14/01/2018, 14:18

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2012 - 2013

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2012 - 2013 Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn có đáp án Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn Đề ...

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 2012 - 2013

Đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2012 - 2013 huyện Thanh Thủy, Phú Thọ có kèm theo đáp án là tài liệu tham khảo môn văn lớp 6 giúp các bạn tự tổng hợp kiến thức Ngữ văn, ôn thi học sinh giỏi môn Văn, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi học sinh giỏi môn Toán lớp 6 năm học 2014 - 2015 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2014 - 2015 huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 6 THCS CẤP HUYỆN
NĂM HỌC: 2012- 2013
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian:120 phút, không kể thời gian giao đề

(Đề thi có 01 trang)

Đề chính thức

Câu 1 (4,0 điểm):

"Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người." (Cây tre Việt Nam- Thép Mới)

Hãy xác định và phân tích tác dụng của phép tu từ được dùng trong đoạn văn trên.

Câu 2. (4,0 điểm):

Cuối đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên, sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn đứng lặng hồi lâu trước nấm mồ người bạn xấu số. Em thử hình dung tâm trạng của Dế Mèn và viết một đoạn văn diễn tả lại tâm trạng ấy theo lời của Dế Mèn.

Câu 3. (12,0 điểm):

Dựa vào bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ (Sách Ngữ văn 6 - Tập hai), em hãy đóng vai anh đội viên kể về kỉ niệm một đêm được ở bên Bác Hồ khi đi chiến dịch.

Đáp án đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 6 môn Ngữ văn

Câu 1. (4,0 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

  • Học sinh có thể trình bày thành đoạn văn hoặc trình bày theo ý.
  • Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc.
  • Dùng từ, đặt câu chuẩn xác, không mắc các lỗi về chính tả.

* Yêu cầu về nội dung:

Xác định phép tu từ được dùng trong đoạn văn trên là phép nhân hóa: Tre có hoạt động chống giặc ngoại xâm, có tình cảm yêu quê hương, đất nước, có đức hi sinh như con người.   1,5 điểm

Phân tích được tác dụng của phép nhân hoá:

  • Ca ngợi vẻ đẹp bình dị và những phẩm chất quý báu của cây tre. Đó là vẻ đẹp của sự kiên cường,bất khuất, vẻ đẹp của tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cuộc sống yên bình của quê hương, đất nước. 1,5 điểm
  • Khẳng định: cây tre là biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. 1,0 điểm

Câu 2. (4,0 điểm):

* Yêu cầu về kĩ năng:

  • HS trình bày thành một đoạn văn, có kết cấu, bố cục hoàn chỉnh.
  • Biết dựa vào nội dung và chủ đề của văn bản để viết.
  • Sử dụng ngôi thứ nhất, vai Dế Mèn.
  • Tình cảm thể hiện tự nhiên, chân thực.
  • Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc. Dùng từ, đặt câu chuẩn xác.

* Yêu cầu về nội dung kiến thức:

Cần phải đạt được các nội dung sau:

  • Giới thiệu được thời gian, không gian diễn ra sự việc dẫn đến tâm trạng: Bãi cỏ ven sông, hoàng hôn đang xuống, không gian vắng lặng...
  • Thấy hối hận vì đã bày trò trêu chọc chị Cốc để gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt.
  • Muốn thay đổi sự việc đáng tiếc đã sảy ra nhưng không còn cơ hội.
  • Tự suy ngẫm về bài học đường đời đầu tiên: không nên kiêu căng, xốc nổi kẻo mang hoạ vào thân.

* Cách cho điểm:

  • Điểm 4: bài làm đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên, ngôn từ trong sáng, giàu hình ảnh.
  • Điểm 3: bài làm về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, tuy nhiên còn mắc các lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 2: kỹ năng xây dựng đoạn văn chưa tốt, đáp ứng được cơ bản yêu cầu về nội dung, còn mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 1: không có kỹ năng xây dựng đoạn văn, trình bày được ít yêu cầu về nội dung

Câu 3. (12,0 điểm):

1. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Dựa trên trí tưởng tượng và nội dung bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ, học sinh biết xây dựng một câu chuyện có bố cục đầy đủ, trình bày diễn biến diễn biến các sự việc rõ ràng, trình tự hợp lí từ văn bản thơ.
  • Xác định đúng ngôi kể (ngôi thứ nhất – Anh đội viên).
  • Lời kể tự nhiên, sinh động, biết sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm hợp lí.

