Dàn ý phân tích Bài ca phong cảnh Hương Sơn
Đề bài: Lập dàn ý phân tích bài thơ Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh. Bài làm DÀN Ý CHI TIẾT I. Mở bài Hương Sơn là dãy núi ở huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây. Trên núi là quần thể những suối, chùa, am, động, trong đó có chùa Hương thờ Phật Bà Quan Thế Âm. ...
Đề bài: Lập dàn ý phân tích bài thơ Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh.
Bài làm
DÀN Ý CHI TIẾT
I. Mở bài
Hương Sơn là dãy núi ở huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây. Trên núi là quần thể những suối, chùa, am, động, trong đó có chùa Hương thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Tương truyền, khi chúa Trịnh Sâm đến nơi đây đã khắc vào vách đá cửa động Hương Tích dòng chữ "Nam thiên đệ nhất động", nghĩa là động đẹp nhất trời Nam. Với vẻ đẹp của một danh lam thắng cảnh, động Hương Sơn đã trở thành nguồn thi hứng cho biết bao thi nhân. Dương Lâm có Chơi chùa Hương, Tản Đà có Động Hương Sơn, Nguyễn Nhược Pháp có Chùa Hương… Riêng Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905) có tới ba bài: Hương Sơn phong cảnh ca, Hương Sơn nhật trình và Hương Sơn hành trình. Cả ba bài thơ đều được sáng tác khi ông tham gia vẽ kiểu và trùng tu lại chùa Thiên Trù. Trong ba tác phẩm viết về Hương Sơn của ông, bài Hương Sơn phong cảnh ca có giá trị nhất.
II. Thân bài
1. Thể loại, bố cục:
– Nếu Hương Sơn nhật trình và Hương Sơn hành trình được viết theo thể lục bát thì bài Hương Sơn phong cánh ca được viết theo thể hát nói.
– Thông thường một bài hát nói gồm 11 câu chia làm 3 khổ, riêng bài thơ này có tới 19 câu, gọi là dôi khổ. Theo cuốn Nhà thơ Chu Mạnh Trinh của Lê Văn Ba, bài thơ còn có mở đầu là hai cặp câu lục bát:
Lên chùa chân bước khoan khoan
Khi nam mô Phật, khi tang tang tình.
Thuyền nan một lá xinh xinh,
Non non, nước nước, mình mình, ta ta…
– Bài thơ được kết cấu theo thế hát nói song người đọc cùng dễ dàng nhận ra diễn biến tâm trạng của thi nhân thể hiện trong tác phẩm, đi từ ấn tượng chung về cảnh Hương Sơn đến tả thực cảnh đẹp và cuối cùng là những suy nghĩ về giang sơn đất nước.
2. Khổ đầu (4 câu):
Bầu trời cánh Bụt.
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
"Đệ nhất động" hỏi là đây có phải?
– Bầu trời cánh Bụt, bốn từ đã gợi cho người đọc cảm giác đến một nơi thần tiên thoát tục, không gian mênh mông thanh khiết.
– Hương Sơn đẹp còn bởi khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp. Nhịp 2/2 và điệp từ non non, nước nước, mây mây, như bày ra một quần thể núi non sông nước hang động trập trùng, vốn là nét độc đáo của nơi này.
– Giọng điệu câu thơ thể hiện vẻ ngạc nhiên thích thú, niềm sung sướng thỏa mãn khi được đến một nơi nổi tiếng:
Thủ Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
"Đệ nhất động" hỏi lờ đây có phải?
Câu hỏi và cách nhắc lại lời người xưa để khẳng định một lần nữa vẻ đẹp của Hương Sơn.
– Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã mang đến cho người đọc niềm thú vị trước một nơi vừa thanh cao mang màu sắc tôn giáo, vừa là một thắng cảnh đẹp của đất nước. Người ngắm cảnh không chỉ là tín đồ hành hương mà còn là du khách yêu cảnh thiên nhiên, yêu đất nước, một thi nhân dào dạt cảm xúc. Bốn câu thơ đầu giới thiệu về cảnh và người vừa tự nhiên vừa khéo léo.
