14/01/2018, 22:05

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017 Đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Văn lớp 11 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 có đáp ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

có đáp án là tài liệu hữu ích đối với những bạn học sinh đang trong quá trình ôn thi học sinh giỏi, giúp các bạn rèn luyện kỹ năng làm bài. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Vĩnh phúc năm học 2015 - 2016

Đề thi chọn học sinh giỏi văn hóa tỉnh Bắc Giang môn Ngữ Văn lớp 11 năm 2015 - 2016

 SỞ GD- ĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1


 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG
Năm học 2016 - 2017
Môn Ngữ văn lớp 11
Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1 (3.0 điểm):

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm sau của Shakespeare: "Ước mong mà không kèm theo hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới mục đích".

Câu 2 (7.0 điểm):

"Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật". (Hà Minh Đức)

Anh/ chị hiểu như thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ bằng việc phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao: Cái lò gạch bỏ không – Nhà tù – Túp lều Chí Phèo – Cái lò gạch bỏ không.

.....................Hết ........................

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

Câu 1 (3 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Học sinh nắm vững phương pháp và kĩ năng làm bài nghị luận xã hội.
  • Làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài qua các bước giải thích, chứng minh, bình luận và rút ra ý nghĩa bài học cho bản thân.
  • Bài làm phải có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục.

II. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:

1. Giải thích quan niệm: (0,5đ)

  • Ước mong là những mong muốn, ước mơ về những điều tốt đẹp trong tương lai. Người ta sống ai cũng mong muốn về những điều tốt đẹp cho mình (trong thực tế vẫn có những ước mong không chính đáng, ta quan niệm rằng đó chỉ là những dục vọng thấp hèn). Nhưng từ hiện thực của đời sống đến hiện thực cần vươn tới để đạt được trong tương lai là một khoảng cách. Nó là cả một đường bay dài – hiểu theo cách nói Shakespeare.
  • Ước mong phải đi đôi với hành động, Nếu ước mong mà không thực hiện bằng những việc làm cụ thể thì cuối cùng ước mong đó cũng chỉ là mong ước. Shakespeare rất có ý thức nhấn mạnh vai trò của hành động trong việc hiện thực hóa ước mơ của con người. Chỉ bằng hành động ta mới đạt được những gì mình cần đạt tới.

2. Phân tích, chứng minh và bình luận về quan niệm: (1,25đ)

  • Quan niệm trên là một quan niệm đúng đắn. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai hoàn thành sở nguyện của mình khi cứ ngồi mong ước suông. Những người thành đạt trong đời luôn làm việc, luôn hành động.
  • Hành động luôn cần thiết đối với tất cả mọi người – nhất là những hành động mang tính định hướng. Không phải có hành động là sẽ có thành công nhưng muốn thành công thì phải hành động. Hành động hợp lý sẽ rút ngắn con đường đến đích. Nếu ngược lại, con đường ấy sẽ kéo dài thêm ra (dẫn chứng)
  • Hành động có thể dẫn đến thành công hay thất bại song điều quan trọng là phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ những thành công hay thất bại đó (dẫn chứng).
  • Ước mong phải phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Ước mong xa vời, thiếu thực tế thì dù có cố gắng đến mấy cũng khó mà đạt được (dẫn chứng)
  • Nếu ai đó trong đời thường bất chấp tất cả nhằm thỏa mãn ước mong của mình thì đó là một sai lầm lớn (dẫn chứng).

3. Bài học nhận thức và hành động: (0,75đ)

  • Quan niệm của Shakespeare góp phần nhắc nhở những ai chỉ biết ước mong mà không chịu hành động.
  • Ở một góc độ khác, có thể xem quan niệm trên là lời tán thành, biểu dương những con người luôn làm việc không ngừng để đạt được ước mong của mình.

4. Khẳng định đây là một quan niệm đúng đắn, cần phát huy; kết hợp bày tỏ thái độ, suy nghĩ của bản thân đối với mỗi con người trong cuộc sống. (0.5đ)

Câu 2: (7 điểm):

I. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Đáp ứng đúng yêu cầu về nội dung của đề bài: Khẳng định tầm quan trọng của hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn đối với việc sáng tạo cái đẹp qua việc phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao.
  • Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học. Có kĩ năng làm bài tốt (lập luận mạch lạc, hành văn lưu loát, văn có hình ảnh, có suy nghĩ riêng, cách trình bày sáng tạo ...

II. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được những yêu cầu sau:

1. Giải thích nhận định (1,0đ)

  • Cái đẹp trong tác phẩm văn học chủ yếu thể hiện ở: Nội dung tư tưởng cao cả, hình thức nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo.
  • Cái đẹp của sự thật cuộc sống: Bắt nguồn từ hiện thực, phản ánh sâu sắc những vấn đề con người quan tâm, trăn trở; phục vụ và góp phần cải tạo cuộc sống ...
  • Cái đẹp được khám phá một cách nghệ thuật: Sự tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, độc đáo trong phản ánh hiện thực: tạp nên sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; đem lại những giá trị thẩm mĩ cao...

→ Ý nghĩa khái quát: Khẳng định tầm quan trọng của hiện thực cuộc sống và tài năng của nhà văn đối với việc sáng tạo cái đẹp.

2. Phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo để làm sáng tỏ ý kiến trên: (4,5đ)

  • Ý nghĩa sơ đồ không gian: Đó là hệ thống các chi tiết không gian được nhà văn sắp xếp để phản ánh những bược ngoặt trong cuộc đời của nhân vật Chí Phèo. Mỗi chi tiết có ý nghĩa quan trọng khác nhau đối với số phận nhân vật:
    • Cái lò gạch: một cuộc đời bị bỏ rơi.
    • Nhà tù: Nơi giam cầm và tha hóa người lương thiện.
    • Túp lều Chí Phèo: tối tăm, nơi Bá Kiến cầm tù linh hồn quỷ dữ, cũng là nơi gặp gỡ của tình yêu thương và thức tỉnh bản chất lương thiện của Chí.
    • Cái lò gạch bỏ không được nhắc lại theo kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng, gợi số phận quẩn quanh bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ ...
  • Cái đẹp toát ra từ sơ đồ không gian tác phẩm: Các chi tiết này là những hình ảnh cụ thể trong cuộc sống ở nông thôn xưa và gắn trực tiếp với cuôc đời nhân vật Chí Phèo. Nhưng qua tấm lòng và sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo của một nhà văn tài năng nó đã trở thành những không gian nghệ thuật giàu ý nghĩa, góp phần thể hiện sâu sắc nội dung hiện thực và nhân đạo của tác phẩm; đem lại những giá trị thẩm mĩ cao.

3. Đánh giá và bình luận (1,5đ)

  • Nhận định trên đã khẳng định tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm văn học chân chính.
  • Nhận định cũng đã đưa ra yêu cầu đối với người sáng tác: phải phản ánh chân thật cái đẹp của cuộc sống nhưng đó không phải là cái đẹp thuần túy mà là cái chân – thiện – mĩ. Và tác phẩm phải đạt phẩm chất nghệ thuật cao.
  • Đồng thời cũng định hướng cho người tiếp nhận tác phẩm văn học.
0