14/01/2018, 21:01

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 2

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 2 Đề thi HSG cấp thành phố môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Đề thi học sinh giỏi ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 2

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Đề thi học sinh giỏi bao giờ cũng khó, đòi hỏi các em không những nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải biết tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu tham khảo bên ngoài. Xuất phát từ thực tế đó, thư viện đề thi VnDoc xin giới thiệu: . Chúc các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi học sinh giỏi sắp tới.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 1

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Cư M'gar, Đăk Lăk năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Đại Lộc, Quảng Nam năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Phòng GD&ĐT Tĩnh Gia, Thanh Hóa năm học 2016 - 2017

PHÒNG GD&ĐT TP HẢI DƯƠNG ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 - VÒNG 2
NĂM HỌC 2016 - 2017
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1 (4,0 điểm)

Vị thiền sư và chú tiểu

Chuyện xưa kể lại rằng, một buổi tối, một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất. Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định: Vượt tường trốn ra ngoài chơi. Nhưng vị thiền sư không nói với ai mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra và quỳ xuống đúng chỗ đó.

Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Đặt chân xuống, chú kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình. Vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, chú đứng im chờ những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ, vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói: "Đêm khuya, sương lạnh, con mau về thay áo đi". Suốt cuộc đời chú tiểu không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó.

Suy nghĩ của em về câu chuyện trên.

Câu 2 (6,0 điểm)

"Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng (...) Nhưng văn học không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà văn"

(SGK Ngữ văn 9 – Tập 2, Trang 115)

Phân tích hình tượng người lính trong hai bài thơ "Đồng chí" (Chính Hữu) và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật) để làm sáng tỏ nhận định trên.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9

Câu 1

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội dưới dạng một câu chuyện.
  • Bố cục bài viết rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

II. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng bài viết cần có các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận 

2. Phân tích, bàn luận vấn đề:

a. Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện

* Chú tiểu là người mắc lỗi làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi

=> Hành động đó mang ý nghĩa biểu trưng cho những lỗi lầm của con người trong cuộc sống. 

* Cách cư xử của vị thiền sư:

  • Đưa bờ vai của mình làm điểm tựa cho chú tiểu lỗi lầm bước xuống.
  • Không quở phạt, trách mắng mà nói lời yêu thương thể hiện sự quan tâm, lo lắng.

=> Qua đó cho thấy vị thiền sư là người có lòng khoan dung, độ lượng với người lầm lỗi. Hành động và lời nói ấy có sức mạnh hơn ngàn lần roi vọt, mắng nhiếc mà cả đời chú tiểu không bao giờ quên. 

=> Câu chuyện cho ta bài học quý giá về lòng khoan dung. Lòng khoan dung nếu đặt đúng chỗ sẽ có tác dụng to lớn hơn mọi sự trừng phạt, nó tác động mạnh mẽ, tích cực đến nhận thức con người, cảm hóa con người. 

b. Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện: 

  • Khẳng định câu chuyện có mang giá trị nhân văn, gợi nhiều suy ngẫm sâu sắc.
  • Trong cuộc đời mỗi người ai cũng từng có lần mắc lỗi giống như hành động của chú tiểu vượt tường trốn ra ngoài chơi. Bởi vậy, chúng ta cần phải có lòng khoan dung giống như vị thiền sư trong câu chuyện. 
  • Khoan dung là tha thứ, rộng lượng với người khác nhất là những người gây đau khổ với mình. Đây là thái độ sống đẹp, một phẩm chất đáng quý của con người.
  • Tha thứ cho người khác chẳng những giúp người đó sống tốt đẹp hơn mà bản thân chúng ta cũng sống thanh thản. Đặc biệt trong quá trình giáo dục con người, khoan dung đem lại hiệu quả hơn hẳn so với việc áp dụng các hình phạt khác. Giống như chú tiểu trong câu chuyện: "Suốt cuộc đời chú tiểu không bao giờ quên được bài học từ buổi tối hôm đó' (Lấy dẫn chứng thực tế phù hợp để chứng minh) 
  • Khoan dung giúp giải thoát những hận thù, tranh chấp, giúp cân bằng cuộc sống, sống hòa hợp với mọi người xung quanh. (Dẫn chứng) 

c. Mở rộng vấn đề:

  • Đối lập với khoan dung là đố kị, ghen tỵ, ích kỉ, định kiến.
  • Khoan dung không có nghĩa là bao che cho những việc làm sai trái.

(HS nêu được một số dẫn chứng sinh động, phù hợp)

d. Rút ra bài học nhận thức và hành động:

  • Cần phải sống khoan dung, nhân ái
  • Sống khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình.

III. Tiêu chuẩn cho điểm

* Mức tối đa: (4,0 điểm): Đáp ứng xuất sắc các yêu cầu trên

* Mức chưa tối đa:

  • Điểm 3 -> 3,75: Bài viết đảm bảo tốt các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng.
  • Điểm 2 -> 2,75: Bài viết đảm bảo khá tốt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, còn mắc một số lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
  • Điểm 1 -> 1,75: Đảm bảo cơ bản các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu, chính tả...
  • Điểm 0,25 -> 0,75: Bài viết sơ sài, chưa đảm bảo các yêu cầu về kiến thức và kỹ mắc nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu, chính tả...

