quan điểm cá nhân về một cuộc sống hoàn hảo
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm)
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giải thích khái niệm hoàn hảo để thấy được: trong cuộc sống, tất cả mọi người đều có khát vọng hướng đến sự hoàn hảo; mỗi người tùy vào tính cách, quan điểm sống khác nhau, có thể nhìn nhận về các mức độ hoàn hảo của sự việc khác nhau
- Phân tích, chứng minh những biểu hiện của một cuộc sống hoàn hảo: thành công là hoàn hảo vì nó giúp ta khẳng định bản thân trước cộng đồng, thôi thúc ta phấn đấu; thất bại là hoàn hảo vì nó cho ta có cơ hội nhìn lại sai lầm của chính mình; đợi chờ là hoàn hảo vì nó sẽ cho ta thấy được giá trị của lòng kiên nhẫn, thời gian ; khổ đau là hoàn hảo vì sau khổ đau, chúng ta sẽ biết trân trọng hạnh phúc mình đang có; ….
- Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề lựa chọn việc làm và thái độ/quan điểm/cách đánh giá công việc để đạt đến cuộc sống hoàn hảo…
- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
- Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4,0 điểm)
Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận – Vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời kháng chiến.
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
- Phân tích hình tượng người chiến sĩ trong hai văn bản
- Nhân vật Việt:
- Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu của nhân vật trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của nhân vật : bị thương, bị lạc đồng đội, một mình nằm lại giữa chiến trường, Việt vẫn hướng về phía có tiếng súng của đồng đội, phân biệt rõ ta – địch, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu….
- Nhân vật Tnú:
- Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu của nhân vật trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của nhân vật : bị đốt cháy mười đầu ngón tay vẫn cắn răng chịu đựng, nhớ lời anh Quyết dạy, quyết không kêu van….
- Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai nhân vật :
- Sự tương đồng:
- Hai nhân vật đều phải chịu đựng những đau đớn về thân xác, đơn độc khi chiến đấu; là hình mẫu của người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, tuyệt đối trung thành với cách mạng, đất nước; là biểu tượng đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ
- Sự khác biệt:
- Nhân vật Việt: Chiến đấu với tinh thần quả cảm, lạc quan, hồn nhiên, yêu đời, tin tưởng vào cách mạng, đồng đội. Ở Việt, chủ yếu chỉ có nỗi đau về thể xác do bị thương.
- Nhân vật Tnú: Chiến đấu bằng ý chí quyết tâm và lòng căm thù giặc sâu sắc, do vừa trải qua những biến cố, mất mát trong đời sống cá nhân (vợ và con bị giặc giết chết ngay trước mắt). Ở Tnú, đó là nơi cộng hưởng cả nỗi đau thể xác và tinh thần.
- Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0 -1,25: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.