Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cái chết của Vũ Nương là do Trương Sinh cả ghen. Ý kiến khác lại khẳng định, đó là do chiến tranh phong kiến… Suy nghĩ của em về nguyên nhân cái chết của Vũ Nương?
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cái chết của Vũ Nương là do Trương Sinh cả ghen. Ý kiến khác lại khẳng định, đó là do chiến tranh phong kiến… Suy nghĩ của em về nguyên nhân cái chết của Vũ Nương? A. TÌM HIỂU ĐỀ – Kiểu bài: Nghị luận văn học. – ...
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cái chết của Vũ Nương là do Trương Sinh cả ghen. Ý kiến khác lại khẳng định, đó là do chiến tranh phong kiến… Suy nghĩ của em về nguyên nhân cái chết của Vũ Nương?
A. TÌM HIỂU ĐỀ
– Kiểu bài: Nghị luận văn học.
– Yêu cầu: Em phải nắm vững nội dung, giá trị của tác phẩm, vận dụng những hiểu biết đó để lí giải nguyên nhân cái chết của Vũ Nương một cách thoả đáng. Trong quá trình bộc lộ suy nghĩ, cách lí giải của mình phải kết hợp bình luận, đối chiếu với hai cách lí giải đã nêu ở đầu bài.
B. DÀN Ý
I. Mở bài
– Vũ Nương, nhân vật chính trong Chuyện người con gái Nam Xương là một người phụ nữ nhan sắc, đức hạnh nhưng cuộc đời lại chịu nhiều nỗi oan khiên, ngang trái.
– Xung quanh nguyên nhân cái chết của Vũ Nương có khá nhiều ý kiến không thống nhất. Bài viết muốn nêu lên suy nghĩ của riêng em về nguyên nhân cái chết oan khuất của người phụ nữ này.
II. Thân bài
1. Tóm lược những sự kiện chính của truyện; phân tích, khái quát những nét chính về nhân vật Vũ Nương:
a. Ngoại hình: dung nhan xinh đẹp.
b. Tính cách, phẩm chất:
– Nết na, thuỳ mị: nói năng nhỏ nhẹ, giữ gìn khuôn phép, lễ giáo, được mọi người yêu mến.
– Đảm đang tháo vát, hiếu thảo, nhân hậu: một mình nuôi con; thương yêu, phụng dưỡng mẹ chồng, ma chay chu tất, trọn đạo hiếu.
– Thuỷ chung son sắt: thương chồng thương con, giữ trọn phẩm tiết, một lòng chung thuỷ chờ chồng.
– Trong sáng, ngay thẳng: bị oan khuất, tự vẫn để giải oan…
c. Một người phụ nữ xinh đẹp, phẩm hạnh như vậy lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc nhưng lại có một kết cục bi thảm. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Vũ Nương?
2. Nguyên nhân cái chết của Vũ Nương:
a. Xung quanh cái chết của Vũ Nương có rất nhiều cách lí giải khác nhau. Hai ý kiến, một khẳng định do Trương Sinh cả ghen, một cho rằng do chiến tranh phong kiến đều có cơ sở. Tuy nhiên, mỗi ý kiến mới chỉ đúng ở một khía cạnh.
b. Trương Sinh cả ghen là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Vũ Nương: nếu Trương Sinh biết kìm chế nóng giận, sáng suốt suy xét, tin ở vợ chứ không tin vào sự ngây thơ của con trẻ… kết cục sẽ khác.
c. Chiến tranh phong kiến là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Có người nói, Vũ Nương chết khi Trương Sinh đã trởvề, như vậy không thể nói là Vũ Nương chết do chiến tranh được. Hiểu như vậy là tách rời cái chết của Vũ Nương ra khỏi toàn bộ diễn biến câu chuyện. Chính Trương Sinh phải đi lính xa nhà nên mới xảy ra sự hiểu lầm đáng tiếc.
d. Ngoài ra, do con thơ vô tình hại mẹ, do Vũ Nương yếu đuối, do lễ giáo phong kiến khắt khe… cũng góp phần đẩy Vũ Nương đến cái chết. Song, bao trùm và sâu xa hơn cả, đó là do chế độ xã hội phong kiến đã không bảo đảm được quyền sống, quyền hạnh phúc cho người phụ nữ. số phận họ mỏng manh; tai hoạ, oan khiến có thể giáng lên đầu họ bất cứ lúc nào vì những lí do không đâu mà không được bất kì sự bảo vệ nào. Chi tiết "cái bóng" rất ngẫu nhiên, phi lí nhưng chính cái ngẫu nhiên phi lí đó lại đã quyết định số phận một con người. Như vậy, bi kịch của Vũ Nương đã vượt ra khỏi giới hạn bi kịch của một gia đình. Đó là bi kịch số phận của một lớp người trong xã hội. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện cũng vì thế mà cỏ tầm khái quát cao hơn.
III. Kết bài
– Cái chết của Vũ Nương gieo vào lòng người đọc nỗi thương xót những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ.
– Trong xã hội ta ngày nay, tuy phụ nữ được pháp luật bảo vệ, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, nhưng vẫn là giới chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Đó đây vẫn còn cảnh những người vợ bị chồng tra tấn, đánh đập tàn nhẫn; những cô gái bị mua bán, dụ dỗvào con đường làm ăn bất lương; những phụ nữ bị coi thường, rẻ rúng vì tư tưởng trọng nam khinh nữ… Bởi vậy, đấu tranh vì sự bình đẳng nam nữ, sự phát triển của phụ nữ vẫn là cuộc cách mạng lớn của hôm nay. Yêu thương và giúp đỡ những phụ nữ bất hạnh là lương tâm, trách nhiệm của tất cà chúng ta.