14/01/2018, 17:48

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1) Đề kiểm tra KSCL môn Văn lớp 11 có đáp án Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 được ...

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11

được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, giúp các em học sinh ôn tập và cùng cố kiến thức hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng cho các bài thi, bài kiểm tra trong năm học mới.

Đề thi khảo sát chất lượng môn Toán lớp 11 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Tiếng Anh lớp 11 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 1)

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN I

NĂM HỌC 2015-2016

MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian: 150 phút, không kể thời gian phát đề

Đề thi có 02 trang

Phần I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:

Huyền bí và mênh mông đủ làm choáng ngợp, vẻ đẹp của Sơn Đoòng được báo chí quốc tế cho rằng xứng đáng với số tiền mà du khách đã bỏ ra khi khám phá nơi đây. Hang Sơn Đoòng dài khoảng 9km, có rừng rậm nhiệt đới và dòng sông. Không gian bên trong hang có thể chứa được... một tòa nhà 40 tầng.

Nhưng điều quan trọng mà nhiều người chưa biết đến là việc hình thành hang động Sơn Đoòng không phải theo cách truyền thống - đá vôi bị hoà tan bởi nước mưa, lâu dần theo thời gian hàng triệu năm, nước bào mòn các hoà tan thành hang động vĩ đại. Với "siêu hang động" Sơn Đoòng, câu chuyện ở một hướng khác.

Sơn Đoòng nằm trên một đường đứt gãy hướng Bắc - Nam, chính trục đứt gãy này tạo điều kiện cho hang động lớn nhất thế giới này hình thành một cách mạnh mẽ qua dòng chảy không gì cản được của dòng nước lũ và bào mòn thành hang động tuyệt vời mà các nhà khoa học gọi là "Một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo. Điều này không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này".

(Theo dulich.dantri.com.vn ngày 17/05/2015)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Từ nội dung của đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 câu bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với các danh thắng thiên nhiên của đất nước.

Đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 6:

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh"

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản.

Câu 5. Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt?

Câu 6. Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay.

Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu tục ngữ: Một điều nhịn là chín điều lành.

Câu 2. (4,0 điểm)

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa trong hai bài thơ: Tự tình (bài II) (Hồ Xuân Hương), Thương vợ (Trần Tế Xương).

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích là: "Huyền bí và mênh mông đủ làm choáng ngợp, vẻ đẹp của Sơn Đoòng được báo chí quốc tế cho rằng xứng đáng với số tiền mà du khách đã bỏ ra khi khám phá nơi đây." (0.5 điểm)

Câu 2. Phương thức biểu đạt chủ yếu: thuyết minh. (0.5 điểm)

Câu 3. Thí sinh có thể có những cảm xúc và suy nghĩ khác nhau, nhưng cần nêu bật được: Cảm xúc yêu mến, tự hào trước vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng cũng như những danh thắng thiên nhiên khác có trên đất nước. Từ đó, nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp đó; đồng thời, phải có những hành động thiết thực để bảo tồn cũng như quảng bá các di sản thiên nhiên của đất nước. (0.5 điểm)

Câu 4.

  • Biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản: so sánh: (0.25 điểm)
    • Ôi tiếng Việt như đất cày , như lụa
    • Óng tre ngà và mềm mại như tơ
    • Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
    • Như gió nước không thể nào nắm bắt
  • Tác dụng: hữu hình hóa vẻ đẹp của tiếng Việt bằng các hình ảnh, âm thanh; tiếng Việt đẹp bởi hình và thanh. (0.25 điểm)

Câu 5. Văn bản trên thể hiện lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt. (0.5 điểm)

Câu 6. Thí sinh phải viết một đoạn văn ngắn hoàn chỉnh khoảng 5 – 7 câu trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. (Ví dụ: ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nói và viết, phê phán các hành vi cố tình sử dụng sai tiếng Việt...). (0.5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điếm)

Câu 1. (3,0 điếm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thế:

Bài làm của thí sinh có thể khai thác những hiểu biết, nêu những suy nghĩ và trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đạt được các ý cơ bản sau:

1. Giải thích ý nghĩa câu nói:

  • Nhịn: là nhún nhường, biết kiềm chế nóng giận, biết lắng nghe ý kiến của người khác, luôn giữ được hoà khí trong giao tiếp, ứng xử, tránh xung khắc đối đầu.
  • Lành: kết quả tốt đẹp, thoả đáng, đúng như mong muốn.
  • Một, chín: những con số có tính chất ước lệ.
  • Cả câu: Cha ông ta khuyên trong cuộc sống nên biết nhường nhịn, nhẫn nhịn để tạo mối quan hệ tốt lành, thân ái.

