đặc trưng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền
các Có thể khái quát tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền có những đặc trưng cơ bản sau: – Một là, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt một hệ thống các quy tắc tố tụng đầy đủ, minh bạch và chặt chẽ. ...
các
Có thể khái quát tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền có những đặc trưng cơ bản sau:
– Một là, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhà nước pháp quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt một hệ thống các quy tắc tố tụng đầy đủ, minh bạch và chặt chẽ. Đó là những quy tắc tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và các quy tắc tố tụng trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động…
Các quy tắc tố tụng này được quy định rất chi tiết, cụ thể, đòi hỏi các hoạt động tư pháp phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tuân thủ các nguyên tắc này vừa bảo đảm cho việc thực hiện quyền tư pháp thực sự dân chủ, vừa bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, làm cho hoạt động tư pháp đưa ra các phán quyết chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì thế, cải cách tư pháp trước hết phải hoàn thiện hệ thống các thủ tục tố tụng tư pháp rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, vừa đề cao nhân tố con người trong mối quan hệ với các cơ quan tư pháp, vừa đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp.
– Hai là, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt quá trình tổ chức và hoạt động tư pháp. Đây là công thức pháp lý chứa đựng các giá trị được thừa nhận chung trong nhà nước pháp quyền đối với không chỉ trong hoạt động xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân mà cả trong hoạt động điều tra, truy tố của điều tra viên và kiểm sát viên. Bởi vì, nguyên tắc này xuất phát từ tính chất khó khăn của các hoạt động tư pháp và yêu cầu hoạt động đó phải đạt đến độ chính xác cao nhất, đòi hỏi các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống lại các tác động và ảnh hưởng xấu từ mọi phía. Đồng thời, nguyên tắc này cũng bắt nguồn từ nguyện vọng và tâm lý chung của xã hội đối với hoạt động tư pháp. Vì thế, tuân theo nguyên tắc này, một mặt, góp phần bảo đảm cho sự chính xác của điều tra, truy tố, xét xử, tăng thêm lòng tin của quần chúng vào sự ngay thẳng, chí công, vô tư của các cơ quan tư pháp; mặt khác, còn nhằm ngăn chặn sự tác động của cá nhân hay của các tổ chức vào hoạt động tư pháp.
Nguyên tắc này xác định trách nhiệm của cán bộ, nhân viên các cơ quan tư pháp trong các hoạt động của mình mang tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không bị tác động can thiệp từ bên ngoài. Trong hoạt động tư pháp, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân không những độc lập với sự can thiệp của lập pháp, hành pháp mà còn độc lập với chính sự can thiệp của cá nhân hay tổ chức trong nội bộ cơ quan tư pháp. Thực hiện nguyên tắc trên, cải cách tư pháp cần theo định hướng làm sâu sắc, đầy đủ, đúng đắn hơn nguyên tắc độc lập trong hoạt động tư pháp. Trước hết, đòi hỏi cán bộ, nhân viên các cơ quan tư pháp phải nâng cao trách nhiệm, tuân theo pháp luật một cách nghiêm chỉnh, chí công, vô tư, không được để tình cảm của cá nhân, quyền lợi riêng tư ảnh hưởng đến việc xét xử. Những người có thẩm quyền trong các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án phải độc lập về nhân cách. Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên phải có lòng trung thực, dám chịu trách nhiệm; đồng thời, chống khuynh hướng phủ nhận tính độc lập trong hoạt động tư pháp.
Thực tiễn cho thấy, thực hiện nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp không có nghĩa là các cơ quan tư pháp thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. Cần thể chế hóa bằng pháp luật phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm Đảng lãnh đạo tư pháp nhưng tôn trọng nguyên tắc tư pháp độc lập – nguyên tắc và là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền.