14/01/2018, 16:02

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Nghệ An năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Nghệ An năm 2015 - 2016 Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 có đáp án Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 giúp các ...

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9 sở GD&ĐT Nghệ An năm 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9

 giúp các bạn học sinh ôn thi học sinh giỏi môn Lịch sử, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố, ôn thi vào lớp 10 các trường chuyên trong cả nước. Mời các bạn tải đề thi học sinh giỏi lớp 9 này về và cùng tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 9 phòng GD&ĐT Nam Trực, Nam Định năm 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT NGHỆ AN KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9 CẤP THCS
NĂM HỌC 2015 – 2016

Môn thi: LỊCH SỬ - BẢNG A
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (6,0 điểm):

"Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhất là từ năm 1950 khi nền kinh tế các nước Tây Âu được khôi phục, một xu hướng ngày càng nổi bật là sự liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực (...). Tới nay, Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới..."

(Trích SGK Lịch sử lớp 9, trang 42,43 NXB Giáo dục Việt Nam năm 2013)

a. Bằng những kiến thức lịch sử thế giới hiện đại đã học, hãy làm rõ ý kiến trên.

b. Nêu một số hiểu biết của em về mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Câu 2 (4,0 điểm): Trình bày sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Hội.

Câu 3 ( 4,0 điểm): Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng ta trong Cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939. Cuộc vận động đó đã chuẩn bị được những gì cho Cách mạng tháng Tám 1945?

Câu 4 (6,0 điểm): Từ ngày 6/3/1946 đến trước ngày 19/12/1946, thiện chí của Đảng ta và dã tâm xâm lược của thực dân Pháp được thể hiện như thế nào?

Đáp án đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9

Câu 1: a. Quá trình liên kết khu vực Tây Âu

* Nguyên nhân:

  • Các nước Tây Âu đều có chung một nền văn minh, nền kinh tế không cách biệt nhau lắm. (0,25đ)
  • Do xu thế toàn cầu hoá, đặc biệt là dưới tác động của cách mạng KH-KT, hợp tác phát triển là cần thiết. (0,25đ)
  • Các nước Tây Âu cần phải đoàn kết với nhau để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mĩ. (0,25đ)

* Quá trình liên kết:

  • Tháng 4/1951, "Cộng đồng than, thép châu Âu" ra đời gồm sáu nước Pháp, CHLB Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà lan, Lúc-xăm-bua. (0,5đ)
  • Tháng 3/1957, sáu nước trên cùng nhau thành lập "Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu", rồi "Cộng đồng kinh tế châu Âu" (EEC). Cộng đồng kinh tế châu Âu chủ trương xoá bỏ dần hàng rào thuế quan, thực hiện tự do lưu thông hàng hoá, tư bản và nhân công giữa sáu nước. (0,75đ)
  • Tháng 7 năm 1967, ba Cộng đồng trên sát nhập với nhau thành Cộng đồng châu Âu (EC) (0,5đ)
  • Tháng 12/1991, các thành viên EC họp Hội nghị cấp cao tại Ma-a-xtơ-rích (Hà Lan). Hội nghị thông qua hai quyết định quan trọng: (1,0đ)
    • Xây dựng một liên minh kinh tế, chính trị tiến tới nhà nước chung châu Âu.
    • Cộng đồng châu Âu đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU) và từ ngày 1/1/1999 một đồng tiền chung của Liên minh châu Âu đã đươc phát hành với tên gọi là đồng ơrô (EURO.
    • Số lượng thành viên của EU ngày càng tăng: năm 1999 là 15 nước, đến năm 2004 là 25 nước... (0,5đ)
    • Liên minh c hâu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, có tổ chức chặt chẽ và trở thành một trong ba trung tâm kinh tế thế giới. (0,5đ)

b. Mối quan hệ Việt Nam - EU:

  • Việt Nam và EU thiết lập mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Kinh tế, văn hóa, giáo dục KH-KT... (0,5đ)
  • Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU được tăng cường. Hai bên giao lưu trao đổi hàng hoá với nhau. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang EU là quần áo, dày dép, thủy hải sản... (0,5đ)
  • Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư từ EU nhằm xây dựng và phát triển đất nước.... (0,5đ)

Câu 2: * Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

  • Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu Trung Quốc. Tại đây, Người thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là tổ chức Cộng sản đoàn (6/1925). (0,5đ)
  • Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng. (0,25đ)
  • Năm 1925 xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Mở lớp huấn luyện, những bài giảng của Người được tập hợp và in thành sách Đường kách mệnh (1927), vạch ra phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. (0,5đ)
  • Tất cả đã được bí mật chuyển về nước, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển. Hội đã có tổ chức cơ sở hầu khắp cả nước và số hội viên ngày càng tăng. (0,5đ)
  • Một số hội viên xuất sắc được cử đi học ở Liên Xô và Trung Quốc, còn phần lớn lên đường về nước hoạt động. (0,25đ)
  • Năm 1928, Hội có chủ trương "vô sản hóa" nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ tự rèn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, thúc đẩy phong trào công nhân, phong trào yêu nước phát triển (0,5đ)
  • Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản, là bước chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam sau này. (0,5đ)

* Vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Hội:

  • Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. (0,25đ)
  • Lựa chọn thanh niên yêu nước đưa vào Hội, vạch ra chương trình của Hội. (0,25đ)
  • Mở lớp huấn luyện chính trị, viết bài, xuất bản báo Thanh niên.... (0,25đ)
  • Thông qua việc thành lập và hoạt động của Hội, Người đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ nòng cốt chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam. (0,25đ)

Câu 3: Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng ta trong Cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939.

