14/01/2018, 15:29

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nông Cống 1, Thanh Hóa năm học 2015 - 2016 (Lần 2)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nông Cống 1, Thanh Hóa năm học 2015 - 2016 (Lần 2) Đề kiểm tra chất lượng môn Văn lớp 10 có đáp án Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10 ...

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Nông Cống 1, Thanh Hóa năm học 2015 - 2016 (Lần 2)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10

 có đáp án là đề kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng học sinh. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức, học tốt môn Ngữ văn 10, chuẩn bị sẵn sàng cho học kỳ 2.

Đề thi khảo sát chất lượng môn Lịch sử lớp 10 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 2)

Đề thi khảo sát chất lượng môn Hóa học lớp 10 trường THPT Đồng Đậu, Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016 (Lần 2)

SỞ GD&ĐT THANH HÓA

TRƯỜNG THPT NÔNG CỐNG I

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 2 NĂM HỌC 2015-2016

MÔN THI: NGỮ VĂN  10

Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

"Trong làn nắng ửng: khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang"

(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)

  1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên (0.25 điểm)
  2. Tìm các từ láy được sử dụng trong đoạn thơ (0,25 điểm)
  3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn thơ trên? Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó (0,5 điểm)
  4. Nội dung của đoạn thơ trên? (trình bày trong khoảng 5-7 dòng) (0,5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài... Tất cả có thể dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm...

Có thể thấy tác hại theo hướng nóng lên toàn cầu thể hiện ở 10 điều tồi tệ sau đây: gia tăng mực nước biển, băng hà lùi về hai cực, những đợt nóng, bão tố và lũ lụt, khô hạn, tai biến, suy thoái kinh tế, xung đột và chiến tranh, mất đi sự đa dạng sinh học và phá huỷ hệ sinh thái. Những minh chứng cho các vấn đề này được biểu hiện qua hàng loạt tác động cực đoan của khí hậu trong thời gian gần đây như đã có khoảng 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt ở Nam Á, châu Phi và Mexico. Các nước Nam Âu đang đối mặt nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng dễ dẫn tới những trận cháy rừng, sa mạc hóa; còn các nước Tây Âu thì đang bị đe dọa xảy ra những trận lũ lụt lớn, do mực nước biển dâng cao cũng như những đợt băng giá mùa đông khốc liệt. Những trận bão lớn vừa xảy ra tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... có nguyên nhân từ hiện tượng trái đất ấm lên trong nhiều thập kỷ qua. Những dữ liệu thu được qua vệ tinh từng năm cho thấy số lượng các trận bão không thay đổi, nhưng số trận bão, lốc cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đã tăng lên, đặc biệt ở Bắc Mỹ, tây nam Thái Bình Dương, Ân Độ Dương, bắc Đại Tây Dương. Một nghiên cứu với xác suất lên tới 90% cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỉ người rơi vào cảnh thiếu lương thực vào năm 2100, do tình trạng ấm lên của Trái đất.

(Theo nguồn Internet)

5. Văn bản trên viết về vấn đề gì ? (0,25 điểm)
6. Xác định câu chủ đề của đoạn. (0,25 điểm)
7. Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là gì ? (0,5 điểm)
8. Theo anh (chị), trong những năm qua, nước ta đã chịu những tác động nào từ vấn đề trên ? (trình bày trong khoảng 5-7 dòng) (0,5 điểm).

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (3 điểm)

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về đoạn thư sau (được cho là của Tổng thống Mĩ A. Lin-côn gửi thầy hiệu trưởng trường con trai ông đang học):

"Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh..."

(Trích Thư của Tổng thống Mĩ A. Lin-côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong Những câu chuyện về người thầy, NXB Trẻ, 2004)

Câu 2 (4 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về quan niệm sống riêng của Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Trãi qua hai bài thơ "Tỏ lòng" (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão), "Cảnh ngày hè" (Nguyễn Trãi).