3. Khổ giữa (12 câu):
– Ở khổ giữa, nhà thơ tả thực cảnh theo hành trình bước chân du khách. Bắt đầu từ bến Đục, con đò dọc đưa khách xuôi theo khe Yến. Hai bên bờ suối là rừng mai trải dài. Trong thiên kí sự của cô bé mười lăm tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã tả cảnh khe Yến rừng mai thật hữu tình:
Thuyền đi, bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
Nam mô A di đà
Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Dịp cầu xa nhỏ nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.
Còn Chu Mạnh Trinh lại cảm nhận cảnh vật ở không khí thanh khiết không nhuốm bụi trần:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Tang hải là từ vốn để chỉ sự đổi thay của cuộc đời, hoặc chỉ cõi đời trần tục biến đổi vô thường. Vì thế, nghe tiếng chày kình, khách tang hải giật mình trong giấc mộng có thể hiểu, người khách đến đây, trong không khí thần tiên thoát tục, bỗng thấy tâm hồn được thanh lọc, nhận ra cuộc đời đầy dâu bể đa đoan, nhận ra cuộc đời là một giấc mộng phù du. Cảnh đẹp Hương Sơn, vì thế càng giàu ý nghĩa.
– Càng vào sâu, càng lên cao khách càng ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh:
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Điệp từ này, cách liệt kê các địa danh giúp người đọc hình dung ngay vẻ đẹp của một quần thể có cao thấp, có suối, chùa, hang, động, có thiên tạo lẫn nhân tạo. Nhà thơ không cần tả nhiều, chỉ tên gọi cũng đã tạo cho người đọc những tưởng tượng, liên tưởng phong phú, gợi cảm.
– Riêng đối với hang động ở Hương Sơn, nhà thơ không chỉ nêu tên mà dừng lại tả cụ thể, tỉ mỉ trong bốn câu:
Nhác trông lên ai khéo họa hình,
Đá ngủ sác long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Đại từ "ai" được dùng ở đây diễn tả sự kinh ngạc trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên. Theo dân gian, trong hang động có hai ngả, đường lên trời và đường xuống âm phủ. Câu thơ tả thực mà vẫn lãng mạn với màu sắc, đường nét, ánh sáng và cảm giác huyền ảo, bồng bềnh như tiên cảnh. Cách dùng từ láy long lanh, thăm thẳm, gập ghềnh; cách đảo ngữ thăm thẳm một hang, gập ghềnh mấy lối; hình ảnh so sánh lồng bóng nguyệt, uốn thang mây cho thấy tài nghệ điêu luyện của nhà thơ.
– Chính trong khoảnh khắc ngưỡng mộ bàn tay của tạo hóa, nhà thơ đâ có cảm xúc và suy nghĩ về đất nước:
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.
Giang sơn, trước hết là muốn nói đến cảnh Hương Sơn, là thiên nhiên tươi đẹp, sâu xa hơn là nói đến đất nước đang cần đến tấm lòng của con người. Câu thơ bày tỏ tình yêu nước thầm kín của nhà nho Chu Mạnh Trinh.
4. Khổ xếp (3 câu cuối):
Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật,
Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu.
– Với hệ thống từ ngữ của đạo Phật, kết thúc bài thơ tác giả đưa ta trở về không khí thần tiên thoát tục của cảnh Hương Sơn, mang lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
– Câu thơ cuối là tâm trạng của nhân vật trữ tình. Ở đây ta không chỉ tìm thấy một nhà thơ sống phóng khoáng lãng tử, thoát ly hiện thực mà còn là một kẻ sĩ nặng lòng với đất nước.
III. Kết luận
– Chu Mạnh Trinh là nhà thơ lớn ở cuối thế kỉ XIX, nổi tiếng tài hoa, giỏi cả cầm kì thi họa, nhất là nghệ thuật kiến trúc. Chuyện kể lại, quan án Chu làm quan mà chẳng mấy để tâm đến xét xử, chỉ thích rong chơi đến cảnh đẹp của đất nước. Con người và tài năng ấy đã in dấu khá rõ trong bài thơ Hương Sơn phong cảnh ca.
Các bài văn mẫu lớp 11: Bài ca phong cảnh Hương Sơn
Tham gia các nhóm học tập VietJack trên mạng xã hội, VietJack hỗ trợ giải đáp bài tập và chia sẻ tài liệu:
Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 11 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Những bài văn mẫu lớp 11 và Tuyển tập những bài văn đạt điểm cao lớp 11.