Đề thi thử đại học môn văn
Đề thi và đáp án môn Ngữ văn – Thi thử ĐH lần II ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM 2011 MÔN THI: NGỮ VĂN Ngày thi: 26/03/2011, Thời gian làm bài: 180 phút. Họ và tên:…………………………………………&helli ...
Đề thi và đáp án môn Ngữ văn – Thi thử ĐH lần II
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM 2011
MÔN THI: NGỮ VĂN
Ngày thi: 26/03/2011, Thời gian làm bài: 180 phút.
Họ và tên:……………………………………………………
Số báo danh:………………………………………………..
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu I. (2,0 điểm)
Anh/ chị hãy phân tích ngắn gọn sự thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tùy bút Người lái đò sông Đà.
Câu II. (3,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) để trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến cho rằng: “ Con người đồng thời phải tạo ra và chế ngự sự đam mê”- J. Paul
II. PHẦN RIÊNG của
(5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (Câu III.a hoặc Câu III.b)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Anh/ chị hãy trình bày cảm nhận về cái tôi cá nhân của Xuân Diệu được thể hiện trong đoạn cuối bài thơ Vội vàng:
…Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ tàn phai sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm, Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh chóang mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(SGK Ngữ văn lớp 11 NC, 2007, NXB Giáo dục, tr.27)
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn văn miêu tả bữa ăn ngày đói của gia đình Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN VĂN LẦN 2
I. Phần chung cho tất cả thí sinh thi thử đại học môn văn( 5,0 điểm)
Câu I. ( 2,0 điểm)
Yêu cầu học sinh nêu được các ý chính sau đây về sự thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua tùy bút Người lái đò sông Đà:
– NT thể hiện rõ nét chất tài hoa- uyên bác trong miêu tả con sông Đà và người lái đò sông Đà.
– NT thường quan sát, khám phá, diễn tả con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ; chất tài hoa nghệ sĩ đã được thể hiện trong nhân vật người lái đò sông Đà- một người lao động bình thường trong cuộc sống đời thường.
– Hình tượng con sông Đà hung bạo, trữ tình đã thể hiện cảm hứng đặc biệt của NT với những phong cảnh tuyệt mĩ, những gió bão, thác ghềnh dữ dội…
– NT là một tâm hồn nghệ sĩ tha thiết yêu thiên nhiên, ông có những phát hiện tinh tế, độc đáo về thiên nhiên. Hình tượng con sông Đà đã được miêu tả như một công trình mĩ thuật kì vĩ, tuyệt vời của tạo hóa.
– Tùy bút NLĐSĐ đã thể hiện những đóng góp lớn lao của NT với sự phát triển của ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật cũng như thể loại tùy bút.
Câu II ( 3,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Kết cấu bài chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần thể hiện những suy nghĩ chân thành, thiết thực, chặt chẽ và thuyết phục.
Có thể làm rõ vấn đề theo một số ý sau đây:
– Giải thích các khái niệm: Sự đam mê- tạo ra- chế ngự
– Lí giải vấn đề: Tại sao con người phải tạo ra và chế ngự niềm đam mê?
– Bàn luận về niềm đam mê trong mọi mặt của cuộc sống con người.
– Bài học cho bản thân.
II. Phần riêng của ( 5 điểm)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn ( 5 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận trình bày cảm nhận về giá trị nội dung, nghệ thuật của một đoạn thơ. Kết cấu bài chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những ý chính sau đây:
– Nêu được những nét chính về hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng nghệ thuật.
– Giải thích khái niệm về cái tôi cá nhân: ý thức sâu sắc về giá trị và khát vọng của bản thân mình trong cuộc sống; riêng với nhà thơ, cái tôi cá nhân không chỉ dừng lại ở ý thức mà còn là phương thức thể hiện độc đáo ý thức đó trong tác phẩm của mình.
– Cái tôi cá nhân của XD được thể hiện trong quan niệm mới mẻ, tích cực về thời gian và tuổi trẻ: phủ nhận quan niệm thời gian tuần hoàn; chỉ rõ sự khắc nghiệt của thời gian tuyến tính và sự ngắn ngủi, hữu hạn của đời người, của tuổi trẻ; từ đó khẳng định giá trị của sự sống cá nhân. Những cảm nhận về thời gian chi phối cách nhìn cảnh vật trong không gian, đó luôn là không gian thấm đẫm hương vị chia phôi, li biệt. Đó là nguyên nhân dẫn đến khát khao tận hưởng cuộc sống đến say sưa, mê đắm của cái tôi cá nhân nhà thơ.
– Cái tôi của XD còn hiện ra trong giọng điệu khi bâng khuâng, nuối tiếc, khi sôi nổi, bồng bột, khi tha thiết, đắm say. Chỉ rõ sự biểu hiện của cái tôi cảm xúc trong nét đặc sắc của ngôn từ nghệ thuật ( các yếu tổ điệp, phép tăng tiến, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác…).
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao ( 5 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, nêu được những cảm nhận của riêng mình về những nét đặc sắc trong giá trị nội dung và nghệ thuật của một đoạn văn trong tác phẩm văn xuôi tự sự. Kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm rõ những ý chính sau đây:
– Nội dung: phân tích những biểu hiện cơ bản của giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo được Kim Lân thể hiện trong đoạn văn miêu tả bữa ăn ngày đói của gia đình Tràng ( sự đói khát thảm hại; nỗi xót xa cho thân phận con người; ca ngợi tình người, gieo vào lòng người niềm hi vọng đổi đời…)
– Nghệ thuật trần thuật và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; nghệ thuật ngôn từ đặc sắc; phân tích một vài chi tiết nghệ thuật độc đáo, ấn tượng như hình ảnh bát cháo cám, hình ảnh lá cờ đỏ…