Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017 Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 10 môn Văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Để làm quen với ...
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10
Để làm quen với cấu trúc đề thi, củng cố lại kiến thức, tích lũy kinh nghiệm giải đề hay chuẩn bị tốt cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn các bạn học sinh hãy nhanh tay tải ngay tài liệu: .
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC ĐỀ CHÍNH THỨC |
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 THPT NĂM HỌC 2016-2017 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 10 - THPT CHUYÊN Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề |
Câu 1 (3,0 điểm)
Những quả bóng bay
Một cậu bé da đen đang chơi đùa trên bãi cỏ. Phía bên kia đường, một người đàn ông đang thả nhẹ những quả bóng lên bầu trời, những quả bóng đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng và có cả màu đen nữa.
Cậu bé nhìn khoái chí, chạy tới chỗ người đàn ông, hỏi nhỏ:
- Chú ơi, những quả bóng màu đen có bay cao được như những quả bóng khác không ạ?
Người đàn ông quay lại, bất giác giấu đi những giọt nước mắt sắp lăn nhẹ trên đôi gò má, ông chỉ lên đám bóng bay lúc này chỉ còn những chấm nhỏ và trả lời cậu bé:
- (…)
Cậu bé nở nụ cười rạng rỡ cảm ơn người đàn ông và không quên ngắm nhìn những quả bóng đang bay trên bầu trời rộng lớn.
(Chuyên mục Phong cách của báo điện tử ngoisao.net, ngày 22/10/2013)
Theo anh/chị người đàn ông đã nói gì với cậu bé? Trên cơ sở câu trả lời đó, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện trên.
Câu 2 (7,0 điểm)
Nhà thơ nổi tiếng người Đức H. Hai- nơ cho rằng: Cuộc đời của nhà thơ, giá trị của nhà thơ không nên tìm ở đâu khác mà phải chính trong tác phẩm của họ.
Từ việc cảm nhận một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10 THPT, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
-------------Hết-------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10
A. YÊU CẦU CHUNG
- Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.
- Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (3,0 điểm)
a. Về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
- Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức:
Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề 0,25
* Ý nghĩa của câu chuyện 0,5
- Câu chuyện đưa ra cuộc đối thoại của hai nhân vật người đàn ông và cậu bé da đen về những quả bóng bay. Người đàn ông có thể trả lời cậu bé rằng: Những quả bóng màu đen cũng sẽ bay cao như những quả bóng màu khác.
- Màu đen, màu vàng, màu đỏ... cho dù là màu gì thì cũng đều là quả bóng bay. Và con người cũng vậy, giá trị của mỗi cá nhân được nhìn nhận từ bên trong chứ không phải ở những thứ phù phiếm bên ngoài. Bạn là quả bóng màu gì không quan trọng. Quan trọng là bạn có những tố chất tốt đẹp của một quả bóng để được bay thật cao.
- Ý nghĩa được rút ra từ câu chuyện là niềm tin vào khả năng, năng lực bên trong của con người. Con người có thể thành công hay thất bại, điều đó không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài, vào sự khác biệt của hình thức.
* Bàn luận, mở rộng vấn đề 1,75
- Con người phải vượt qua sự khác biệt về xuất thân, giống nòi hay ngoại hình bên ngoài và tin tưởng vào những khả năng thực sự bên trong.
- Ngoại hình chỉ là cái bên ngoài ta, không quyết định đến cái bên trong.
- Con người dù thuộc giống nòi nào, mang đặc điểm, dáng hình ra sao thì đều có trí tuệ và nhân phẩm.
- Khả năng thực sự và phẩm chất bên trong mới khẳng định bạn là ai, bạn có thể bay cao, bay xa tới đâu. Làm nên thành công thực sự của con người không phải là ngoại hình hay những xuất thân mà quan trọng
là phẩm chất và năng lực mà con người đó có. - Vượt lên những mặc cảm tự ti về bản thân, con người có thể chiến thắng được những thử thách khác.
- Nhận thức được sự khác biệt ở vẻ bề ngoài, con người ta cần phải rèn luyện bản thân và phấn đấu không ngừng để không bị người khác đánh giá sai về mình.
- Phê phán hiện tượng: Có kẻ lợi dụng sự khác nhau để tạo khoảng cách giữa mình và mọi người, tự tin quá đáng vào chính bản thân mình. Cũng có kẻ vì sự khác biệt mà trở nên kiêu ngạo coi thường người khác. Những người như vậy sẽ làm xã hội xấu đi, không phát triển.
