14/01/2018, 21:45

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017 Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 môn Ngữ văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 . Đề thi gồm có 3 ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

. Đề thi gồm có 3 câu hỏi tự luận với thời gian làm bài là 180 phút. Phần đáp án đã được VnDoc cập nhật đầy đủ và chính xác vì vậy các bạn học sinh có thể tự đánh giá được chất lượng bài làm của chính mình.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016 (Vòng 2)

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Vĩnh phúc năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An năm học 2016 - 2017

Mời làm:  Online

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC

Họ và tên............
Số báo danh............

KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2016 - 2017
KHÓA NGÀY 22-03-2017
Môn: Ngữ văn lớp 11
Thời gian 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (4,0 điểm)

Trong viện động vật học có một giáo sư triết học đang ngồi truyền thụ triết học cho các loài động vật. Giáo sư triết học đó giảng giải rất nhiều những lý luận trống rỗng, ông nói: "Bất kể sự vật nào đều cần phải bắt đầu từ căn bản, cũng giống như bất kể một kiến trúc nào cũng đều cần làm từ móng đáy đi lên". Có một con ếch nghe mà không bình tĩnh được nữa liền hỏi vị giáo sư: "Xin hỏi giáo sư, có thật tất cả những kiến trúc đều phải làm từ đáy lên không?". Giáo sư triết học nhìn thẳng vào con ếch và nói: "Đương nhiên! Ếch ngồi đáy giếng". Con ếch phản kích lại nói: "Chính vì là ếch ngồi đáy giếng nên tôi mới hỏi ông, chẳng lẽ đào giếng cũng làm từ dưới tầng đáy lên?". Vị giáo sư triết học há hốc mồm không nói được câu gì.

(Dựa theo Tri thức Việt. Tuyển chọn và dịch)

Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề xã hội được đặt ra từ trích dẫn trên.

Câu 2 (5,0 điểm)

Bàn về thơ có ý kiến nói: Bài thơ hay là bữa tiệc ngôn từ. Trong khi đó lại có ý kiến cho rằng: Gốc của thơ là tình cảm.

Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ những nhận định trên.

Câu 3 (1,0 điểm)

Sáng tác văn học nghệ thuật không thể không có cảm hứng. Viết văn là gan ruột, tâm huyết, chỉ bộc lộ những gì đã thật tràn đầy trong lòng, không thể cho ra những sản phẩm của một tâm hồn bằng lặng, vô vị, miễn cưỡng.

Theo anh (chị) nhận định trên đây đề cập đến nội dung nào của lý luận sáng tạo văn học nghệ thuật. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò nội dung đó. (Lưu ý: Thí sinh trình bày ngắn gọn, bằng đoạn văn khoảng 10 dòng, không bắt buộc dùng dẫn chứng)

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

  • Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn.
  • Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75; ... đến tối đa là 10.

B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Câu 1 (4,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách làm bài nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.
  • Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
  • Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung (Học sinh có thể trình bày, sắp xếp nhiều cách)

1. HS dựa vào phần trích xác định vấn đề nghị luận:

Vị giáo sư giảng nhiều lý luận triết học nhưng khi con ếch phản kích, ông chỉ biết há hốc mồm, không nói được câu gì. Cho nên lý thuyết vị giáo sư truyền thụ chỉ là thứ lý thuyết khô khan, trống rỗng, không có tính thực tiễn. Vấn đề đặt ra: cần phải biết hoài nghi và kiểm điểm tri thức sách vở từ thực tế; lý luận phải có sự kết hợp thực tiễn (mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn). 

2. Bàn luận:

  • Lý luận là thế giới rộng lớn của sách vở, nhưng thực tiễn cuộc sống là sự bí ẩn mà không một pho sách nào đi đến được, không một cuốn sách nào vắt cạn được. Học ở sách vở là chưa đủ, cần phải đến với thực tế đời sống để kiến thức con người phong phú hơn, hoàn thiện hơn. 
  • Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm tra lý luận. Chính thực tiễn giúp ta quan sát và phán đoán, khai quật những cái đẹp thực sự mà con người, sự vật cất giấu. Những kiến thức chúng ta học được chỉ có ứng dụng vào cuộc sống mới là của mình. 
  • Coi trọng thực tiễn không có nghĩa là bài trừ kiến thức sách vở. Thực tiễn và lý luận bổ sung cho nhau, tương trợ cho nhau. Cổ nhân xưa thường nói "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", chính là nhấn mạnh việc kiến thức nên kết hợp thực tiễn. 

