Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Gia Định, TP. Hồ Chí Minh năm học 2013 - 2014
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Gia Định, TP. Hồ Chí Minh năm học 2013 - 2014 Đề kiểm tra học kỳ II môn Văn lớp 11 có đáp án Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 là tài liệu tham khảo ...
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Gia Định, TP. Hồ Chí Minh năm học 2013 - 2014
Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
là tài liệu tham khảo hay dành cho thầy cô và các bạn học sinh lớp 11. Quý thầy cô có thể tham khảo nhằm ra đề kiểm tra, đề ôn tập nhằm đánh giá chất lượng học sinh trong học kì II. Các bạn học sinh có thể luyện tập nhằm củng cố kiến thức, học tốt môn Văn lớp 11.
Đề thi học kì 2 môn Ngữ Văn lớp 11 trường THPT Lý Thái Tổ năm học 2014-2015
Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2013-2014 trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên
KIỂM TRA HỌC KỲ II. NK 2013-2014
Môn: Ngữ Văn. Thời gian: 90 phút
Khối 11
Câu 1: (4 điểm)
"Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn."
Anh/chị có suy nghĩ gì về lời nhắn gửi với tuổi trẻ ngày nay?
Câu 2: (6 điểm) Học sinh chọn một trong hai câu để làm.
Câu 2A: Ban Cơ bản
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"
(Vội vàng – Xuân Diệu)
Hãy phân tích đoạn thơ trên để thấy được khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ khi đón nhận cuộc sống tươi đẹp.
Câu 2B: Ban Nâng cao
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Từ ấy".
Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11
Câu 1 (4 điểm): Nghị luận xã hội:
- Giải thích:
- Sống chậm lại: là để cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh nhiều hơn, để đừng lướt qua nhau một cách vội vã; để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hy vọng cho tương lai, giúp tâm hồn người trẻ tuổi trở nên thâm trầm, sâu sắc, chính chắn và trưởng thành hơn.
- Suy nghĩ khác đi: là biết nhìn nhận đánh giá, lựa chọn những lối đi riêng, có thể hiểu là những lối suy nghĩ tích cực, vượt lên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản, tuyệt vọng, biết lắng nghe lòng mình.
- Yêu thương nhiều hơn: biết nghĩ, biết quan tâm, chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn, biết sống vị tha, bao dung, sẻ chia và làm cuộc sống tốt đẹp.
- Bàn bạc:
- Sống chậm không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu mà sống một cách kỹ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, tránh sống gấp, sống ẩu, sống vì mục đích tầm thường.
- Sống suy nghĩ khác không phải là những cách suy nghĩ, cách nhìn lập dị, mà phải suy nghĩ đem lại sự sống cho bản thân có sắc thái tích cực và có ích, đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống xã hội.
- Yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn.
- Phê phán lối sống thực dụng, cá nhân, cơ hội, sống gấp, thờ ơ, vô cảm... trong một bộ phận tuổi trẻ hiện nay.
- Rút ra những bài học – hành động cho bản thân:
- Biểu điểm:
- Điểm 4: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên.Lập luận chặt chẽ, diễn đạt tốt, không sai ngữ pháp chính tả.
- Điểm 3: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên. Lập luận khá tốt, mắc một vài lỗi diễn đạt, dùng từ...
- Điểm 2: Đáp ứng ½ yêu cầu trên. Lập luận chưa chặt chẽ, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ...
- Điểm 1: Diễn đạt lúng túng, mắc khá nhiều lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả...
- Điểm 0: Lạc đề.
(Ghi chú: Nếu viết một đoạn văn NL điểm tối đa: 1đ)
Câu 2 (6 điểm): Chọn một trong hai đề sau:
- Yêu cầu về kỹ năng: Nắm vững kỹ năng làm văn nghị luận văn học. Hiểu đúng yêu cầu đề.Thể hiện sự cám nhận sâu sắc, tinh tế. Trình bày bố cục chặt chẽ, văn mạch lạc, có cảm xúc...
2a: Cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu....
- Yêu cầu về kiến thức:
- Cảm nhận về đoạn thơ:
- Đoạn thơ mở đầu bằng 4 câu ngũ ngôn chứa đựng những khát vọng mãnh liệt và táo bạo của thi nhân. Điệp ngữ "Ta muốn" kết hợp động từ mạnh "tắt, buộc" → làm nổi bật khát vọng của nhà thơ.
- Vẻ đẹp của thiên nhiên:
- Gần gũi, thân quen (nắng gió, hoa lá, ánh sáng, âm thanh); tươi đẹp, tràn đầy sức sống, niềm vui (đồng nội xanh rì, cánh tơ phơ phất, thần vui gõ cửa...); tình tứ, quyến rũ (ong bướm, tuần tháng mật, ngon như một cặp môi gần...)
- Thiên nhiên được diễn đạt bằng những hình ảnh mới lạ; ngôn từ gợi cảm, tinh tế với nhiều biện pháp tu từ đặc sắc (nhân hóa, so sánh, điệp ngữ...)
- Cái tôi trữ tình:
- Cái tôi ý thức cá nhân mạnh mẽ đầy lòng tham muốn: cách nhìn đời trẻ trung qua lăng kính tình yêu. Vẻ đẹp của con người được nhà thơ lấy làm chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên; tình cảm thiết tha, rạo rực, đắm say vừa vội vàng quyến luyến do cảm nhận được bước đi của thời gian.
- Cái tôi trữ tình được thể hiện bằng giọng điệu say mê; nhịp điệu gấp gáp, từ ngữ táo bạo.
- Đánh giá
- Thiên nhiên tràn đầy sức sống và xuân tình; lối thể hiện rất hiện đại.
- Cái tôi thiết tha gắn bó với trần thế và khát khao thụ hưởng những hương sắc trần gian; biểu hiện một quan niệm sống tích cực.
2b: Cảm nhận về tâm trạng của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Từ ấy"
- Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ "Từ ấy", HS có thể trình bày theo nhiều cách song cần hợp lý chặt chẽ, thuyết phục...
- Khổ 1: Niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của tác giả trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng cộng sản.
- Khổ 2: cảm nhận và quyết tâm dấn bước thực hiện quan niệm mới về lẽ sống. Đó là lẽ sống gắn bó, chan hòa với mọi người.
- Khổ 3: Niềm xúc động chân thành khi cảm nhận tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ, những kiếp phôi pha, những con người không có áo cơm cù bất cù bơ.
Đánh giá:
Qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng với những hình ảnh tươi sáng, giọng thơ sảng khoái, nhịp thơ dồn dập sôi nổi, các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, điệp từ, bài thơ Từ ấy là bài ca tâm trạng vui sướng, say mê, cảm động và quyết tâm gắn bó với quần chúng nhân dân lao khổ, bị đọa đày của một thanh niên trong buổi đầu giác ngộ CM.
- Biểu điểm:
- Điểm 6: Đáp ứng các yêu cầu trên. Bài viết mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp chính tả.
- Điểm 4,5: Đáp ứng 2/3 yêu cầu trên. Còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 3: Đáp ứng được ½ yêu cầu trên. Còn mắc một số lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
- Điểm 2: Bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 1: Phân tích quá sơ sài, diễn đạt còn yếu.
- Điểm 0: Lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.