Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Buôn Đôn năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Buôn Đôn năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì II môn Ngữ văn lớp 8 có đáp án Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 là đề kiểm tra học kì II lớp 8 môn ...
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Buôn Đôn năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8
là đề kiểm tra học kì II lớp 8 môn Ngữ văn có đáp án. VnDoc xin giới thiệu tới các bạn tài liệu này giúp các bạn ôn thi học kì II môn Văn lớp 8 tốt hơn, đạt điểm cao trong bài thi của mình. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 trường THCS Cẩm Văn, Hải Dương năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 Phòng GD&ĐT Hiệp Hòa, Bắc Giang năm học 2016 - 2017
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BUÔN ĐÔN
ĐỀ THI HỌC KÌ 2
NĂM HỌC 2016 – 2017
MÔN: VĂN – LỚP 8
Thời gian làm bài 90 phút
I. Phần Văn – Tiếng Việt (4 điểm)
Câu 1: (2 điểm) Chép lại nguyên văn bài thơ "Đi đường" của Hồ Chí Minh (phần dịch thơ). Nêu khái quát về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Câu 2: (2 điểm) Xác định kiểu câu trong đoạn văn sau:
"Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha: (1)
– Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không? (2)
Chị Dậu gạt nước mắt: (3)
– Không đau con ạ! (4)"
(Ngô Tất Tố - Tắt đèn)
II. Phần Tập làm văn: (6 điểm)
Trò chơi điện tử đang trở thành trò chơi tiêu khiển hấp dẫn, nhất là đối với các bạn học sinh. Nhiều bạn vì mải chơi nên sức học ngày càng giảm sút và còn phạm những sai lầm khác. Hãy viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về hiện tượng đó.
ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC KÌ 2 MÔN VĂN LỚP 8
I. Phần Văn – Tiếng Việt: (4 điểm)
Câu 1: (2 điểm) Nghệ thuật: Thể thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc.
Nội dung: Từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lý đường đời, vượt qua ngàn gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang.
Câu 2: (2 điểm)
(1) Câu trần thuật
(2) Câu nghi vấn
(3) Câu trần thuật
(4) Câu phủ định
II. Phần Tập làm văn: (6 điểm)
1. Mở bài:
- Khái quát về tác hại của trò chơi điện tử.
- Nêu vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài:
a. Hiện trạng:
- Số lượng cửa hàng dịch vụ trò chơi điện tử nhiều và ngày càng gia tăng.
- Nó đã thu hút rất nhiều đối tượng, mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh ở độ tuổi mới lớn, ưa thích khám phá cái mới.
- Nhiều bạn học sinh ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn hình máy tính, mê mẩn với những trò chơi trên máy mà sao nhãng học hành và còn phạm nhiều sai lầm khác nữa...
b. Nguyên nhân:
- Trò chơi điện tử hiện nay đang thu hút mọi người bởi tính đa dạng và phong phú của nó.
- Đây là một thú vui tiêu khiển rẻ tiền, dễ chơi với những âm thanh, đồ họa rất sống động, bắt mắt, mới lạ, hợp với tính cách của giới trẻ.
- Do bản thân chưa có ý thức tự giác, còn mãi chơi; do gia đình, bố mẹ còn lỏng lẻo trong việc quản lí con cái...
c. Tác hại:
- Đam mê trò chơi điện tử: Tốn thời gian dễ khiến học sinh sao nhãng việc học tập, dẫn đến kết quả thấp kém, trốn học, bỏ học...
- Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người: Cận thị, đầu óc mệt mỏi...
- Chơi game nhiều, sống với thế giới ảo sẽ làm đầu óc mụ mẫm, ảo giác, thiếu vốn sống thực tế...
- Để có tiền chơi điện tử, người chơi có thể trở thành kẻ trộm cắp, cướp giật, thậm chí gây nhiều tội ác khác...
- Bị ảnh hưởng bởi những nội dung không lành mạnh hoặc bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo dễ mắc vào các tệ nạn xã hội... (Nêu một vài dẫn chứng cụ thể).
d. Giải pháp khắc phục, lời khuyên: Việc mải chơi điện tử rất nguy hại với lứa tuổi học sinh. Vì vậy:
- Mỗi học sinh cần phải có ý thức tự giác, thực hiện qui định về thời gian, không ảnh hưởng đến học tập...