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 10

I. Phần I: Đọc - Hiểu (3 điểm)

  1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm (0,25)
  2. Các từ láy: lấm tấm, sột soạt (0,25)
  3. Biện pháp tu từ: nhân hóa. Hiệu quả nghệ thuật: ngọn gió mùa xuân hiện lên như một sinh thể có hồn với vẻ nhí nhảnh, tinh nghịch, duyên dáng. (0,5)
  4. Nội dung đoạn thơ: cảnh sắc mùa xuân buổi sáng mai trong thời khắc giao mùa. Cảnh xuân trong sáng, xinh tươi, thơ mộng... Thi nhân đắm say trong cảnh, lòng ngập tràn tình yêu với quê hương xứ sở, thiết tha niềm yêu đời, yêu cuộc sống. (0,5)
  5. Vấn đề: Biến đổi khí hậu toàn cầu với nhiều biểu hiện rõ rệt. Những tác hại nghiêm trọng của nó đến các quốc gia, vùng miền khác nhau trên thế giới. (0,25)
  6. Câu chủ đề: Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. (0,25)
  7. Phương thức biểu đạt chủ yếu: thuyết minh (0,5)
  8. Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất từ biến đổi khí hậu. Đó là nhiệt độ tăng lên cùng với những bất thường về thời tiết, khí hậu như nắng nóng, rét đậm, rét hại,... Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ở nhiều nơi như hạn hán (Ninh Thuận), lũ lụt (Quảng Ninh), mưa đá (Lào Cai),... Các vùng ven biển (nhất là Đồng bằng sông Cửu Long) đang phải đối mặt với hiểm họa nước biển xâm lấn... Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều đã bị ảnh hưởng : nông - lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng...

(HS có thể trình bày khác nhưng tỏ ra hiểu biết vấn đề, diễn đạt tốt thì vẫn cho điểm tối đa) (0,5)

Phần II: Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (3 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, hành văn trôi chảy, không mắc các lỗi diễn đạt, câu từ, chính tả...

* Yêu cầu về kiến thức: Có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo một số ý cơ bản sau

1. Giải thích ý kiến (0,5)

  • "Dạy cho con tôi thấy được thế giới kì diệu của sách": biết thu nhận kiến thức từ sách vở, có niềm say mê khám phá thế giới kiến thức phong phú của sách.
  • "Cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống": chú trọng rèn luyện tâm hồn nhạy cảm, biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, tự mình khám phá ý nghĩa của cuộc sống, vẻ đẹp của thế giới tự nhiên cũng như con người.

* Lời mong mỏi của một người cha đối với nhà trường, các nhà giáo dục: Dạy cho học sinh biết cách trân trọng giá trị của sách vở và cuộc sống.

2. Bàn luận (2,0)

  • Đây là tâm tình của một người cha: thể hiện tình yêu con, mong muốn con trưởng thành với những phẩm chất tốt đẹp. Lời đề nghị của ông với thầy hiệu trưởng, với nhà trường còn thể hiện mong ước của một người yêu thương, quan tâm đến sự phát triển toàn diện nhân cách của một đứa trẻ.
  • Nội dung lời đề nghị rất chính đáng, sâu sắc:
    • Không phủ nhận vai trò quan trọng của sách, của kiến thức văn hóa do sách vở mang lại. Sách là sản phẩm tinh thần của con người, lưu giữ những thành tựu tri thức trên tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và con người. Nó là cả một "thế giới kì diệu", rộng mở. Sách có vai trò quan trọng trong việc đem lại tri thức căn bản, sự hiểu biết phong phú cho con người. Lười đọc sách, con người sẽ thiếu hụt nền tảng tri thức.
    • Kiến thức cuộc sống thực tiễn của con người cũng quan trọng không kém. Cuộc sống là "sự bí ẩn muôn thuở" mà con người cần hiểu biết, khám phá. Giành thời gian để lặng lẽ suy tư về cuộc sống, quan sát, lắng nghe thế giới xung quanh, con người sẽ cảm nhận được những điều giản dị mà chứa đầy bí ẩn thú vị. Nó giúp ta rèn luyện giác quan nhạy cảm, tinh tế. Nó vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn con người, khơi dậy tình yêu thiên nhiên, cuộc sống. Quan tâm, lắng nghe cuộc sống, đó là cơ sở của tình yêu thương đồng loại và muôn loài. Quan sát những hiện tượng nhỏ trong cuộc sống đôi khi lại giúp con người nảy ra những ý tưởng mới mẻ, những phát kiến, phát minh...
      • Trong thực tế, có nhiều người dù trải qua trường lớp ít nhưng nhờ kiến thức cuộc sống phong phú họ đã thành công và thành danh. (Dẫn chứng)
    • Người thầy có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần tự học, lòng ham hiểu biết, khám phá, chiêm nghiệm và lặng lẽ suy tư trước mọi vấn đề của đời sống ở học sinh. Điều đó giúp học sinh có thói quen quan tâm đến mọi điều trong đời sống.
  • Phê phán thái độ coi thường kiến thức thực tiễn, hoặc không quan tâm, thờ ơ với cuộc sống. Trăn trở trước thực tế dạy học nhồi nhét kiến thức văn hóa ở một số trường học hiện nay.

