Công tác lãnh đạo của nhà quản trị
Đọc xong chương này sinh viên sẽ nắm được những vấn đề sau: Những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên. Những lời khuyên cho người lãnh đạo. Quy trình của sự uỷ quyền. Quan niệm về ...
Đọc xong chương này sinh viên sẽ nắm được những vấn đề sau:
- Những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên.
- Những lời khuyên cho người lãnh đạo.
- Quy trình của sự uỷ quyền.
- Quan niệm về lãnh đạo theo thuyết X và thuyết Y.
Khái niệm và vai trò
Khái niệm lãnh đạo
Lãnh đạo là hoạt động hướng dẫn, đôn đốc, động viên thúc đẩy những người dưới quyền làm việc với hiệu quả cao nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Lãnh đạo ở đây là chỉ huy con người. Một cách khái quát, lãnh đạo được xác định như sự tác động mang tính nghệ thuật hay một quá trình gây ảnh hưởng đến người khác sao cho họ sẽ tự nguyện và nhiệt tình phấn đấu để đạt được các mục tiêu của tổ chức.
Muốn thực hiện được chức năng này phải có quyền hành, nghĩa là có quyền điều khiển người khác hành động theo nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu đã định.
Công tác lãnh đạo gắn liền với nguyên tắc thủ trưởng là người chỉ huy cao nhất và duy nhất chịu trách nhiệm về sự thành bại của tổ chức. Vì vậy những ưu, nhược điểm trong phong cách lãnh đạo, chỉ huy của nhà quản trị có ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức do ông ta chỉ huy.
Vai trò
- Xác định đúng mục tiêu, xây dựng bộ máy gọn nhẹ tương ứng với mục tiêu sẽ đem đến sự thành bại trong kinh doanh.
- Công tác lãnh đạo có liên quan đến việc ra quyết định, tổ chức truyền đạt quyết định và tổ chức thực hiện quyết định bằng cách giao việc, uỷ quyền, động viên, đề bạt khen thưởng thuộc cấp.
- Thể hiện tài ba của nhà quản trị. Tài ba không phải là lí luận mà là ở hoạt động thực tiễn.
Khái niệm nhà lãnh đạo
- Là người có chức vụ và quyền hạn nhất định
- Là người quan trọng nhất trong hệ thống quản trị
- Là người thực hiện tất cả các chức năng quản trị
Thế nào là người lãnh đạo có hiệu quả?
Xây dựng tinh thần làm việc – Vấn đề cốt lõi của nghệ thuật lãnh đạo
Những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên
Tinh thần làm việc của nhân viên dưới quyền là một nhân tố quyết định hiệu lực của công tác lãnh đạo, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên là:
- Một là: Lí tưởng của tổ chức, lề lối lãnh đạo.
- Hai là: Lương bổng phụ cấp.
- Ba là: Biện pháp khuyến khích.
- Bốn là: Tiện nghi vật chất để làm việc.
- Năm là: Thủ tục làm việc và sự kiểm soát.
- Sáu là: Cơ cấu bộ máy và chính sách nhân sự.
Các biện pháp khuyến khích để duy trì tinh thần làm việc của nhân viên
- Quan tâm đến năng lực và quyền lợi.
- Xây dựng những hoàn cảnh và môi trường thuận lợi để nâng cao tinh thần làm việc.
- Giao công việc phải phù hợp với năng lực từng người.
- Thưởng xứng đáng về mặt tài chính, thăng cấp, thăng bậc, lương bổng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công bằng và khuyến khích về mặt tinh thần như tạo cơ hội thăng tiến, điều kiện học tập, tạo cho nhân viên hãnh diện khi hoàn thành tốt công việc được giao.
Giao việc, kèm cặp trong công việc và kiểm tra
Giao công việc
Công việc là gì? Công việc là cái mà mọi người tập trung phần lớn thời gian, suy nghĩ và cố gắng để thực hiện. Đó là môi trường quan trọng ảnh hưởng sự trưởng thành và phát triển của con người.