- Các bậc phụ huynh cần quản lí con em mình chặt chẽ.
- Nhà trường và các tổ chức xã hội cần tổ chức các sân chơi bổ ích và lành mạnh nhằm thu hút các em.
- Các cơ quan chức năng cần quản lí và kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ điện tử, cần có hình thức xử phạt nghiêm đối với các đối tượng vi phạm... (Học sinh có thể nêu những giải pháp hợp lý khác)
- Liên hệ thực tế, đưa ra lời khuyên thiết thực.
3. Kết bài:
- Khái quát nhận định của cá nhân về vấn đề nghị luận.
- Hơn ai hết, bản thân mỗi bạn trẻ cần ý thức rõ ràng những mặt lợi, mặt hại của trò chơi điện tử để tự điều chỉnh mình, tự rèn luyện ý thức tự giác.
- Chỉ nên xem đây là thú tiêu khiển mang tính giải trí để không quá lạm dụng nó, phụ thuộc vào nó.
Bài làm tham khảo
Game online hay trò chơi điện tử là một hình thức giải trí hấp dẫn. Đó là một phần mềm được cài vào máy tính, nhà sản xất đã khéo léo phối hợp, giữa hình ảnh và âm thanh để tạo độ chân thực sắc nét, để lôi cuốn nguời chơi. Trò chơi điện tử mang tính kích thích cao, mới lạ và bí ẩn nên phù hợp với sở thích của giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những nguời sử dụng mạng internet thì có tới 61.4% là để chơi game. Một bộ bộ phận nguời chơi đã trở thành những "game thủ" và bị nghiện game. Đây đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Công bằng mà nói, những trò chơi điện tử lành mạnh không hề gây hại cho nguời chơi nếu ta biết chơi một cách điều độ. Trái lại nó còn giúp ta thư giãn, giảm stress, luyện phản ứng nhanh,... Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để lôi cuốn người chơi, ngay cả việc đưa vào game những hình ảnh "mát mẻ" thiếu lành mạnh, biến game online trở thành thứ độc địa giết đi đầu óc trong sáng của học sinh.
Học sinh là đối tượng chính của game online. Với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động cùng với những thay đổi không ngừng, game online đã trở thành thú tiêu khiển hấp dẫn của học sinh. Một số bạn vì quá mải mê với trò chơi điện tử dẫn đến "nghiện game". Nhiều bạn có thể chơi liên tục 4 – 5 tiếng đồng hồ mà không cần nghỉ ngơi, cá biệt, có nhiều bạn có thể chơi đến 12 tiếng một ngày! Đối với các bạn nghiện game thì việc chơi game được để lên hàng đầu, xao nhãng việc học, quên cả sức khoẻ bản thân, quên cả cuộc sống xung quanh. Thậm chí có bạn vì cần tiền đi chơi mà sẵn sàng làm trái pháp luật. Gần đây rộ lên những vụ án cướp của, giết người mà thủ phạm là những trẻ vị thành niên bị nghiện game online. Những vụ án ấy đã thổi lên một hồi còi báo động cho xã hội về thực trạng nghiện game online của giới trẻ ngày nay. Như đã nói ở trên, game online có tính kích thích cao, dễ nghiện và một khi đã nghiện thì sẽ dẫn đến những hậu quả, tác hại khôn lường cho người chơi, gia đình và xã hội. Trước hết là những tác hại cho sức khoẻ người chơi. Khi chơi game không điều độ dễ dẫn đến một số bệnh lí liên quan đến mắt như cận thị, loạn thị,... Không chỉ thế, ngồi chơi game liên tục còn đưa đến tình trạng ảnh hưởng đến cột sống do tư thế ngồi sai hoặc ngồi quá lâu trước màn hình vi tính. Khi người chơi game quá mê chơi bỏ ăn uống thì có thể dẫn đến việc sụt cân nhanh chóng, sức đề kháng của cơ thể trở nên yếu ớt. Ở Đài Loan đã có trường hợp một anh thanh niên hai mươi lăm tuổi chết do kiệt sức vì chơi game suốt 24 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi! Không chỉ có vấn đề về sức khoẻ nghiện game còn khiến người chơi quá đắm trong thế giới "ảo" mà quên đi thế giới thực. Người chơi còn bỏ ra quá nhiều thời gian để chơi điện tử mà quên mất công việc, gia đình. Từ đó dễ dẫn đến sự sa sút trong công việc, trong học tập. Không dừng lại ở đó, game online gây ảnh hưởng đến nhân cách người chơi, đặc biệt là học sinh. Game dễ dẫn đến các bạn ảo tưởng về cuộc sống, những hình ảnh bạo lực như chém giết lẫn nhau dễ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý còn non nớt của học sinh, khiến cho các bạn coi thường luật pháp và dễ vi phạm pháp luật. Nghiện game cũng gây nguy hại như nghiện ma túy.