3. Bài học nhận thức và hành động (0,5)

  • Biết học trong sách vở nhưng cũng cần biết học ở cuộc sống. Phải biết yêu và trân trọng cuộc sống, nhận ra vẻ đẹp từ những điều bình dị nhất của vạn vật quanh ta.
  • Học kiến thức song song với rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn. Những buổi học ngoại khóa, những chuyến đi trải nghiệm, hoặc những phút ngồi quan sát, lắng nghe cuộc sống diễn ra xung quanh đều đem lại kiến thức thực tế và bổ ích.

Câu 2 (4 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học. Bố cục sáng rõ, hệ thống luận điểm chặt chẽ, hành văn trôi chảy, không mắc các lỗi diễn đạt, câu từ, chính tả...

* Yêu cầu về kiến thức: Có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo một số ý cơ bản sau

1. Giới thiệu chung (0,5)

  • Phạm Ngũ Lão và bài "Tỏ lòng" (Thuật hoài), Nguyễn Trãi và bài "Cảnh ngày hè"
  • Mỗi bài thơ đều thể hiện tiếng nói riêng về quan niệm sống của các tác giả.

2. a. Cảm nhận về quan niệm sống của Phạm Ngũ Lão qua bài "Tỏ lòng" (Thuật hoài) (1,0)

  • Bài thơ là những dòng bày tỏ nỗi lòng trước con người và thời đại. Đó là niềm tự hào trước hình ảnh người tráng sĩ với nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và đội quân nhà Trần bách chiến bách thắng với khí thế hùng mạnh ngất trời.
    • "Tỏ lòng" còn là niềm ưu tư với món nợ công danh của kẻ làm trai, nỗi hổ thẹn trước tấm gương anh hùng Vũ Hầu Gia Cát Lượng.
  • Qua "Tỏ lòng", tác giả thể hiện một quan niệm sống tích cực rất phổ biến trong thời đại phong kiến: Chí làm trai với nợ công danh. Làm trai phải lập công làm nên sự nghiệp lớn, lập danh để lại tiếng thơm cho đời. Đó là tư tưởng phổ biến của các đấng tu mi nam tử thời bấy giờ. Chí làm trai đã từng thôi thúc các anh hùng, kẻ sĩ tung hoành ngang dọc, chọc trời khuấy nước những mong làm nên việc lớn lao để trả món nợ đời. Nó đã cổ vũ mạnh mẽ con người từ bỏ lối sống tầm thường, nhàn dật, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho sự nghiệp lớn lao - sự nghiệp cứu nước, cứu dân để cùng trời đất "muôn đời bất hủ".
    • Bản thân Phạm Ngũ Lão khi thời chiến thì xông pha trận mạc góp công không nhỏ trong hai trận chiến đánh quân Nguyên Mông, lúc thời bình thì tận tụy hết lòng phò vua giúp nước. Nhưng chừng ấy vẫn chưa thỏa nguyện. Con người đầy tinh thần trách nhiệm với dân, với nước ấy rõ ràng ôm trong lòng chí lớn, khát vọng công danh không vừa. Nỗi hổ thẹn trước tài trí siêu việt, công lao phục quốc của Gia Cát Lượng đã tỏa sáng một nhân cách lớn, một hoài bão lớn. Chữ "thẹn" ấy đã gửi gắm cả giấc mộng kinh bang tế thế, tấm lòng tận trung báo quốc của con người thời đại Đông A.
    • Quan niệm sống, lí tưởng sống cao đẹp đã góp phần làm nên Hào khí Đông A.
  • Vài nét về nghệ thuật : Hình ảnh thơ hoành tráng, kì vĩ ; ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, có sự dồn nén cao độ về cảm xúc.