Giao công việc thực chất là phân công lao động cho từng người, từng nhóm người trong một tổ chức.
Giao công việc phải rõ ràng, được mô tả cụ thể chi tiết về nội dung, phương thức tiến hành, thủ tục thực hiện và những chỉ tiêu để đánh giá kết quả công việc. Như vậy sẽ thuận lợi cho công tác kiểm tra nhân viên.
Đối với mỗi người khác nhau thì công việc được nhìn nhận và cảm thụ khác nhau…
Kèm cặp trong công việc
Sự kèm cặp trong công việc và sự tác động thường xuyên của cấp chỉ huy trực tiếp là yếu tố chủ yếu của việc nâng cao năng suất lao động, tinh thần làm việc, sự trưởng thành và phát triển tốt của nhân viên.
Cần bộc lộ kỳ vọng và chỉ dẫn thứ tự, cách thức thực hiện công việc cho nhân viên khi thực hiện công việc được giao.
Việc chọn người, đề bạt, giao việc, huấn luyện người, tinh thần làm việc và sự trưởng thành, phát triển của nhân viên trực tiếp dưới quyền là trách nhiệm của thủ trưởng.
Ban tham mưu có thể cố vấn, giúp đỡ thủ trưởng thực hiện trách nhiệm nhân sự đó nhưng không được thay thế thủ trưởng ảnh hưởng đến dây chuyền chỉ huy. Đây là đường hướng chung của khoa học quản trị hiện đại.
Kiểm tra công việc của nhân viên
Kiểm tra công việc của nhân viên là một nội dung quan trọng của công tác lãnh đạo, việc kiểm tra giúp cho thủ trưởng uốn nắn kịp thời những thiếu sót, lệch lạc trong việc thực hiện công việc của nhân viên, để điều chỉnh, kèm cặp hoặc ra những quyết định cần thiết.
Tuy nhiên cần chọn hình thức và phương pháp kiểm tra nhẹ nhàng, tế nhị nhưng nghiêm túc có ý nghĩa quyết định đến chất lượng kiểm tra và tinh thần làm việc của nhân viên.
Cố gắng tạo điều kiện cho nhân viên tự kiểm tra nhiều hơn bị kiểm tra là một vấn đề quan trọng của tâm lí chỉ huy.
Những lời khuyên cho người lãnh đạo
- Thứ nhất: Quyết định nhanh.
- Thứ hai: Có tinh thần độc lập.
- Thứ ba: Hành động cương quyết.
- Thứ tư: Luôn giữ thế tiến công.
- Thứ năm: Làm ngay không trì hoãn.
- Thứ sáu: Coi thất bại là một bài học.
- Thứ bảy: Hợp tác thân thiện với các bộ phận quản lí khác.
- Thứ tám: Đứng đầu trước mọi khó khăn.
- Thứ chín: Xây dựng một ban tham mưu tốt, năng động.
- Thứ mười: Đại diện trung thành cho người theo mình.
- Thứ mười một: Tôn trọng lòng trung thành.
- Thứ mười hai: Có mục đích cao thượng và có giá trị.
Ủy quyền trong quản trị
Uỷ quyền là một nghệ thuật trong quản trị
Uỷ quyền là việc nhà quản trị cấp trên cho phép cấp dưới có quyền ra quyết định về những vấn đề thuộc quyền hạn của mình trong khi người cho phép vẫn đứng ra chịu trách nhiệm về các quyết định đó.
* Uỷ quyền là cần thiết bởi vì:
- Nhà quản trị cấp trên giải phóng bớt công việc cụ thể để tập trung vào những vấn đề quan trọng và có ảnh hưởng đến cả tổ chức.
- Tạo môi trường rèn luyện cấp dưới để từ đó chọn lựa, đề bạt vào các vị trí cần thiết.
- Khuyến khích cấp dưới tích cực làm việc hơn, tránh tình trạng trông chờ ỷ lại.
* Khi thực hiện uỷ quyền cần lưu ý 4 vấn đề sau đây:
- Cấp trên chỉ có thể uỷ quyền cho cấp dưới khi có thực quyền đó.
- Không thể giao phó toàn bộ quyền hạn của mình cho cấp dưới.
- Có thể thu hồi sự uỷ quyền khi xét thấy cần thiết.
- Sự uỷ quyền không bao gồm giao phó trách nhiệm.
Nguyên tắc uỷ quyền
- Nguyên tắc giao quyền theo kết quả mong muốn
- Nguyên tắc xác định theo chức năng
- Nguyên tắc bậc thang
- Nguyên tắc quyền hạn theo cấp bậc
- Nguyên tắc thống nhất trong mệnh lệnh
- Nguyên tắc về tính tuyệt đối trong trách nhiệm
Quy trình của sự uỷ quyền
Bước 1: Chỉ định nhiệm vụ
Đó là những phận sự và hoạt động mà một người cấp trên muốn người khác làm cho mình. Ví dụ người chỉ huy muốn có một bức thư đánh máy nên giao nhiệm vụ đó cho thư kí.
Bước 2: Sự uỷ quyền
Đó là sự chuyển giao quyền hành chính thức để một người hành động thay cho người khác.
Bước 3: Sự quy định trách nhiệm
Khi đã giao quyền hạn thì phải quy định trách nhiệm.
Có quyền hạn mà không có trách nhiệm thì dễ sinh ra lạm quyền và tất nhiên sẽ không ai chịu trách nhiệm về những cái mà không ai có quyền hành về chúng.
Tuy nhiên nên nhớ một điều rằng người uỷ quyền luôn luôn có trách nhiệm với hành động của người được uỷ quyền.
Bước 4: Theo dõi
Người quản lí phải tổ chức nghe báo cáo nắm được tiến trình công việc uỷ quyền để kịp thời sửa sai nhằm giúp người được uỷ quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Lý thuyết hành vi lãnh đạo
Quan niệm về lãnh đạo theo thuyết X và thuyết Y
Các giả thuyết của thuyết X
- Một người bình thường có mối ác cảm với công việc thì sẽ lãng tránh nó nếu có thể được.
- Vì đặc điểm không thích làm việc của con người, nên mọi người đều phải bị ép buộc, điều khiển, hướng dẫn và đe dọa bằng các hình phạt để buộc họ phải hết sức cố gắng để đạt được những mục tiêu của tổ chức.
- Người bình thường bao giờ cũng muốn bị lãnh đạo, muốn trốn tránh trách nhiệm, có ít hoài bão và chỉ muốn an thân.
Do vậy, để buộc mọi người làm việc, nhà quản trị phải ép buộc, điều khiển họ hoặc thậm chí đe dọa họ bằng các hình phạt. Nói cách khác, quan điểm của nhà quản trị theo thuyết X là: Quản trị là chịu trách nhiệm cho việc tổ chức các yếu tố trong sản xuất, quản trị tài chính, nguyên vật liệu, thiết bị và con người trong phạm vi hạn hẹp của điều kiện kinh tế sẵn có.
Các giả thuyết của thuyết Y
- Việc trả công cho những cố gắng về vật chất và tinh thần trong công việc cũng tự nhiên như hoạt động và nghỉ ngơi vậy.
- Điều khiển từ bên ngoài hoặc đe dọa bằng hình phạt không phải là cách duy nhất buộc con người phải cố gắng để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Con người sẽ tự chủ và tự lãnh đạo bản thân để đạt được những mục tiêu của tổ chức mà họ được giao phó.
- Các phần thưởng liên quan đến những kết quả công việc của nhân viên đóng vai trò quan trọng trong việc giao phó trách nhiệm thực hiện mục tiêu.
- Trong điều kiện thích hợp, người bình thường không chỉ chịu trách nhiệm mà còn biết cách chấp nhận trách nhiệm về phần mình.
- Không ít người có khả năng phát huy khá tốt trí tưởng tượng, tài năng và sức sáng tạo. Trong điều kiện công nghiệp hiện đại, chỉ có một phần trí thức của con người bình thường được sử dụng.
Từ các giả thuyết này, hành vi của các nhà quản trị là:
- Nhà quản trị phải chịu trách nhiệm cho việc sắp xếp các yếu tố tài chính, nguyên vật liệu, trang thiết bị, con người trong doanh nghiệp.
- Nhân viên sẽ không bị thụ động hay đi ngược với các yêu cầu của tổ chức. Họ trở nên có nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác tại tổ chức của mình.
- Động lực và tiềm năng cho sự phát triển năng lực để hứng chịu trách nhiệm, sẵn sàng điều khiển hành vi của mình theo hướng có lợi cho tổ chức. Nhưng nhà quản trị không áp đặt tất cả những điều đó với nhân viên, trách nhiệm của nhà quản trị là phát hiện và hướng dẫn mọi người theo hướng mình cần.
- Nhiệm vụ thiết yếu của nhà quản trị là sắp xếp các phương thức và điều kiện trong việc điều hành mọi người đạt được mục tiêu một cách tốt nhất.
Các hành vi lãnh đạo
Lãnh đạo độc tài
Lãnh đạo độc tài hay còn gọi là “chuyên quyền độc đoán” là kiểu lãnh đạo có khuynh hướng tập trung quyền lực, công bố phương pháp làm việc, ra quyết định đơn phương và hạn chế sự tham gia của các nhân viên.
Lãnh đạo chuyên quyền là người ra lệnh và chờ đợi sự phục tùng, là người quyết đoán và tích cực, là người có khả năng dứt khoát.
Lãnh đạo dân chủ
Lãnh đạo dân chủ hay còn gọi là lãnh đạo “có sự tham gia” là kiểu lãnh đạo có khuynh hướng đòi hỏi có sự tham gia của nhân viên và khuyến khích sự tham gia của họ. Trước khi ra quyết định người lãnh đạo thường tìm đến sự đồng tình của cấp dưới.
Lãnh đạo dân chủ nhân viên có thể hoàn thành công việc không cần sự kiểm tra chặt chẽ. Và tạo ra được sự đoàn kết, hoà thuận. Trình độ của nhân viên được nâng cao.
Lãnh đạo tự ý
Lãnh đạo tự ý hay còn gọi là lãnh đạo “thả dây cương” là kiểu lãnh đạo dành cho cấp dưới mức độ độc lập cao trong việc ra quyết định và hoàn thành công việc theo cách thức họ thấy thích hợp. Nhà lãnh đạo không can thiệp mà cung cấp cho họ những thông tin cần thiết.
Ô bàn cờ quản lý ( lưới quản trị của Robert Blake và Jean Mouton)
Trong ô bàn cờ quản trị có 4 phong cách cực đoan:
- Phong cách 1.1: được coi là quản lý suy giảm (quản trị nghèo nàn): các nhà quản lý quan tâm rất ít đến sản xuất và con người, họ bỏ mặt công việc của họ và chỉ dậm chân tại chỗ, họ hành động như người đưa tin từ cấp trên xuống cấp dưới.
- Phong cách 9.9: được coi là quản trị nhóm: là những người thể hiện trong các hành động của họ sự hiến dâng cao nhất cho con người lẫn trong sản xuất. Họ là các nhà quản lý đồng đội thật sự, có khả năng khép nối các nhu cầu sản xuất của một cơ sở với các nhu cầu cá nhân.
- Phong cách 1.9: được coi là quản trị câu lạc bộ: trong đó nhà quản lý rất ít hoặc không quan tâm gì đến sản xuất mà chỉ quan tâm đến con người, họ quan tâm sâu sắc tới các nhu cầu của con người dẫn đến bầu không khí tổ chức thân ái và thuận lợi tạo ra sự nhịp nhàng trong công việc.
- Phong cách 9.1: được coi là quản trị phần việc: là người chỉ quan tâm đến việc triển khai một quyết định có hiệu quả, họ rất ít hoặc không quan tâm đến con người và họ hoàn toàn chuyên quyền trong phong cách lãnh đạo của họ.
- Ngoài ra còn có một phong cách trung gian 5.5: người cán bộ quan tâm vừa phải đối với sản xuất và với con người. Họ nhận thức được mức độ quan tâm tới tinh thần con người và sản xuất thích hợp nhưng không nổi bật.
Lí thuyết lãnh đạo uy tín
Các đặc điểm cơ bản của lãnh đạo uy tín:
1 | Tự tin: Nhà lãnh đạo uy tín hoàn toàn tự tin vào sự đánh giá và khả năng của họ. |
2 | Tầm nhìn: Họ có một mục tiêu lí tưởng là đề ra mục đích cho tương lai tốt hơn hiện tại. Sự khác biệt giữa mục tiêu lí tưởng với tình hình hiện tại càng nhiều, cấp dưới sẽ nhìn nhận nhà lãnh đạo có tầm nhìn phi thường. |
3 | Khả năng tuyên bố tầm nhìn: Họ có khả năng gạn lọc và tuyên bố tầm nhìn theo cách dễ hiểu cho người khác. Khả năng tuyên bố rõ ràng này thể hịên việc am hiểu sâu sắc mong muốn của cấp dưới và vì vậy, hành động như tác nhân động viên. |
4 | Sự thuyết phục mạnh mẽ về tầm nhìn: Nhà lãnh đạo uy tín được nhìn nhận là cam kết cao và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, gánh chịu chi phí cao và chấp nhận sự hy sinh để đạt được tầm nhìn, viễn cảnh của họ. |
5 | Hành vi khác thường: Hành vi khác thường của nhà lãnh đạo uy tín được xem như là mới lạ, khác thường, và đối ngược với thông thường. Khi thành công, những hành vi này gợi lên sự ngạc nhiên và khâm phục của cấp dưới. |
6 | Thể hiện như là tác nhân của sự thay đổi: Nhà lãnh đạo uy tín được nhìn nhận như là tác nhân của những thay đổi triệt để hơn là những người giữ nguyên hiện trạng. |
7 | Nhạy cảm với môi trường: Họ có khả năng đánh giá lực và thế về điều kiện môi trường và nguồn lực cần thiết cho sự thay đổi. |
Lãnh đạo nhìn xa trông rộng
Lãnh đạo nhìn xa trông rộng là khả năng tạo ra và truyền tải, tuyên bố một viễn cảnh thực tế, đáng tin và hấp dẫn về tương lai cho một tổ chức sẽ phát triển vượt lên, cải thiện được tình hình hiện tại.
Viễn cảnh nếu được lựa chọn và thực hiện một cách đúng đắn sẽ tiếp sinh lực để đi đến tương lai bằng cách phát huy hết kỹ năng, tài năng và nguồn lực.
Khi được truyền thông một cách đúng đắn, viễn cảnh có thể tạo ra sự hăng hái nhiệt tình. Con người trong tổ chức cũng phải tin rằng là có thể đạt được, thậm chí viễn cảnh nên được nhìn nhận là thách thức.
Những khả năng nào mà nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng biểu lộ?
- Thứ nhất, khả năng giải thích viễn cảnh cho người khác.
- Thứ hai, khả năng truyền thông viễn cảnh không chỉ bằng lời mà bằng hành vi của nhà lãnh đạo.
- Thứ ba, khả năng mở rộng viễn cảnh sang một nội dung lãnh đạo khác, tạo ra một chuỗi các hoạt động để viễn cảnh có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau.
Những nhân tố ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên.
Những lời khuyên cho người lãnh đạo. Quy trình của sự uỷ quyền.
Quan niệm về lãnh đạo theo thuyết X và thuyết Y.
Quan niệm lãnh đạo theo ô bàn cờ quản lý
Lí thuyết lãnh đạo uy tín.