2. Yêu cầu về nội dung:

Học sinh có thể  trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng chuyện kể phải theo diễn biến sự việc như trình tự bài thơ và nêu được các ý cơ bản như sau:

* Mở bài: Giới thiệu câu chuyện:

Giới thiệu hoàn cảnh, thời gian, không gian nơi xảy ra câu chuyện, giới thiệu nhân vật trong câu chuyện: tôi (anh đội viên) được ở cùng Bác Hồ trong mái lều tranh xơ xác vào một đêm mưa lạnh trên đường đi chiến dịch ...

* Thân bài: Diễn biến câu chuyện:

Lần đầu thức giấc, tôi ngạc nhiên vì trời đã khuya lắm rồi mà Bác vẫn ngồi "trầm ngâm" bên bếp  lửa. Từ ngạc nhiên đến xúc động khi tôi hiểu rằng Bác vẫn ngồi đốt lửa sưởi ấm cho các chiến sĩ. Niềm xúc động càng lớn khi được tôi chứng kiến cảnh Bác đi "dém chăn" cho từng chiến sĩ với bước chân nhẹ nhàng...

Hình ảnh Bác Hồ hiện ra với tôi trong tâm trạng mơ màng: Bác vừa lớn lao, vĩ đại, vừa  gần gũi, thân thương như một người Cha đối với chúng tôi-những người chiến sĩ... Trong sự xúc động cao độ, thầm thì, tôi hỏi nhỏ: "Bác ơi! Bác chưa ngủ? Bác có lạnh lắm không?" Bác ân cần trả lời: "- Chú cứ việc ngủ ngon Ngày mai đi đánh giặc" (anh đội viên tự bộc lộ tâm trạng...)

Lần  thứ ba  thức dậy, trời sắp sáng, tôi "hốt hoảng giật mình" vì vẫn thấy Bác vẫn "ngồi đinh ninh – chòm râu im phăng phắc". (Anh đội viên kể lại diễn biến câu  chuyện qua  lời đối thoại  giữa anh với Bác Hồ, đồng  thời tự bộc lộ diễn biến  tâm  trạng... qua đó nêu bật được hình tượng Bác Hồ: giản dị, gần gũi nhưng cũng thật vĩ đại, lớn lao...)

Được tiếp cận, được thấu hiểu tình thương yêu của Bác với bộ đội và nhân dân ta, tôi như lớn thêm lên về tâm hồn, như được hưởng một niềm hạnh phúc lớn lao, bởi thế nên: "Lòng vui sướng mênh mông", tôi  "thức luôn cùng Bác"

* Kết bài:

Cảm nhận của người chiến sĩ: đêm không ngủ được kể lại trên đây chỉ là một trong vô vàn đêm không ngủ của Bác. Việc Bác không ngủ vì lo việc nước và thương bộ đội, dân công là một "lẽ thường tình" vì "Bác là Hồ Chí Minh"

Qua kỉ niệm một đêm được bên Bác trên đường ra chiến dịch, tôi hiểu rõ tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác với bộ đội và nhân dân, tôi kính yêu, cảm phục Bác vô cùng ....

3. Cách cho điểm:

  • Điểm 12- 11: bài viết đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên, có trí tưởng tượng phong phú, cách kể chuyện hấp dẫn, sáng tạo; ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, sinh động, không mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 10- 9: bài viết về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên; tuy nhiên, tưởng tượng chưa được phong phú, lô gic các sự việc theo mạch bài thơ chưa chặt chẽ, còn mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 8- 5: học sinh hiểu đề, biết cách làm, tuy nhiên trí trí tưởng tưởng còn nghèo, các sự việc còn thiếu, diễn đạt chưa tốt, mắc nhiều lỗi...
  • Điểm 4- 1: học sinh không hiểu đề, sa vào kể lan man hay diễn xuôi lại bài thơ, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu...

(Trên đây chỉ là những định hướng. Khi chấm, giáo viên cần vận dụng linh hoạt để phát huy được tinh thần sáng tạo của học sinh.)

0