14/01/2018, 14:08

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử huyện Đông Hải, Bạc Liêu năm 2013 - 2014

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử huyện Đông Hải, Bạc Liêu năm 2013 - 2014 Đề thi HSG môn Lịch sử lớp 8 có đáp án Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử có đáp án là tài liệu tham khảo ...

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử huyện Đông Hải, Bạc Liêu năm 2013 - 2014

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử

có đáp án là tài liệu tham khảo dành cho các bạn học sinh lớp 8 yêu sử và chuẩn bị ôn thi kỳ thi thi học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử, mời các bạn tham khảo.

Đề cương ôn tập môn Lịch sử lớp 8

Đề kiểm tra học kì 2 môn Lịch sử lớp 8 năm học 2014-2015 Phòng GD - ĐT Cam Lộ, Quảng Trị

PHÒNG GD - ĐT ĐÔNG HẢI 

VÒNG HUYỆN 

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8

NĂM HỌC 2013 - 2014

(Đề gồm 01 trang/05 câu)

MÔN: LỊCH SỬ

Thời gian làm bài: 150 phút

(Không kể thời gian giao đề)

Họ, tên thí sinh:..............................................................................................

Số báo danh:...................................................................................................

ĐỀ

I. Phần lịch sử thế giới (10 điểm):

Câu 1 (4 điểm): Nhận xét về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Câu 2 (3 điểm): Trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Tại sao năm 1917 ở Nga có hai cuộc cách mạng?

Câu 3 (3 điểm): Vì sao cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ?

II. Phần lịch sử Việt Nam (10 điểm):

Câu 4 (6 điểm): Tại sao gọi là phong trào Cần Vương. Trong phong trào Cần Vương có nhiều cuộc khởi nghĩa nhưng tại sao khởi nghĩa Hương Khê lại được đánh giá là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu.

Câu 5 (4 điểm): Kể tên những sĩ phu tiêu biểu trong phong trào cải cách ở nửa cuối thế kỉ XIX. Nêu những nội dung chính trong các đề nghị cải cách của họ.

Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử

PHÒNG GD - ĐT ĐÔNG HẢI 

VÒNG HUYỆN 

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Hướng dẫn gồm 03 trang/05 câu)

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8

NĂM HỌC 2013 - 2014

MÔN: LỊCH SỬ

 


HƯỚNG DẪN CHẤM

I. Phần lịch sử thế giới (10 điểm):

Câu 1 (4 điểm):

Nhận xét về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX:

Từ khi thực dân phương Tây xâm lược, phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á đã bùng nổ mạnh mẽ:

  • Ở In-đô-nê-xi-a, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời. Từ năm 1905, nhiều tổ chức công đoàn được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác vào In-đô-nê-xi-a. Năm 1905, công đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa được thành lập. Năm 1908, Hội liên hiệp công nhân In-đô-nê-xi-a ra đời. Tháng 5/1920, Đảng cộng sản ra đời. (0,5 điểm)
  • Ở Phi-lip-pin, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha diễn ra quyết liệt. Cuộc cách mạng 1896-1898 bùng nổ dẫn đến sự ra đời nước cộng hòa Phi-lip-pin, nhưng sau đó bị Mĩ thôn tính. (0,5 điểm)
  • Ở Cam-pu-chia, ngay sau khi vua Nô-rô-đôm kí hiệp ước thừa nhận nền đô hộ của Pháp 1863, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra. Điển hình là cuộc khởi nghĩa do A-cha Xoa lãnh đạo ở Ta Keo(1863-1866) và cuộc khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của nhà sư Pu-côm-bô ở Cra-chê(1866-1867). (0,5 điểm)
  • Ở Lào, năm 1901 nhân dân Xa-van-na-khét tiến hành cuộc đấu tranh dưới sự chỉ đạo của Pha-ca-đuốc. Cũng năm đó, một cuộc khởi nghĩa khác đã nổ ra ở cao nguyên Bô-lô-ven, lan sang cả Việt Nam và kéo dài đến năm 1907 mới dập tắt. (0,5 điểm)
  • Ở Miến Điện, cuộc kháng chiến chống thực dân Anh(1885) đã diễn ra rất anh dũng nhưng cuối cùng bị thất bại. Nghĩa quân cuối cùng phải rút vào rừng sâu. (0,5 điểm)
  • Ở Việt Nam, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra liên tục và quyết liệt. Bên cạnh phong trào Cần vương, làn sóng đấu tranh chống Pháp diễn ra ở khắp nơi, tiêu biểu là phong trào nông dân Yên Thế(1884-1913). (0,5 điểm)

Các phong trào giải phóng dân tộc lần lượt thất bại vì lực lượng của bọn xâm lược mạnh, chính quyền phong kiến ở nhiều nước đầu hàng làm tay sai cho đế quốc, các cuộc đấu tranh lại thiếu tổ chức và thiếu sự lãnh đạo chặt chẽ, không có đường lối đấu tranh... (1 điểm)

