14/01/2018, 20:04

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 tỉnh Hải Dương năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 tỉnh Hải Dương năm học 2015 - 2016 Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10 môn Văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 là đề thi chọn học sinh giỏi ...

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 tỉnh Hải Dương năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10

là đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10 môn Văn có đáp án. Đây là tài liệu học tập hay được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, hi vọng sẽ giúp các bạn học tốt môn Ngữ văn 10, ôn thi học sinh giỏi môn Văn lớp 10 hiệu quả.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Trần Đại Nghĩa năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HẢI DƯƠNG

 

  

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN THI: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

Câu 1 (3,0 điểm)

"Nếu một ngày cuộc sống của bạn bị nhuốm màu đen, hãy cầm bút và vẽ cho nó những vì sao lấp lánh."

Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên?

Câu 2 (7,0 điểm)

Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: "Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim."

Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội với bố cục rõ ràng, mạch lạc, hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận...dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ những yêu cầu cơ bản sau:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. (0,25)

2. Giải thích nội dung câu nói. (0,75)

  • "Cuộc sống bị nhuốm màu đen": Chỉ cuộc sống tối tăm, gặp nhiều sóng gió, khổ đau, bất hạnh, không hy vọng.
  • "Cầm bút và vẽ cho nó những vì sao lấp lánh" (tạo nên một bầu trời đêm thật đẹp): chủ động, tìm hướng khắc phục với tinh thần lạc quan biến những đau khổ thành niềm vui, thành công và hạnh phúc.
  • Ý nghĩa: Dẫu cuộc sống có tối tăm, đau khổ, bất hạnh đến đâu, mỗi con người cần chủ động thay đổi, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. 

3. Lí giải vấn đề (1,25)

  • Cuộc sống luôn có nhiều chông gai, thử thách, bất trắc do yếu tố khách quan, chủ quan mang đến với những tác động rủi ro, khiến con người cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng.
  • Dù cuộc sống có đen tối, khổ đau nhưng con người không được bi quan, buông xuôi, đầu hàng số phận. Trong khó khăn, thử thách, con người nhận thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, có điều kiện tôi luyện bản lĩnh, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm,... làm tiền đề cho những thành công, hạnh phúc sau này.
  • Con người cần tin tưởng vào khả năng của bản thân, tự quyết định cuộc sống của mình. Bằng sự nỗ lực cố gắng, dũng cảm vượt qua thử thách, khổ đau, với ước mơ, hoài bão và những suy nghĩ, hành động tích cực, mỗi con người phải luôn hướng về phía trước để làm thay đổi cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.
  • Nếu không dám đương đầu và vượt qua những thất bại, khổ đau thì con người sẽ bị nhấn chìm, gục ngã, mãi sống trong bất hạnh và sự tăm tối.

(Học sinh chọn dẫn chứng tiêu biểu minh họa cho các ý trên)

4. Bàn luận, mở rộng vấn đề. (0,5)

  • Khẳng định ý kiến trên là đúng đắn, sâu sắc, như một lời gợi mở, nhắc nhở về một phương châm sống tích cực khi đứng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
  • Phê phán những người không có ý chí, tinh thần vượt khó, sống yếu đuối, cam chịu...hoặc có những hành động việc làm nhằm thoát khỏi hoàn cảnh sống đen tối theo theo hướng tiêu cực.

5. Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động. (0,25)

Câu 2 (7,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
  • Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5)

2. Giải thích (0,5)

  • Thơ cần có hình: Thơ cần có hình ảnh (thiên nhiên, cuộc sống, con người...) để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ. Đây là phương diện hình thức thơ.
  • Thơ cần có ý: (ý nghĩa nội dung, tư tưởng của thi phẩm); có tình (tình cảm, cảm xúc). Đây là phương diện nội dung thơ.
  • Ý nghĩa câu nói: tác phẩm thơ cần có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (hình ảnh, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc...). Hay nói cách khác, bài thơ cần kết hợp cả hai phương diện nội dung và hình thức.

3. Lí giải: Tại sao thơ cần phải có hình, có ý, có tình? (1,25)

  • Đặc trưng của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là phản ánh, biểu đạt thông qua hình tượng nghệ thuật. Không có các hình tượng, thế giới tinh thần không thể biểu hiện cụ thể, nhà thơ không thể truyền dẫn thông điệp nội dung, tư tưởng, tình cảm một cách trọn vẹn, ấn tượng đến người đọc.
  • Thơ ca thuộc phương thức trữ tình, thiên về biểu hiện thế giới chủ quan của con người bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm biểu đạt những trạng thái tư tưởng, tình cảm và ý nghĩa phức tạp, đa dạng. Mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa tư tưởng, thông điệp nhất định đòi hỏi người đọc phải căn cứ vào hình, ý, tình mới cảm nhận được.
  • Biểu hiện, yêu cầu về hình, ý, tình trong thơ:
    • Hình ảnh (có thể là hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người...) những hình ảnh đó phải chọn lọc, đặc sắc, có sức khái quát, chân thực, đa nghĩa, nhằm để lại ấn tượng, dấu ấn sâu sắc.
    • Ý, tình (tư tưởng, cảm xúc, tình cảm..) phải trong sáng, tiến bộ, có tính nhân văn, hướng con người tới các giá trị Chân - Thiện - Mĩ...
    • Cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, chân thành, nhà thơ phải lựa chọn được những hình ảnh phù hợp để biểu đạt nội dung tư tưởng, cảm xúc một cách tự nhiên, sâu sắc có sức lay động lớn lao.