3. Nâng cao

  • Hiểu biết sách vở và những băn khoăn về điều chưa biết trong cuộc sống là điều kiện cần và đủ cho hoạt động học tập, lao động của con người. 
  • Thực tiễn có thể tăng cường lý luận, phát triển lý luận. Thực tiễn không chỉ là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm lí luận mà còn là nguồn của lí luận. 

* Lưu ý: Quá trình triển khai HS phải biết lấy dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.

Câu 2 (5,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng

  • Biết cách làm bài nghị luận văn học; bố cục và cách trình bày hợp lí.
  • Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt; dẫn chứng phù hợp.
  • Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung

(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách nhưng cần hướng tới nội dung cơ bản sau):

1. Giải thích

  • Thơ hay là bữa tiệc ngôn từ: ý nói cái hay của bài thơ trước hết là nhờ cái hay của ngôn từ (sống động, phong phú...), giống như sự hấp dẫn của những 'món ăn" ngon bằng ngôn từ. 
  • Gốc của thơ là tình cảm: nhấn mạnh tư tưởng tình cảm là then chốt quyết định giá trị của một bài thơ. 
  • Hai ý kiến là hai cách định nghĩa về thơ có sự nối tiếp những quan niệm trước đó. Một bên khẳng định sức mạnh của thơ là ở ngôn từ, một bên khẳng định sức mạnh của thơ nằm ở tư tưởng, tình cảm chứ không phải ở ngôn từ. 

2. Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề

  • Nói thơ hay là bữa tiệc ngôn từ bởi vì: một bài thơ ngôn ngữ trúc trắc, sáo rỗng, tầm thường thì không thể gọi là thơ hay. Ngược lại, bài thơ hay là khi nó bày ra trước độc giả một "bữa tiệc ngôn từ", với những ngôn từ được nhà thơ công phu lựa chọn, tổ chức, biến nó từ lời bình thường trở thành nghệ thuật {vừa thể hiện tâm hồn thi nhân; vừa chính xác hàm súc; vừa có dấu ấn riêng của tác giả..}.

[HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ]. 

  • Gốc của thơ là tình cảm bởi vì: thơ là chuyện của tâm hồn, của lòng người cho nên việc thể hiện tất cả mọi vui buồn trong cuộc đời là một nhu cầu bức thiết của thơ. Hơn nữa tình cảm ấy thường tiêu biểu, điển hình, khơi dậy trong trái tim người đọc những rung động sâu xa, những cảm xúc thẩm mĩ tuyệt vời.

[HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ]

  • Mỗi ý kiến đều xác đáng nhưng chưa toàn diện, chưa khái quát được đặc trưng thơ ca vì:
    • Nếu người nghệ sĩ chỉ chú ý rèn câu đúc chữ mà không chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm thì sáng tác thơ ca chỉ là những kỹ xảo vờn vẽ, là lối thơ chuộng hình thức. Thơ ca chỉ neo đậu vững chắc trong bạn đọc khi nó có nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện độc đáo.
    • Gốc của thơ là tình cảm, sức sống của thơ là tư tưởng, nhưng các nhà thơ từ xưa đến nay nếu không muốn lặp lại người khác và lặp lại chính mình thì quá trình sáng tác đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm đến "bữa tiệc ngôn từ".

[HS lấy dẫn chứng làm sáng tỏ]. 

3. Mở rộng, nâng cao

  • Tác phẩm đích thực là sự kết hợp của hai yếu tố trên {bữa tiệc ngôn từ và tình cảm} mới có thể tạo nên sự xuất thần cho thơ. 
  • Nhà thơ không ngừng trải nghiệm lắng nghe rung cảm của đời để tạo được cái gốc tình cảm cho thơ, và không ngừng mài dũa để thực sự trở thành bậc thầy về ngôn từ. 
  • Người tiếp nhận phải sáng suốt linh hoạt, không nên cực đoan trong tiếp nhận một quan niệm mà đi đến phủ nhận những quan điểm còn lại.

Câu 3 (1,0 điểm)

  • HS trả lời ngắn gọn, trọng tâm vấn đề: Nhận định bàn đến cảm hứng trong quá trình sáng tác của nhà văn, đó là trạng thái tâm lý then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà văn 
  • HS trình bày suy nghĩa về vai trò cảm hứng sáng tác: (Có thể trình bày nhiều cách khác nhau, tuy nhiên cần nhấn mạnh được nội dung sau)
    • Cảm hứng là khâu quan trọng, là công cụ trong quá trình sáng tác
    • Cảm hứng đạt đến độ hài hòa, kết tinh, sẽ cháy bỏng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, sẽ là dịp may hiếm có để cho ra đời những tác phẩm văn học xuất sắc. 
0