CNTT Việt Nam: Nhiều chỉ số tụt hạng
Sáng 11/7, báo cáo “Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2006” đã chính thức được giới thiệu tại hội thảo khai mạc Vietnam ComputerElectronics World Expo 2006. Điểm đáng lưu ý nhất của bản báo cáo này, là hầu hết các chỉ số CNTT của Việt Nam đều bị tụt hạng so với năm trước. Như vậy, vị trí của Việt ...
Sáng 11/7, báo cáo “Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2006” đã chính thức được giới thiệu tại hội thảo khai mạc Vietnam ComputerElectronics World Expo 2006. Điểm đáng lưu ý nhất của bản báo cáo này, là hầu hết các chỉ số CNTT của Việt Nam đều bị tụt hạng so với năm trước. Như vậy, vị trí của Việt Nam trên bản đồ CNTT toàn cầu không hề được cải thiện, mặc dù chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT đã có rất nhiều nỗ lực.
Mức độ sẵn sàng sụt giảm
Đứng đầu mức độ sụt giảm năm qua là chỉ số sẵn sàng kết nối tụt tới 7 bậc. Đây là một chỉ số thể hiện mức độ chuẩn bị của một nước hay cộng đồng để tham gia và hưởng lợi từ các phát triển của CNTT, dựa trên 3 yếu tố: môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho CNTT, sự sẵn sàng của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ cho việc sử dụng và thụ hưởng CNTT và mức độ sử dụng CNTT. Trong công bố của WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới), chỉ số sẵn sàng kết nối của Việt Nam năm 2006 đứng vị trí 75/115 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Năm 2005, Việt Nam đứng ở vị trí 68/104.
Tụt hạng 5 bậc là chỉ số sẵn sàng cho nền kinh tế điện tử (E-readiness). Được đánh giá dựa trên những tiêu chí như:cơ sở hạ tầng về công nghệ, môi trường kinh doanh, sự chấp nhận TMĐT của doanh nghiệp và cá nhân, môi trường chính sách pháp luật…, mặc dù năm nay, chỉ số E-readiness của Việt Nam tăng điểm (3,12 điểm so với 3,06 điểm của năm 2005), nhưng vị trí xếp hạng lại giảm tới 5 bậc từ 61/65 năm 2005 xuống 66/68.
Một chỉ số nữa cũng bị tụt hạng trong báo cáo năm nay là chỉ số Xã hội thông tin tụt 1 bậc so với năm trước và đã ở vị trí cuối bảng. Trong khi Singapore có một bước nhảy ngoạn mục từ vị trí thứ 13 trong lên vị trí thứ 3 thì Việt Nam lại tiếp tục mất điểm ở tất cả các tiêu chí như: hạ tầng máy tính, hạ tầng Internet, hạ tầng viễn thông và hạ tầng xã hội.
Vi phạm bản quyền phần mềm: vẫn đứng đầu danh sách
Theo báo cáo được công bố mới đây nhất (tháng 5/2006) về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm toàn cầu năm 2005, tỷ lệ vi phạm của Việt Nam là 90%. Dù giảm 2% so với năm 2004, nhưng VN vẫn là nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu so với con số của báo cáo trước, thì cả tỉ lệ (từ 92% xuống 90%) lẫn giá trị vi phạm đều giảm xuống, thể hiện những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nếu tính trên phạm vi đầu người, thì mức trung bình châu Á cao hơn Việt Nam 4 lần và mức trung bình thế giới cao hơn Việt Nam 10 lần. Năm 2005, mức vi phạm trên đầu người của Việt Nam là 0,5 USD/người, trong khi châu Á là 2 USD/người và 5 USD/người.
Do quy mô thị trường phần mềm của Việt Nam còn khá nhỏ bé, nên dù đứng ở vị trí đầu về tỷ lệ vi phạm, nhưng giá trị vi phạm năm 2005 mới khoảng 38 triệu USD, trong khi Mỹ có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm thấp nhất (21%) nhưng giá trị vi phạm lên tới con số khổng lồ 6,9 tỷ USD.