2. Bàn luận vấn đề:

  • Khẳng định mặt đúng của câu tục ngữ: Câu tục ngữ thể hiện một quan niệm xử thế đúng đắn của cha ông ta. Cuộc sống vốn đa dạng phức tạp. Con người thường có rất nhiều mối quan hệ khác nhau (trong gia đình, ngoài xã hội). Muốn phát triển, con người phải biết đoàn kết hợp tác với nhau để tăng cường sức mạnh, đem lại hiệu quả cao nhất. Sự hoà thuận trong giao tiếp là vô cùng cần thiết vì đó là cách ứng xử có hiệu quả, là phương châm sống tốt nhất. (Thí sinh cần nêu và phân tích được các dẫn chứng thực tế trong gia đình, ngoài xã hội để chứng minh).
  • Tuy nhiên câu tục ngữ còn chưa toàn diện. Trong thực tế đời sống, không phải sự nhẫn nhịn, nhún nhường bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất. Khi đối mặt với cái xấu, cái ác thì sự nhẫn nhịn lại đồng nghĩa với thái độ hèn nhát, nhu nhược, lại trở thành tiêu cực vì nó cản trở sự vươn lên, hoàn thiện của bản thân mỗi người cũng như của cả cộng đồng. (Thí sinh cần nêu và phân tích được các dẫn chứng thực tế để chứng minh).

3. Bài học nhận thức và hành động:

  • Tuỳ từng tình huống, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể để lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
  • Trong giao tiếp cần có thái độ mềm dẻo, bình tĩnh nhưng có chừng mực, có nguyên tắc.
  • Quyết tâm chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện, không làm ngơ trước những việc bất bình, phi pháp; mạnh dạn phê phán những thái độ, việc làm không đúng của mọi người xung quanh.
  • Liên hệ bản thân.

Thang điểm:

  • Điểm: 3
    • Bài làm thể hiện sự hiểu sâu, hiểu chắc về câu tục ngữ. Nêu được suy nghĩ của bản thân. Có dẫn chứng thực tế minh họa.
    • Kết hợp hợp lý và nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, hành văn lưu loát, có thể còn mắc vài lỗi diễn đạt nhỏ.
  • Điểm: 2
    • Hiểu vấn đề, nêu được suy nghĩ của bản thân nhưng chưa sâu, có dẫn chứng thực tế minh họa.
    • Kết cấu mạch lạc, lập luận tương đối thuyết phục. Có thể có một số lỗi diễn đạt nhưng không phá vỡ mạch văn.
  • Điểm: 1
    • Tỏ ra hiểu vấn đề nhưng khai thác chưa sâu, có thể còn lúng túng trong lập luận. Suy nghĩ chưa thấu đáo.
    • Bố cục bài viết rõ nhưng còn mắc vài lỗi về dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

1. Yêu cầu kĩ năng

Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.

2. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý cơ bản. Sau đây là một số gợi ý:

a. Mở bài

  • Hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.
  • Cảm hứng về người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua hai bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

b. Thân bài

  • Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:
  • Tự tình II: Nỗi buồn về thân phận, về tình duyên và hạnh phúc gia đình. Đây là những điều quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người phụ nữ.
  • Thương vợ: Người vợ lặn lội, sớm khuya vất vả quanh năm. Đó là nỗi gian truân vì gánh nặng gia đình.
  • Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu đương:
  • Tự tình II: khát khao tình yêu thương và được yêu thương.
  • Thương vợ: Vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, hi sinh vì chồng con.
  • Cảm nhận của người viết: Cảm thông, thương xót, chia sẻ, nể phục, ngợi ca những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.

c. Kết bài

  • Giá trị của hai bài thơ.
  • Liên hệ với phẩm chất của người phụ nữ ngày nay.

Thang điểm:

  • Điểm: 4
    • Bài làm thể hiện sự hiểu sâu, hiểu chắc về vấn đề nghị luận, thể hiện khả năng cảm thụ và thẩm bình tác phẩm văn chương sâu sắc.
    • Phân tích, lí giải rõ ràng, chặt chẽ. Lựa chọn và kết hợp hợp lí các thao tác lập luận, hành văn lưu loát, mạch văn sáng sủa, có cảm xúc, có chất văn. Dẫn chứng đủ, chính xác, chọn lọc. Có thể còn mắc vài lỗi diễn đạt nhỏ.
  • Điểm: 3
    • Bài làm thể hiện sự hiểu đúng, hiểu sâu về vấn đề đưa ra nghị luận, có khả năng cảm thụ và thẩm bình tác phẩm văn chương, đáp ứng được đủ các ý cơ bản.
    • Biết lựa chọn, kết hợp hợp lí các thao tác lập luận, kết cấu mạch lạc, văn phong sáng sủa, rõ ràng, có cảm xúc. Dẫn chứng vừa đủ, chính xác. Có thể mắc một số ít lỗi diễn đạt nhưng không phá vỡ mạch văn.
  • Điểm: 2
    • Tỏ ra hiểu vấn đề, nắm được bản chất vấn đề nhưng triển khai lúng túng, mới đạt được một số ý trong nội dung, luận điểm sắp xếp chưa hợp lý.
    • Còn mắc một số lỗi diễn đạt về dùng từ, đặt câu.
  • Điểm: 1
    • Lạc đề nhưng đã có một bài văn hoặc nắm chưa vững, chưa hiểu bản chất hình tượng, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
0