14/01/2018, 21:42

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017 Đề thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Lịch sử lớp 9 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 ...

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

VnDoc mong muốn tiếp sức cho các em học sinh đang ngày đêm ôn luyện chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi những tài liệu hay và chất lượng, chúng tôi đã sưu tầm và xin giới thiệu tới các em:

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 1

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 thành phố Hải Dương năm học 2016 - 2017 vòng 2

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 tỉnh Bắc Ninh năm học 2016 - 2017

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2016 - 2017
Khóa ngày 22 tháng 3 năm 2017
Môn: Lịch sử
LỚP 9 THCS
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2,0 điểm)

Quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến cuối thế kỉ XX chia làm mấy giai đoạn? Vị trí và ý nghĩa của phong trào trong sự phát triển quan hệ quốc tế?

Câu 2 (1,5 điểm)

Bằng kiến thức đã học về các nước tư bản, em hãy rút ra những nét nổi bật của hệ thống tư bản chủ nghĩa sau năm 1945.

Câu 3 (2,0 điểm)

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách gì để khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam? So với chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) có điểm gì chung?

Câu 4 (2,0 điểm)

Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời ở Việt Nam? Ý nghĩa của sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản đó?

Câu 5 (2,5 điểm)

Phương hướng chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954 là gì? Em đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện phương hướng chiến lược đó?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9

Câu 1. Quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến cuối thế kỉ XX chia làm mấy giai đoạn? Vị trí và ý nghĩa của phong trào trong sự phát triển quan hệ quốc tế? 

  • Các giai đoạn
    • Từ năm 1945 đến giữa những năm 60 của thế kỉ XX.
    • Từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.
    • Từ giữa những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX.
  • Vị trí: Là một bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng phản cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
  • Ý nghĩa
    • Từng bước phá vỡ hệ thống thuộc địa - một trong những cơ sở tồn tại của chủ nghĩa đế quốc, thu hẹp phạm ảnh hưởng của Mĩ và các nước phương Tây, từng bước xói mòn trật tự thế giới mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai...
    • Phong trào đã đưa đến sự ra đời của hơn 100 quốc gia độc lập và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới với ý chí chống chủ nghĩa thực dân, vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, ...
    • Tất cả các quốc gia độc lập tiếp tục đấu tranh để thiết lập một thế giới công bằng, góp phần bảo vệ hòa bình và an ninh của các dân tộc...

Câu 2. Bằng kiến thức đã học về các nước tư bản, em hãy rút ra những nét nổi bật của hệ thống tư bản chủ nghĩa sau năm 1945. 

  • Mĩ vươn lên trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất, ráo riết theo đuổi mưu đồ làm bá chủ thế giới...
  • Các nước tư bản ngày càng có xu hướng liên kết kinh tế khu vực, biểu hiện là sự ra đời của khối Cộng đồng kinh tế châu Âu - EEC (nay là Liên minh châu Âu - EU)...
  • Sau khi phục hồi..., các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng về kinh tế...Mĩ, EU và Nhật Bản trở thành ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới...

Câu 3. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách gì để khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam? So với chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) có điểm gì chung? 

  • Chính sách khai thác:
    • Tập trung vốn vào nông nghiệp (lập các đồn điền cao su) và khai mỏ (chủ yếu là mỏ than)....
    • Mở thêm một số cơ sở công nghiệp...
    • Thương nghiệp: nắm chặt thị trường Việt Nam, đánh thuế nặng hàng hóa các nước nhập vào nước ta...
    • Giao thông vận tải: đầu tư phát triển để phục vụ việc khai thác...
    • Tài chính, ngân hàng: thông qua ngân hàng Đông Dương, Pháp nắm quyền chỉ huy nền kinh tế...
  • Điểm chung: hạn chế phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng; tăng cường thủ đoạn bóc lột, vơ vét tiền của nhân dân ta bằng cách đánh thuế nặng...

Câu 4. Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời ở Việt Nam? Ý nghĩa của sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản đó? 

  • Chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản nối tiếp nhau ra đời vì:
    • Từ cuối năm 1928 đến đầu năm 1929, phong trào dân tộc và dân chủ ở nước ta, đặc biệt là phong trào theo con đường cách mạng vô sản phát triển mạnh mẽ...
    • Nhu cầu phải có một đảng cộng sản để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và tay sai là hết sức cấp thiết...
    • Sự phân hóa mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng đảng dẫn tới sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản chỉ trong một thời gian ngắn...
  • Ý nghĩa của sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản:
    • Đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử Việt Nam...
    • Chứng tỏ xu hướng cách mạng vô sản phát triển rất mạnh ở nước ta...
    • Là bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

Câu 5. Phương hướng chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954 là gì? Em đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc thực hiện phương hướng chiến lược đó? 

  • Phương hướng chiến lược của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954:
    • Tập trung lực lượng, mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc địch phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ.
    • Do phải phân tán lực lượng mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi để tiêu diệt thêm sinh lực của chúng.
  • Đánh giá hiệu quả:
    • Làm thất bại âm mưu tập trung binh lực để thực hiện tiến công chiến lược của kế hoạch Nava. Khoét sâu mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng của thực dân Pháp...
    • Làm cho kế hoạch Nava không thể thực hiện được theo dự kiến bởi: muốn tập trung nhưng phải phân tán binh lực, muốn tiến công nhưng phải phòng ngự, muốn giành quyền chủ động nhưng càng bị động đối phó...
    • Na va buộc phải điều chỉnh kế hoạch, chọn Điện Biên Phủ làm khâu chính, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương...
    • Bước đầu làm phá sản và tiến tới đánh bại hoàn toàn kế hoạch Nava...
0