* Hoàn cảnh lịch sử:

Tình hình thế giới:

  • Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, chủ nghĩa phát xít xuất hiện trở thành mối nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh thế giới. (0,25đ)
  • Tháng 7/1935, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân ở các nước nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. (0,25đ)
  • Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền ở Pháp đã thi hành một số chính sách tiến bộ đối với các nước thuộc địa. (0,25đ)

Tình hình trong nước: Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với chính sách phản động của thực dân Pháp ở thuộc địa đã làm cho đời sống nhân dân đói khổ ngột ngạt. (0,25đ)

b. Chủ trương của Đảng

  • Đảng xác định kẻ thù chính trước mắt là bọn phản động Pháp và tay sai (0,5đ)
  • Xác định nhiệm vụ trước mắt là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. (0,5đ)
  • Chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, sau đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938). (0,5đ)
  • Hình thức và phương pháp đấu tranh: Hợp pháp, nửa hợp pháp, công khai, nửa công khai... (0,25đ)

=> Những chủ trương của Đảng trong thời kì 1936-1939 tuy chỉ có tính chất sách lược nhưng rất kịp thời và phù hợp với tình hình nên đã tạo được một phong trào đấu tranh sôi nổi. (0,25đ)

* Cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 đã chuẩn bị được những gì cho Cách mạng tháng Tám 1945?

  • Trình độ chính trị và công tác của cán bộ đảng viên được nâng cao. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng được mở rộng và thấm sâu trong nhân dân, chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của Đảng và Quốc tế cộng sản được tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng. (0,5đ)
  • Quần chúng được giác ngộ về chính trị, tham gia vào mặt trận dân tộc thống nhất và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. (0,25đ)
  • Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng.... Đây là cuộc tập dượt lần thứ hai chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. (0,25đ)

Câu 4: Thiện chí của Đảng ta được thể hiện bằng việc kí Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946.

* Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946:

Hoàn cảnh:

  • Để tránh đụng độ với lực lượng kháng chiến của ta, thực dân Pháp kí với Chính phủ Tưởng Giới Thạch Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 28/2/1946... (0,25đ)
  • Điều đó đặt cho ta trước sự lựa chọn: một là chống lại Pháp hai là tạm thời hòa hoãn với chúng để nhanh chóng đuổi quân Tưởng về nước tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài. (0,25đ)
  • Trước tình hình đó ta chủ động đàm phán với Pháp, ngày 6/3/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. (0,5đ)

Nội dung:

  • Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. (0,5đ)
  • Việt Nam đồng ý cho 15000 quân Pháp ra miền Bắc thay Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, số quân này sẽ rút dần trong thời hạn 5 năm. (0,5đ)
  • Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức thức ở Pa-ri. (0,5đ)

Ý nghĩa:

  • Pháp phải thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do..., là cơ sở để ta tiếp tục đấu tranh với Pháp.  (0,25đ)
  • Ta đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng cùng bọn tay sai ra khỏi nước, tránh được một cuộc chiến đấu bất lợi cho ta. Tranh thủ thời gian củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến sau này.  (0,25đ)
  • Thể hiện thiện chí hoà bình, đáp ứng mong muốn của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.  (0,25đ)

* Kí Tạm ước 14/9/1946

  • Sau khi kí Hiệp định sơ bộ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục gây xung đột vũ trang ở nhiều nơi. Cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ được tổ chức tại Pháp bị thất bại. Mối quan hệ Việt - Pháp ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh.  (0,25đ)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14/9/1946, tiếp tục nhượng bộ cho Pháp thêm một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. (0,5đ)

-> Việc kí Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 đã thể hiện rõ thiện chí hoà bình nhân nhượng của ta, đồng thời ta có thêm thời gian để xây dựng và củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài với Pháp.  (0,25đ)

* Dã tâm xâm lược của thực dân Pháp được thể hiện:

  • Trong khi ta thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản đã kí kết, nhưng thực dân Pháp đã bội ước, đẩy mạnh việc chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa. (0,25đ)
  • Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tập trung quân tiến công các cơ sở cách mạng, vùng  tự do, căn cứ địa của ta. (0,25đ)
  • Ở Bắc Bộ, ngày 20/11/1946, thực dân Pháp khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng và Lạng Sơn.(0,25đ)
  • Ở Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, thực dân Pháp liên tiếp gây ra những cuộc xung đột vũ trang: đốt nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, đánh chiếm cơ quan Bộ tài chính.....(0,25đ)
  • Trắng trợn hơn, ngày 18/12/1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư đòi ta phải  giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Nếu yêu cầu đó không được chấp nhận thì ngày 20/12/1946, chúng sẽ hành động.
  • Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.(0,25đ)
  • Tối 19/12/1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.(0,25đ)
0