28/02/2018, 14:00

Con người có thể chạy thoát siêu núi lửa chỉ bằng ôtô

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra nếu siêu núi lửa bất ngờ phun trào, con người hoàn toàn có khả năng chạy thoát bằng cách sử dụng ôtô. Trong nghiên cứu công bố hôm 7/3 trên tạp chí Nature Communication, các nhà nghiên cứu Mỹ kết luận những người sống gần siêu núi lửa chỉ cần vài ...

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra nếu siêu núi lửa bất ngờ phun trào, con người hoàn toàn có khả năng chạy thoát bằng cách sử dụng ôtô.

Trong nghiên cứu công bố hôm 7/3 trên tạp chí Nature Communication, các nhà nghiên cứu Mỹ kết luận những người sống gần siêu núi lửa chỉ cần vài giờ để sơ tán trước thời điểm phun trào. Theo Live Science, bằng cách phân tích những mẫu đá tàn tích của một vụ phun trào núi lửa, các nhà khoa học phát hiện dung nham di chuyển trên đường phố ở tốc độ 16 - 72km/h. Con người khó đạt tốc độ này khi chạy bộ, nhưng nếu dùng xe ôtô thì hoàn toàn có thể.

"Tôi không khuyến khích bất kỳ ai thử chạy đua với núi lửa đang phun trào, tuy nhiên, một vài người trong chúng ta có khả năng đó", Greg Valentine, nhà nghiên cứu núi lửa đến từ Đại học New York ở Buffalo, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Dung nham phun trào từ miệng một ngọn núi lửa ở Iceland.
Dung nham phun trào từ miệng một ngọn núi lửa ở Iceland. (Ảnh: Caters News).

Cách an toàn nhất để đối phó với bất kỳ vụ phun trào núi lửa nào là đi xa nhất có thể. Khoảng cách xa giúp con người tránh khỏi những dòng dung nham, khối đá và luồng khí cực nóng tuôn ra ồ ạt với tốc độ lên tới 480km/h. Đá và khí nóng phun ở tốc độ cao tạo thành dòng chảy của những khoáng chất đổi màu (pyroclastic flows), thủ phạm đích thực cướp đi nhiều sinh mạng thay vì dung nham.

Một luồng pyroclastic flow từ núi lửa Vesuvius từng chôn vùi chìm thị trấn La Mã Pompeii vào năm 79. Năm 1902, trong một vụ phun trào của núi lửa Pelée trên đảo Martinique, chính pyroclastic flow đã gây ra cái chết của 29.000 người.

Cách đây 18,8 triệu năm, một siêu núi lửa phun trào ở Arizona, Mỹ, kéo theo tro núi lửa trải rộng hơn 160km. Lớp đá tạo thành từ tro núi lửa dày hơn 140m ở những nơi gần miệng núi và dày 3 m ở nơi xa nhất, được gọi là lớp đá núi lửa Peach Springs. Các nhà nghiên cứu lấy mẫu đá ở phần dưới Peach Rings và so sánh chúng với mẫu đá bên trong núi lửa. Họ nhận thấy khoảng cách chúng bị cuốn đi không nhiều hơn chiều dài một sân bóng.

Kích thước và vị trí của những mẫu đá giúp các nhà nghiên cứu xây dựng mô hình giải thích tốc độ và độ dày của tro núi lửa. Theo nhóm nghiên cứu, luồng pyroclastic flow phải dày và di chuyển ở tốc độ chậm để có thể cuốn theo những tảng đá. Một luồng pyroclastic mỏng phải đạt tốc độ 2.340km/h mới đủ khả năng thực hiện điều này.

"Thật là thú vị khi phát hiện một vụ phun trào núi lửa khủng khiếp như vậy lại sinh ra những dòng di chuyển chậm", Valentine nói. "Chúng chậm, đặc và nặng nhưng vẫn đủ sức tàn phá một khu vực rộng lớn".

0