* Bài học nhận thức và hành động 0,5
- Câu chuyện về cậu bé da màu đã nhắc nhở chúng ta về sự tự tin vào bản thân. Mỗi người dù khác biệt về nguồn gốc, dáng vẻ bên ngoài nhưng việc con người ấy vươn tới chân trời nào lại phụ thuộc vào cái tâm và cái
tài của chính người đó. - Phải biết tự nhìn nhận, đánh giá lại bản thân mình để có những định hướng tốt, rèn luyện phẩm chất, năng lực để có thể vươn cao bay xa trong cuộc sống.
Câu 2 (7,0 điểm)
a. Về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
- Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
- Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề 0,5
* Giải thích 2,0
- Cắt nghĩa ý kiến: 1,0
- Cuộc đời nhà thơ: hoàn cảnh sống, sự kiện, biến cố, đời sống tinh thần, tố chất tâm hồn riêng của nhà thơ.
- Giá trị của nhà thơ: những đóng góp sâu sắc và mới mẻ, những công hiến có ý nghĩa khẳng định vị thế của nhà thơ. Giá trị của nhà thơ được thể hiện ở tầm vóc tư tưởng, ở chiều sâu tâm hồn và tài năng nghệ thuật.
- Ý kiến đã khẳng định mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, trong đó nêu lên ý nghĩa của tác phẩm trong việc thể hiện cuộc đời và khẳng định giá trị của nhà thơ.
- Lí giải ý kiến: 1,0
- Tác phẩm là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Qua tác phẩm, người đọc có thể nhận ra tư tưởng, tình cảm, tài năng của người sáng tác. Tác phẩm khẳng định vị trí, diện mạo riêng của người nghệ sĩ.
- Đặc trưng của thơ là sự tự thể hiện, bộc lộ trực tiếp thế giới tinh thần, đời sống tâm hồn của nhà thơ. Thơ là bức chân dung tinh thần tự họa, là nơi để thi sĩ trút gửi những tâm sự sâu kín, giải tỏa những cảm xúc sâu
sắc và mãnh liệt khi chạm vào cuộc sống. Vì vậy chính trong tác phẩm người đọc có thể nhận ra được bóng dáng cuộc đời, hiểu được cách nhìn, cách cảm, lắng nghe được điệu hồn riêng của nhà thơ. - Mỗi bài thơ là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật đầy khổ hạnh và nghiêm túc, tìm tòi và sáng tạo. Vì vậy, tác phẩm chính là căn cứ để đánh giá tài năng và tâm huyết của nhà thơ.
* Chứng minh 3,5
Thí sinh có thể chọn một số bài thơ (từ 02 bài trở lên – tốt nhất là bao gồm cả thơ Việt Nam và thơ nước ngoài) tiêu biểu, phù hợp để minh chứng cho yêu cầu của đề như: Cảnh Ngày hè của Nguyễn Trãi, Độc tiểu Thanh Kí của Nguyễn Du, Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thu Hứng của Đỗ Phủ… để làm sáng tỏ vai trò của tác phẩm trong việc thể hiện cuộc
đời và giá trị của nhà thơ. Sự phân tích và cảm nhận tác phẩm thơ cần làm rõ các định hướng cơ bản sau:
- Nhận ra bóng dáng cuộc đời, con người nhà thơ in dấu trong tác phẩm.
- Hiểu và đánh giá được giá trị của nhà thơ được thể trong tác phẩm qua các phương diện như:
- Chiều sâu tâm hồn, tầm vóc tư tưởng.
- Tài năng nghệ thuật.
* Đánh giá 1,0
- Ý kiến của nhà thơ người Đức H. Hai- nơ là một quan niệm xác đáng khi khẳng định tác phẩm chính là xuất phát điểm khoa học và khách quan để thấu hiểu cuộc đời và đánh giá giá trị của người nhà thơ. Điều này không chỉ đúng trong lĩnh vực thơ ca mà còn đúng với các sáng tác văn học nói chung.
- Nhà thơ nói riêng, người nghệ sĩ nói chung muốn có chỗ đứng, muốn thể hiện và khẳng định được mình phải sáng tác nên những tác phẩm có giá trị, in đậm dấu ấn cá nhân.
- Ý kiến cũng là một định hướng đầy ý nghĩa cho việc tiếp nhận thơ và đồng cảm, tri âm với nhà thơ.