Cuộc chiến đấu ở các đô thị và việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài...
Cuộc chiến đấu ở các đô thị và việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16. 1.Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 Ở Hà Nội, khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, cuộc chiến đấu bắt đầu. Nhân dân đã khiêng bàn ghế, tủ, kiện hàng, hạ cây ...
1.Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16
Ở Hà Nội, khoảng 20 giờ ngày 19-12-1946, cuộc chiến đấu bắt đầu. Nhân dân đã khiêng bàn ghế, tủ, kiện hàng, hạ cây cối v.v..làm thành những chướng ngại vật hoặc chiến lũy ngay trên đường phố để chống giặc. Trung đoàn Thủ đô được thành lập và tiến đánh những trận quyết liệt ở Bắc Bộ phủ, chợ Đồng Xuân, Nhà Bưu điện v.v..Sau hai tháng chiến đấu kiên cường, ngày 17-12-1947, quân ta rút khỏi vòng vây của địch, ra căn cứ an toàn.
Trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, giết và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, 5 máy bay v.v..hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ về căn cứ lãnh đạo kháng chiến.
Hình 47. “Quyết tử quân” Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp
Ở các đô thị như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng v.v.. quân dân ta bao vây, tiến công, tiêu diệt nhiều tên địch.
Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã tạo điều kiện cho cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Phối hợp các cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16, quân dân ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đấy mạnh chiến tranh du kích, chặn đánh địch trên các tuyến giao thông, phá cơ sở hậu cần của chúng.
2.Tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài
Sau khi rút khỏi Hà Nội, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận, các đoàn thể v.v chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.
Trong vòng 3 tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, ta đã vận chuyển hơn 3 vạn tấn máy móc và dụng cụ sản xuất, hàng vạn tấn nguyên vật liệu về chiến khu để tiếp tục sản xuất, phục vụ nhu cầu kháng chiến. Riêng ở Bắc Bộ, gần 2/3 số máy móc được chuyển lên căn cứ Việt Bắc.
Với khẩu hiệu “Vườn không nhà trống!”, “Tản cư cũng là kháng chiến!”, “Phá hoại để kháng chiến!”, nhân dân các đô thị nhanh chóng tản cư ra các vùng hậu phương và tiến hành phá hủy nhà cửa, đường sá, cầu cống….không cho địch sử dụng.
Đảng, Chính phủ lãnh đạo và tổ chức nhân dân cả nước xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt.
Về chính trị, các ủy ban hành chính chuyển thành Ủy ban kháng chiến hành chính thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc; mở rộng Mặt trận, thành lập Hội Liên hợp quốc dân Việt Nam (Liên Việt).
Về kinh tế, Chính phủ đề ra các chính sách nhằm duy trì và phát triển sản xuất, trước hết là sản xuất lương thực.
Về quân sự, Chính phủ quy định mọi người dân từ 18 đến 45 tuổi được quyền chọn tham gia các lực lượng chiến đấu.
Về văn hóa, phong trào bình dân học vụ được duy trì và phát triển. Trường phổ thông các cấp vẫn tiếp tục giảng dạy và học tập trong hoàn cảnh chiến tranh.