Câu 2 (3 điểm):

Trình bày ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917:

  • Cách mạng tháng Mười đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và hàng triệu số phận con người ở Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, cách mạng đã đưa những người lao động lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới- chế độ xã hội chủ nghĩa trên một đất nước rộng lớn. (0,75 điểm)
  • Cách mạng tháng Mười Nga đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên thế giới và để lại nhiều bài học quý báu cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước. (0,75điểm)

Năm 1917 ở Nga có hai cuộc cách mạng bởi:

  • Sau cách mạng tháng Hai, ở nước Nga xuất hiện cục diện hai chính quyền song song cùng tồn tại, đó là chính phủ lâm thời tư sản và Xô viết đại biểu nhân dân, nông dân và binh lính. Hai chính quyền này đại diện cho lợi ích của các giai cấp đối lập với nhau nên không thể cùng tồn tại. (0,5 điểm)
  • Chính phủ lâm thời tư sản vẫn tiếp tục theo đuổi chiến tranh đế quốc, đàn áp nhân dân lao động... (0,5 điểm)
  • Yêu cầu cấp thiết của lịch sử nước Nga lúc bấy giờ là phải làm cuộc cách mạng vô sản, lật đổ chính phủ lâm thời, giành chính quyền về tay nhân dân lao động. (0.5 điểm)

Câu 3 (3 điểm):

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ vì:

  • Mâu thuẫn về quyền lợi, về thị trường và thuộc địa ngày càng gay gắt giữa các nước đế quốc. Mâu thuẫn càng trầm trọng hơn do hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 với sự hình thành hai khối đế quốc đối địch nhau. Chủ nghĩa phát xít hình thành ở Đức, I-ta-li-a, và Nhật Bản, ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thế giới. (1,5 điểm)
  • Tuy mâu thuẫn với nhau nhưng hai khối đế quốc đều có cùng kẻ thù cần phải tiêu diệt, đó là Liên Xô. Vì vậy Anh, Pháp, Mĩ đã thực hiện đường lối thỏa hiệp khối phát xít nhằm chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô. Thái độ thỏa hiệp, nhượng bộ của Anh, Pháp, Mĩ đã tạo điều kiện cho khối phát xít phát động chiến tranh. (1,5 điểm)

II. Phần lịch sử Việt Nam (10 điểm):

Câu 4 (6 điểm):

Tại sao gọi là phong trào Cần Vương: (2 điểm)

Sau khi tấn công quân Pháp thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, ngày 13/7/1885, ông nhân danh vua Hàm Nghi ra "Chiếu Cần vương", kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước. Từ đó, một phong trào yêu nước chống xâm lược đã dâng lên sôi nổi, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX, được gọi là phong trào Cần Vương.

Trong phong trào Cần Vương có nhiều cuộc khởi nghĩa nhưng tại sao khởi nghĩa Hương Khê lại được đánh giá là một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu bởi:

  • Khởi nghĩa diễn ra vời qui mô lớn, phân bố trên địa bàn nhiều tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. (1 điểm)
  • Trình độ tổ chức cao: nghĩa quân được chia thành 15 thứ quân, mỗi thứ quân có vài trăm người, được chỉ huy thống nhất. (1 điểm)
  • Có phương pháp tác chiến linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong cách đánh địch, có nhiều trận đánh lớn làm cho địch nhiều tổn thất nặng nề. (1 điểm)
  • Khởi nghĩa diễn ra trong thời gian hơn 10 năm(1885-1896). Khởi nghĩa thất bại cũng là dấu mốc kết thúc phong trào Cần Vương trên phạm vi cả nước. (1 điểm)

Câu 5 (4 điểm):

Kể tên những sĩ phu tiêu biểu trong phong trào cải cách ở nửa cuối thế kỉ XIX. Nêu những nội dung chính trong các đề nghị cải cách của họ:

  • Năm 1868, Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế xin mở cửa biển Trà Lí (Nam Định). Đinh Văn Điền xin đẩy mạnh việc khai khẩn ruộng hoang và khai mỏ, phát triển buôn bán, chấn chỉnh quốc phòng. (1 điểm)
  • Năm 1872, Viện Thương bạc xin mở 3 cửa biển ở miền Bắc và miền Trung để thông thương với bên ngoài. (1 điểm)
  • Đặc biệt, từ năm 1863 đến 1871 Nguyễn Trường Tộ kiên trì gởi lên triều đình 30 bản điều trần, đề cập đến một loạt vấn đề như chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương nghiệp và tài chính, chỉnh đốn võ bị, mở rộng ngoại giao, cải tổ giáo dục... (1 điểm)
  • Ngoài ra, vào các năm 1877 và 1882, Nguyễn Lộ Trạch còn dâng hai bản "Thời vụ sách" lên vua Tự Đức, đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước. (1 điểm)
0