14/01/2018, 20:53

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra giữa học kỳ II môn Văn lớp 10 có đáp án Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 gồm 2 phần đọc ...

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

 gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn, đã có đáp án chính xác và thang điểm chi tiết cho từng câu hỏi để bạn đối chiếu kết quả sau khi làm bài. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Hùng Vương năm học 2014 - 2015

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Hiệp Bình, Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015

Văn mẫu lớp 10: Triết lí nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ "Nhàn"

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2
-----------

KỲ THI KSCL LẦN 2 NĂM HỌC 2016 - 2017
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN - KHỐI 10
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.
Đề thi gồm: 01 trang.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò ...sung chát...đào chua
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

(Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Trong bốn câu thơ đầu, hình ảnh người mẹ được gợi lên qua những chi tiết nào?

Câu 3. Hãy chỉ ra những câu thơ sử dụng chất liệu ca dao trong đoạn trích?

Câu 4. Nghĩa của từ đi trong hai câu thơ cuối là gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ ý thơ trong phần Đọc hiểu:

ta đi trọn kiếp người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

Câu 2 (5,0 điểm)

Quan điểm sống Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn xao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngữ văn 10, tập 1)

—Hết—

(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

Họ và tên thí sinh ....................................................................................... SBD ..................

Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

I. Lưu ý chung:

  • Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
  • Do đặc trưng bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.

II. Đáp án:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

2. Hình ảnh người mẹ được gợi lên trong bốn câu thơ đầu qua các chi tiết: yếm đào, nón mê, nón quai thao, tay bí, tay bầu, váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu.

3. Những câu thơ sử dụng chất liệu ca dao trong đoạn trích:

Cái cò ...sung chát...đào chua
câu ca mẹ hát gió đưa về trời

4. Nghĩa của từ đi trong hai câu thơ: ta đi trọn kiếp người/cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

  • Chữ đi trong câu thơ thứ nhất nghĩa là: sống, là trải qua kiếp người.
  • Chữ đi trong câu thơ thứ hai nghĩa là: thấu hiểu và cảm nhận.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Từ ý thơ trong phần Đọc hiểu:

ta đi trọn kiếp người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình mẫu tử.

1. Giải thích

  • Tình mẫu tử là tình yêu thương, là sự hi sinh, chở che, bao dung của người mẹ đối với con. Đó là thứ tình cảm vừa tự nhiên, vừa cao cả, theo ta suốt cuộc đời.

2. Phân tích, bàn luận

  • Biểu hiện của tình mẫu tử: vô cùng đa dạng, phong phú song đều hướng tới cái đích cuối cùng là cho con, vì con.
    • Sự chở che, nâng đỡ, dìu dắt và tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ.
    • Dành cả cuộc đời lo lắng cho con mà không mong sự đáp đền, bởi niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ là nhìn thấy con trưởng thành.
  • Vai trò của tình mẫu tử;
    • Tình mẫu tử là sức mạnh kì diệu giúp con vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.
    • Là môi trường tốt cho sự phát triển tâm hồn và nhân cách của con.

3. Đánh giá - liên hệ bản thân

  • Bên cạnh những người biết yêu thương và giữ gìn tình mẫu tử, cần phê phán những người không biết trân trọng tình mẫu tử.
  • Có những hành động thiết thực để đền đáp tình cảm của mẹ dành cho mình: biết vâng lời, cố gắng học tập... để không phụ tấm lòng của mẹ.

Câu 2 (5,0 điểm) Quan điểm sống Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn.

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

  • Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ông mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ngợi ca kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội.
  • Nhàn trích trong tập Bạch vân quốc ngữ thi. Bài thơ là lời tâm sự, khẳng định quan niệm sống nhàn, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi.

2. Giải thích

  • Quan điểm Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: rỗi nhàn, thân nhàn, phận nhàn, sống thuận theo tự nhiên, đối lập với danh lợi.

=> Bài thơ Nhàn là bức chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm được vẽ ở nhiều góc độ: cuộc sống, tâm hồn và trí tuệ.

3. Phân tích bài thơ Nhàn để thấy được quan điểm sống Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

a. Nhàn là bức chân dung cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm

  • Cuộc sống thuần hậu, chất phác, nguyên sơ của thời "tạc tĩnh canh điền" qua hai câu thơ đầu:
    • Với những công cụ lao động: mai để đào đất, cuốc sới vườn, cần câu để câu cá.
    • Cách dùng tính từ số đếm rành rọt cho thấy tất cả đã sẵn sàng, chu đáo; sự ung dung thanh thản của con người.
    • Từ láy "thơ thẩn": diễn tả trạng thái thảnh thơi, thong thả của người vô sự trong lòng không một chút cơ mưu.
  • Cuộc sống đạm bạc, thanh cao trong sự trở về với thiên nhiên.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

    • Những thức ăn quê mùa dân dã: măng trúc, giá đỗ cây nhà lá vườn, tự mình lo, tự mình làm, công sức của mình.
    • Sinh hoạt: tắm hồ, tắm ao như bao người dân quê khác.

b. Nhàn là bức chân dung tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

  • Là người trọng nhân cách: nhân cách của nhà thơ đối lập với danh lợi, nơi vắng vẻ đối lập với chốn lao xao.
    • "Nơi vắng vẻ ", là nơi ít người, hoặc không người cầu cạnh ta và ta không cầu cạnh người. Nơi tĩnh lặng của thiên nhiên và nơi thảnh thơi của tâm hồn.
    • "chốn lao xao": là chốn cửa quyền, đường hoạn lộ, ồn ào, sang trọng...mất tính người, tình người

=> Tác giả chọn cuộc sống về với thiên nhiên, sống hoà thuận theo tự nhiên là thoát ra vòng ganh đua của cõi tục không bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị để tâm hồn thư thái, khoáng đạt.

c. Nhàn là bức chân dung trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

  • Trí tuệ vô cùng tỉnh táo: tỉnh táo trong sự lựa chọn Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ đối lập với Người khôn người đến chốn lao xao. Hai tiếng "ta dại - người khôn" khẳng định phương châm sống của tác giả.
  • Tỉnh táo trong cách nói đùa vui, ngược nghĩa, dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hoá dại.
  • Cụ trạng là người trí tuệ sáng suốt, uyên thâm với cái nhìn thông tuệ, người tìm đến "say" chỉ là để "tỉnh" (hai câu cuối), nhận ra công danh của cải, quyền quý chỉ là giấc chiêm bao. Trí tuệ nâng cao nhân cách của nhà thơ.

d. Nghệ thuật

  • Lối thơ trữ tình triết lí mà vẫn tự nhiên, hóm hỉnh nhẹ nhàng, sâu sắc
  • Cách nói đối lập, ngược nghĩa.

4. Đánh giá

  • Bài thơ cho thấy vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm – xa lánh nơi quyền quý, danh lợi, sống hòa hợp với tự nhiên. Đó là cách sống nhàn thân chứ không nhàn tâm. Nhàn mà vẫn ưu lo việc nước việc đời. Đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đang lúc suy vi về đạo đức thì đây là vẻ đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc.
0