b. Cảm nhận về quan niệm sống của Nguyễn Trãi qua bài "Cảnh ngày hè". (1,0)

  • Bài thơ là bức tranh về cuộc sống chốn quê nhà của người anh hùng Nguyễn Trãi. Đó là hình ảnh một ngày rỗi rãi hiếm hoi trong cuộc đời ông. Bức tranh cảnh ngày hè hiện lên sinh động, tràn đầy sức sống. Thi nhân cảm nhận cảnh vật với nhiều giác quan nhạy cảm, tinh tế. Say đắm với thiên nhiên nhưng tác giả vẫn hướng lòng về cuộc sống lao động chốn dân quê. Nhà thơ ước có cây đàn của vua Ngu Thuấn để đàn một khúc Nam Phong cho dân khắp nơi được no đủ.
  • Qua "Cảnh ngày hè", Nguyễn Trãi đã gián tiếp thể hiện một quan niệm sống rất cao đẹp. Đó là:
    • Sống chan hòa với thiên nhiên, tạo vật. Luôn dành tình yêu cho thiên nhiên, con người và cuộc sống xung quanh.

Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam
(Thuật hứng XIX)

Lối sống thanh đẹp đó đã mang đến một Nguyễn Trãi - nhà thơ rất nghệ sĩ, rất trần thế.

    • Dù trong hoàn cảnh nào lòng vẫn đau đáu hướng về nước, về dân.

"Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" (Thuật hứng II)
"Bui có một lòng trung liễn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (Thuật hứng, XXIII).

Trong hoàn cảnh không được tin dùng, ông phải tạm lánh chốn quê nhà nhưng lòng vẫn canh cánh nỗi niềm ưu quốc, ái dân. Bài thơ tả cảnh nhàn mà tâm không nhàn.

  • * Vài nét về nghệ thuật: Ngôn từ, hình ảnh giản dị, trong sáng mà giàu sức biểu cảm; Việt hóa thơ Đường luật với những câu thơ lục ngôn ở đầu và cuối bài thơ... 

c. Nét tương đồng và sự khác biệt: (1,0)

  • Nét tương đồng: Hai bài thơ đã mang đến những quan niệm sống rất phổ biến ở những bậc anh hùng, trí thức qthời xưa. Đó đều là những tư tưởng sống tích cực, cao đẹp. Dù trong những hoàn cảnh sống khác nhau nhưng cả hai đều chung một chí hướng là sống vì nước, vì dân. Hai nhà thơ đều ôm ấp lí tưởng anh hùng "trí quân trạch dân", một lòng tận trung báo quốc.
    • Hai bài thơ đều được làm theo thể thơ Đường luật, ngôn từ cô đọng, hàm súc.
  • Sự khác biệt: Phạm Ngũ Lão thể hiện quan niệm về chí làm trai hào hùng mang âm vang Hào khí Đông A. Là người anh hùng luôn được vua nhà Trần kính trọng, tin yêu nên tiếng nói lí tưởng sống của ông nhiệt thành, hào khí.
  • Nguyễn Trãi mang đến một quan niệm sống rất anh hùng mà cũng rất nghệ sĩ, rất con người. Bản thân trong hoàn cảnh bị nghi ngờ, phải tạm sống ẩn dật nên tiếng nói lí tưởng sống của ông có phần tha thiết, ngậm ngùi.
    • Bài "Tỏ lòng" (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão là bài thơ chữ Hán, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh thơ hoành tráng, ngôn từ cô đọng, hàm súc, dồn nén cảm xúc. Bài "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm được viết bằng chữ Nôm với sự Việt hóa thể thơ Đường luật, hình ảnh quen thuộc, ngôn từ trong sáng, giàu sức biểu cảm.

3. Đánh giá chung: (0,5)

  • Hai bài thơ đã mang đến những vẻ đẹp khác nhau của những người anh hùng một thời: Phạm Ngũ Lão - anh hùng tráng chí, Nguyễn Trãi - anh hùng nghệ sĩ.
  • Quan niệm sống của họ vẫn còn ý nghĩa tích cực cho đến thời đại hôm nay.
0