=> Tác phẩm văn học nói chung, thơ ca nói riêng chỉ hay khi có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (nội dung và hình thức). 

4. Chứng minh (4,0)

4.1. Phân tích bài thơ "Cảnh ngày hè" của Nguyễn Trãi để chứng minh

  • Hình ảnh thơ: giản dị, đời thường, có sức tạo hình, biểu cảm, giàu ý nghĩa.
    • Nhiều hình ảnh thiên nhiên được Nguyễn Trãi miêu tả, hiện lên đa dạng: cây hòe, cây thạch lựu, đóa sen hồng, tiếng cầm ve... với đủ mầu sắc, âm thanh và hương vị của cuộc sống.
    • Hình ảnh thiên nhiên luôn có sự vận động, giàu sức sống (thể hiện các động từ mạnh: đùn đùn, phun, tiễn,...).
    • Hình ảnh về con người và cuộc sống: Lao xao chợ cá làng ngư phủ.

=> Nguyễn Trãi đã dựng lên bức tranh ngày hè sinh động, ấn tượng, giàu sức sống rất gần gũi, quen thuộc của nhiều vùng quê.

  • Ý, tình của tác giả (vẻ đẹp tâm hồn).
    • Tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên: cây hòe, cây thạch lựu, đóa sen hồng, tiếng cầm ve...đi vào thơ Nguyễn Trãi một cách chân thực, tự nhiên.
    • Hình ảnh thiên nhiên được tác giả cảm nhận tinh tế, đa dạng, sinh động bằng nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác...)

=> Tình yêu thiên nhiên và tâm hồn tinh tế, nhạy cảm cùng nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ.

    • Tình yêu đời, yêu cuộc sống: Phải sống một cuộc sống thanh nhàn (bất đắc dĩ) nhưng tâm hồn nhà thơ không u ám mà vẫn rất yêu và gắn bó thiên nhiên, cuộc sống.
    • Tấm lòng thiết tha với dân với nước: Nguyễn Trãi luôn hướng tới cuộc sống của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống vất vả, tần tảo của họ. Vì thế ông mong ước có được chiếc đàn của vua Ngu Thuấn để gảy lên khúc Nam phong nhằm đem lại cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân:"Dân giàu đủ khắp đòi phương".

=> Tâm hồn, nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi "thân nhàn" mà "tâm không nhàn", "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

  • Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ giàu tính nhân văn: Sống lạc quan, yêu đời, gắn bó với thiên nhiên, sống có trách nhiệm với nhân dân, đất nước. 

4.2. Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để chứng minh.

  • Hình ảnh giàu sức khái quát:
    • "Hoa uyển"- vườn hoa nơi Tây Hồ xưa đẹp đẽ nay trở thành bãi hoang, gò hoang, theo thời gian và sự bể dâu của cuộc đời, cái đẹp đã biến đổi dữ dội đến tàn tạ.
    • "Son phấn", "văn chương": hình ảnh ẩn dụ chỉ sắc đẹp, tài năng của nàng Tiểu Thanh - người con gái có vẻ đẹp hoàn thiện, xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc nhưng lại bị thực tế phũ phàng vùi dập, phải chịu số phận bất hạnh, đau thương (mảnh giấy tàn, chôn vẫn hận, đốt còn vương).
  • Ý và tình của nhà thơ:
    • Tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho cuộc đời, số phận của Tiểu Thanh - một con người tài sắc, bạc mệnh (Thổn thức bên song mảnh giấy tàn). Khóc thương cho Tiểu Thanh là khóc thương cho vẻ đẹp nhân sinh bị vùi dập.
    • Bày tỏ sự bất bình trước những bất công, ngang trái ở đời, tố cáo những thế lực tàn ác đã chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ.
    • Kí thác những nỗi niềm tâm sự qua việc tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh với những người tài hoa bất hạnh. Luôn trăn trở với "nỗi hồn kim cổ" tự vận vào mình mà không sao lí giải được (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/Cái án phong lưu khách tự mang)
    • Gắn lòng thương người bao la với nỗi thương mình và mong muốn nhận được sự đồng cảm, tri âm của người đời. (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng).

=> Thể hiện tình cảm chân thành, mãnh liệt, mối đồng cảm giữa một hồn thơ với một tình thơ.

  • Ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm: Thể hiện tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả, sâu sắc:
    • Tình cảm nhân đạo không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà lan tỏa ra ngoài biên giới. Phía sau lòng thương cảm con người là sự tự thương mình của một trái tim âm ỉ và trăn trở với nỗi đau thời thế.
    • Mong muốn về một xã hội tự do, công bằng, nhân ái, con người được đối xử bình đẳng (đặc biệt là người phụ nữ).

5. Đánh giá, nâng cao (1,0)

  • Chính hình, ý, tình làm nên sức sống cho các tác phẩm trên. Mỗi tác phẩm thành công là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức.
  • Quan niệm thơ của Chế Lan Viên rất đúng đắn, sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ với người sáng tác mà với cả người tiếp nhận. Từ thấy đến nghĩ đến rung động là hành trình hình thành của tác phẩm thơ và cũng là hành trình đánh thức người đọc của thi phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật mỗi nhà thơ phải có thực tài, thực tâm mới làm nên sự sống cho tác phẩm. Độc giả cũng phải mở lòng mình để cảm nhận sâu cái hay, cái đẹp của thi phẩm trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
  • Nhận định là bài học cho bản thân khi tiếp nhận văn chương và sự trân trọng với những tác phẩm văn học, tài năng sáng tạo và tình cảm mà người nghệ sĩ gửi gắm.
0