* Mức không đạt: Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

Câu 2

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Có kiến thức lý luận văn học về một trong những đặc điểm nội dung cơ bản của tác phẩm văn học là hình tượng nghệ thuật.
  • Phân tích được vẻ đẹp của hình tượng người lính qua từng bài thơ để làm rõ vấn đề trên.
  • Bố cục chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc.
  • Không mắc lỗi về câu, từ, chính tả.

II. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể có những cách lập luận khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Nêu vấn đề nghị luận, trích dẫn nhận định 

2. Giải thích nhận định:

  • Hình tượng là phương tiện của văn học để phản ánh hiện thực. Đó là bức tranh sinh động về con người và cuộc sống.
  • Hình tượng văn học vừa chứa nội dung hiện thực (trực tiếp miêu tả cuộc sống), vừa mang nội dung tư tưởng (biểu hiện lý tưởng, cách nhìn, cách nghĩ, cảm xúc của mỗi cá nhân nhà văn). Nghĩa là vừa có tính chung sâu sắc, vừa mang tính riêng độc đáo.
  • Bởi vậy: phân tích hình tượng văn học là làm nổi bật vẻ đẹp con người, cuộc sống được thể hiện qua đó; phát hiện sự đóng góp riêng của nhà văn trong việc chọn lựa các yếu tố để xây dựng hình tượng. 

3. Phân tích hình tượng người lính trong hai bài thơ để làm sáng tỏ nhận định:

Ý 1: Vẻ đẹp chung của hình tượng:

Chân dung người lính là biểu tượng cao đẹp của con người Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh với các phẩm chất đáng quí

  • Có trái tim yêu nước cháy bỏng.
  • Có lý tưởng cao đẹp, chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc.
  • Đoàn kết, gắn bó trong tình đồng chí, đồng đội keo sơn.
  • Dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy để sống, chiến đấu và chiến thắng. 

Ý 2: Sự phát hiện riêng của hai nhà thơ:

* "Đồng chí" (Chính Hữu)

  • Vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của người nông dân mặc áo lính trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
  • Tình đồng chí, đồng đội hòa quyện với tình giai cấp.
  • Sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ của nhà thơ trước hoàn cảnh và tình cảm của người lính.
  • Những chi tiết, hình ảnh, cấu tứ đặc sắc, giàu giá trị gợi tả, gợi cảm, biểu trưng. (Quê hương anh ... làng tôi, đôi người xa lạ ... đôi tri kỷ, ruộng nương ... gian nhà ... giếng nước gốc đa, anh với tôi..., áo anh ... quần tôi, thương nhau tay nắm lấy bàn tay, đứng cạnh bên nhau ... đầu súng trăng treo) 

* "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật)

  • Vẻ đẹp dũng cảm, hiên ngang, trẻ trung, yêu đời, mang đậm chất "lính" của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ.
  • Tình đồng chí, đồng đội gắn với đời sống và tâm hồn phơi phới, sôi nổi, tinh nghịch, ngang tàng của thế hệ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
  • Tình cảm yêu quí, tự hào, gắn bó của nhà thơ đối với những người lính.
  • Những chi tiết, hình ảnh đặc sắc cùng giọng điệu, ngôn từ và lối thơ văn xuôi khắc đậm hình tượng người lính (Xe không có kính...kính vỡ, nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng ... nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, bắt tay qua cửa kính vỡ rồi, võng mắc chông chênh ... Lại đi, lại đi ... Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước: chỉ cần trong xe có một trái tim) 

4. Đánh giá:

  • Nhận định trên hoàn toàn đúng đắn...
  • Cả hai bài thơ "Đồng chí" (Chính Hữu) và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật) đều xây dựng hình tượng đẹp về người lính trong những năm tháng chiến tranh nhưng không phản ánh máy móc, thụ động như một tấm gương mà thông qua tư tưởng, tình cảm, cách nhìn, cách đánh giá của từng nhà thơ. Các nhà thơ đã khắc tạc nên chân dung anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến...
  • Những đặc sắc về nghệ thuật...
  • Khẳng định tài năng, sự đóng góp của hai nhà thơ trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. 

III. Tiêu chuẩn cho điểm:

* Mức tối đa: (6,0 điểm): Đáp ứng xuất sắc các yêu cầu trên

* Mức chưa tối đa:

  • Điểm 5 -> 5,75: Bài viết đảm bảo tốt các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng.
  • Điểm 4 -> 4,75: Bài viết đảm bảo khá tốt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, còn mắc một số lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả. 
  • Điểm 3 -> 3,75: Đảm bảo cơ bản các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu, chính tả...
  • Điểm 2 -> 2,75: Bài viết sơ sài, chưa đảm bảo các yêu cầu về kiến thức và kỹ mắc nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu, chính tả...
  • Điểm 0,25 -> 1,75: Trình bày quá sơ sài, không đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng; chưa biết phân tích, nhận xét, đánh giá...

* Mức không đạt: Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

Lưu ý chung: Giám khảo chấm cần linh hoạt, căn cứ cụ thể vào bài làm của học sinh để cho các mức điểm phù hợp; trân trọng sự sáng tạo của học sinh.

0