Ở nước ta, game online phát triển nhanh chóng vì có điều kiện thuận lợi. Việc học sinh nghiện game có rất nhiều nguyên nhân khách quan. Để đáp ứng nhu cầu chơi game của giới trẻ, hiện nay nhiều tiệm net mọc lên nhanh chóng và lúc nào cũng xôm tụ, gây sự ham thích cho người chơi. Gia đình còn chưa thực sự quan tâm đến con em do guồng quay vội vàng của cuộc sống. Nhiều bạn bị nghiện game đã lâu mà gia đình không biết, cứ tưởng con mình đang học bài, đến khi xảy ra chyện mới tá hỏa, ân hận thì đã muộn. Ở lứa tuổi học sinh, nhu cầu hoạt động vui chơi là rất cao. Đó là một nhu cầu rất chính đáng. Thế nhưng, nước ta lại thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên, nhà trường còn quá chú trọng vào dạy chữ mà quên dạy người, không dạy cho học sinh những kĩ năng cần thiết để chống lại những cám dỗ trong cuộc sống, không tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh cho học sinh. Như một điều tất yếu, học sinh tìm đến game online để giải trí. Về yếu tố chủ quan, nghiện game còn là do chính bản thân học sinh. Do các bạn đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lí chưa phát triển đầy đủ, nhận thức còn non nớt nên khó cưỡng lại sức hấp dẫn của game online. Hơn nữa, các bạn còn chơi game để khẳng định bản thân mình, xem trò chơi chơi điện tử như một nơi thể hiện "đẳng cấp", cá tính riêng của mình. Một bộ phận học sinh còn chơi game online vì đua đòi, không muốn thua kém các bạn, số khác là do bị chấn thương tâm lý, bị coi thường ngoài cuộc sống, bị cô lập,... tìm đến game như để giải toả tâm lý.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game, do đó, muốn xoá hẳn thực trạng nghiện game ta phải giải quyết cho thấu đáo những nguyên nhân trên. Nhưng trước hết là về gia đình và xã hội. Gia đình phải có sự quan tâm đặc biệt cho con em mình, kiểm soát giờ chơi của các bạn. Gia đình còn phải hướng dẫn các bạn chơi sao cho lành mạnh. Xã hội phải tạo điều kện cho các bạn học sinh tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt động văn hoá – xã hội. Nhà nước cần kiểm soát các trò chơi điện tử và tiệm net, không để cho các trò chơi thiếu lành mạnh lưu hành trên thị trường. Và đương nhiên phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh. Và riêng bản thân học sinh cần phải có ý thức, không sa đà vào game, tham gia tích cực các hoạt động văn hoá – xã hội để rèn luyện bản thân, không vì game mà xao nhãng học tập và cuộc sống.
Tóm lại, game online là một thói tiêu khiển rất hấp dẫn, nhưng đừng vì mê chơi game mà xao nhãng học tập cuộc sống. Nghiện game cũng như nghiện ma túy, gây ra những tác hại khôn lường. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để đẩy lùi thực trạng nghiện game. Riêng học sinh phải có tinh thần trách nhiệm, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để tự rèn luyện mình thành người có ích cho xã hội. Dẹp bỏ nạn nghiện game cũng chính là mở đường cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn.