28/02/2018, 13:54

Con người đã thuần hóa loài mèo như thế nào?

Những mảnh ghép của lịch sử đã ít nhiều hé lộ bằng chứng đầu tiên về cách thức con người thuần hóa loài mèo trở thành vật nuôi có ích. Trong một thời gian dài, các nhà khảo cổ đã tìm kiếm bằng chứng đầu tiên của mối quan hệ giữa con người và mèo. Họ đã tìm thấy một loài mèo rừng được chôn ...

Những mảnh ghép của lịch sử đã ít nhiều hé lộ bằng chứng đầu tiên về cách thức con người thuần hóa loài mèo trở thành vật nuôi có ích.

Trong một thời gian dài, các nhà khảo cổ đã tìm kiếm bằng chứng đầu tiên của mối quan hệ giữa con người và mèo.

Họ đã tìm thấy một loài mèo rừng được chôn gần một người trên đảo Síp từ cách đây khoảng 9.500 năm, một bằng chứng chứng minh sự gần gũi trong mối quan hệ giữa mèo và người.

Và từ thời Ai Cập cổ đại, có những bức tranh - khoảng 4.000 năm tuổi - miêu tả con mèo, thường ngồi cạnh ghế của một người phụ nữ.

Gần đây, bằng chứng khảo cổ học mới về mối quan hệ giữa người và mèo đã được tìm thấy ở Trung Quốc.

Những bằng chứng này được công bố vào hôm thứ hai trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học dưới dạng các tài liệu, bao gồm một chuỗi các giả thuyết về mối quan hệ giữa con người và mèo.

Câu chuyện bắt đầu từ nền nông nghiệp. Khoảng 5.560 - 5.280 năm trước ở khu vực Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc, con người đã trải qua một cuộc cách mạng nông nghiệp.

"Sự bùng nổ này là sớm, nhưng nó không phải là sớm nhất ở Trung Quốc", Fiona B.Marshall thuộc Đại học Washington, đã nói với The Atlantic . "Đó là nhờ kết quả thực sự thành công của ngành chăn nuôi".

Tại đây, họ sống trong những ngôi làng nhỏ, với những cụm nhà ở, nghĩa trang và các khu vực công cộng. Họ nuôi lợn, chó và trồng cây, chủ yếu là kê cùng một ít lúa gạo cái mà được cất giữ trong những bình gốm.

Mèo là loài vật nuôi gần gũi được con người thuần hóa cách đây hàng nghìn năm.
Mèo là loài vật nuôi gần gũi được con người thuần hóa cách đây hàng nghìn năm. (Ảnh Matt Cardy/Getty Images).

Khi đó, những người nông dân đã gặp một chút vấn đề: Động vật gặm nhấm. Các nhà khảo cổ ở làng Quanhucun đã tìm thấy một hang động vật gặm nhấm cổ đại dẫn đến một hố lưu trữ hạt cổ đại.

Các bình lưu trữ được tìm thấy ở các góc làng có đặc trưng là bề mặt nhẵn, các yếu tố này dường như được thiết kế để bảo vệ sự tấn công của loài zokors (loài gặm nhấm giống chuột chũi).

Nhiều bằng chứng về xương động vật gặm nhấm được tìm thấy chứng tỏ chúng tiêu thụ khá nhiều kê. "Rõ ràng là những động vật gặm nhấm đã ăn ngũ cốc của nông dân", Marshall nói.

Cuối cùng những người nông dân cũng tìm được sự giúp đỡ trong cuộc chiến của họ chống lại các động vật gặm nhấm: Đó là mèo.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tám xương mèo trong những cái hố. Khi họ nhìn vào đồng vị trong xương, họ có thể phát hiện dấu vết thức ăn mà những con mèo đã ăn, và bạn có thể không biết rằng những con mèo đã ăn những con vật, loài mà đã ăn không ít thóc lúa của con người.

Marshall giải thích rằng: "Các loại cây có nhiều cách quang hợp đường khác nhau ở những nơi khác nhau. Nếu đó là nơi nóng hơn hoặc gần hơn với các vùng nhiệt đới, chúng sẽ tổng hợp được nhiều đường C4, trong khi đó nếu ở nơi mát hơn, chúng có nhiều khả năng tổng hợp đường C3. Quanhucun là một vùng mát mẻ nên thảm thực vật sẽ tổng hợp được nhiều đường C3. Những con hươu rõ ràng đang ăn cây chứa C3. Nhưng con người, lợn và chó đã ăn tất cả ăn thực vật C4 và C4 thường có trong kê, cái được trồng và đưa vào khu vực đó. Vì vậy, nó đã tạo nên một dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết".

Các động vật gặm nhấm và những con mèo tất cả đều có dấu hiệu của đường C4. Điều này cho thấy một chuỗi liên kết từ trồng trọt của con người, đến động vật gặm nhấm và mèo.

Không mất nhiều thời gian để nông dân nhận ra các lợi ích của việc nuôi mèo và nhân giống chúng, "Bằng cách không giết chết chúng, thậm chí còn giúp chúng theo những cách khác nhau – cung cấp chỗ ở ấm áp và thực phẩm", Marshall nói.

Mặc dù, không có nhiều bằng chứng cho thấy quá trình này song có một đầu mối về một trong những mẩu xương răng có vẻ như là từ một con mèo già, cho thấy "ít nhất nó đã sống rất tốt trong môi trường đó".

Marshall cho biết bằng chứng này là "phát hiện chấn động" bởi vì các nhà khoa học chưa từng thấy tài liệu cũ nào chỉ ra cách mèo hoang trở thành vật nuôi.

"Thật khó để tìm ra bằng chứng khảo cổ chính xác chứng minh quá trình thuần hóa này", cô nói.

"Thông thường chúng ta có thể tìm ra thời gian hoặc địa điểm. Có thể suy đoán rằng hành vi của loài mèo hiện đại từng sớm thu hút người nông dân, nhưng nó thực sự không chắc chắn. Tuy nhiên, điều này cho chúng ta thấy là, từng có thức ăn cho mèo trong làng nuôi cổ đại, và chúng đã giúp lại người nông dân, bằng cách ăn động vật gặm nhấm, từ đó tạo thành một một mối quan hệ tương hỗ".

Một chú mèo con bị bệnh được nâng niu bởi một tình nguyện viên.
Một chú mèo con bị bệnh được nâng niu bởi một tình nguyện viên. (Ảnh Matt Cardy/Getty Images).

Marshall giải thích, rất khó để tìm bằng chứng khảo cổ, một phần vì con người không có xu hướng ăn thịt mèo.

"Hầu hết những gì chúng tôi khai quật được từ các ngôi nhà và làng cổ đều không có nhiều dấu hiệu của mèo", cô nói.

Hơn nữa, đó là một bất ngờ từ xương mèo ở Trung Quốc, so với hầu hết các bằng chứng hiện có về mèo được tìm thấy ở Ai Cập và xung quanh phía đông Địa Trung Hải.

Hơn nữa, di truyền học hiện đại đã cho thấy mèo nhà ngày nay có nhiều điểm tương đồng với mèo rừng Trung Đông hơn bất kỳ nơi nào khác.

Nghiên cứu vẫn đang được thực hiện trên DNA của xương mèo Thiểm Tây để xác định xem có bất kỳ mối quan hệ nào không.

Chẳng hạn như thông qua một tuyến đường thương mại xuyên Á, giữa những con mèo cổ đại và những con vật cưng phổ biến ngày nay.

Cho dù chúng có liên quan hay không, Marshall đồng ý rằng toàn bộ chuỗi các sự kiện, từ nông nghiệp đến các loài gặm nhấm tới mèo nuôi, có thể là tự phát, do nó tự bắt đầu xảy ra tại nhiều nơi, nhiều điểm trong cùng một thời gian, bất cứ nơi nào có cả nông nghiệp và mèo rừng. "Nó có thể xảy ra theo cách này, ở khắp mọi nơi", cô nói.

Mèo thuần là một chất xúc tác để phát triển nông nghiệp, mèo nhà trở thành thú cưng gần đây hơn so với những con chó thuần, loài đã xuất hiện từ thời săn săn bắn hái lượm, rất lâu trước khi nông nghiệp được khai phá.

Sói hoang đã bị thu hút bởi thịt động vật mà con người săn bắn được, và sau đó, "con người thấy chúng hữu ích cho việc báo động hoặc để giúp đỡ trong săn bắn". Điều này có thể đã xảy ra cách đây khoảng 10.000, thậm chí 20.000 năm trước đây, Marshall nói.

Chú mèo con được một tình nguyện viên cho bú bình.
Chú mèo con được một tình nguyện viên cho bú bình. (Ảnh Matt Cardy/Getty Images).

Nhưng, cũng giống như mèo, quá trình này được các nhà khoa học gọi là "commensal" con đường thuần hóa. Không giống như bò hay cừu, những loài được con người thuần hóa từ động vật hoang dã mà con người săn bắn; chó và mèo đi vào một mối quan hệ cùng có lợi với con người thông qua thực phẩm.

Quá trình này không hoàn toàn là cố ý, con người không đặt ra mục tiêu cố gắng để thuần hóa một con mèo hay một con chó và làm cho nó thành một con vật cưng, nhưng như một phản ứng dây chuyền qua nhiều giai đoạn và kết quả là chúng trở thành vật nuôi của chúng ta ngày nay.

Marshall nói rằng theo quan niệm hiện đại thì thuần hóa là một quá trình phức tạp và khó phân biệt rõ ràng giữa thuần và hoang dã. "Ý tưởng về thuần hầu như không được chấp nhận ở thế kỷ 19", cô nói.

"Vào thời điểm đó, Darwin đã suy nghĩ rất nhiều về ngành chăn nuôi: Bạn có một con đực, bạn có một con cái, bạn chăn nuôi thâm canh, và bạn thay đổi các động vật một cách cố ý".

Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra với những con mèo cũng như chó. Có phản ứng động vật sang người, và phản ứng của con người với động vật. Có một mối quan hệ, tập trung vào thực phẩm, trong đó cả hai loài - con người và mèo - phản ứng và thích ứng theo thời gian.

Một kết quả tất yếu đó là "con người đang thay đổi mọi thứ", Marshall nói, "nhưng một số trong đó là cố ý và một số khác thì không".

0