Chuyện lạ của vùng đất không được quốc gia nào đón nhận
Đối với một quốc gia, lãnh thổ là nguồn tài nguyên bất khả xâm phạm và đây là lý do cho rất nhiều cuộc tranh chấp giữa các nước về vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, có một vùng đất mà cả 2 nước xung quanh nó đều không muốn nhận chủ quyền. Vậy đâu là nguyên nhân khiến vùng đất này bị hắt hủi như vậy? ...
Đối với một quốc gia, lãnh thổ là nguồn tài nguyên bất khả xâm phạm và đây là lý do cho rất nhiều cuộc tranh chấp giữa các nước về vấn đề chủ quyền. Tuy nhiên, có một vùng đất mà cả 2 nước xung quanh nó đều không muốn nhận chủ quyền. Vậy đâu là nguyên nhân khiến vùng đất này bị hắt hủi như vậy?
Tại biên giới Ai Cập và Sudan, vùng đất Bir Tawil là một nơi khá nổi tiếng với biệt danh "Terra Nullius", hay theo tiếng Latinh nghĩa là "vùng đất không của ai cả". Nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ vị trí địa lý của Bir Tawil và khu vực Hala’ib gần đó.
Trong khi Bir Tawl là vùng đất rộng 2.060km2 khô cằn không có bất kỳ ưu thế gì về tài nguyên cũng như lợi ích thì vùng Hala’ib rộng gấp 10 lần gần đó lại khá trù phú do giáp biển cũng như chiếm vị trí thuận lợi cho giao thương.
Đây là lý do khiến chính phủ các nước thà bỏ Bir Tawil còn hơn để mất Hala’ib, qua đó dẫn đến tình huống trớ trêu dưới đây.
Ranh giới năm 1899 và 1902 giữa Ai Cập và Sudan.
Quay ngược về năm 1899 khi chính phủ Anh còn đô hộ vùng đất này, thỏa thuận "Anglo Egyptian Condominium Agreement" xác định biên giới Ai Cập và Sudan ở vĩ tuyến 22, qua đó vùng Bir Tawil sẽ thuộc về Sudan trong khi Ai Cập kiểm soát Hala’ib.
Tuy nhiên, Bir Tawil lại từng là vùng đất linh thiêng của bộ tộc Ababda của Ai Cập, trong khi những dân tộc sống ở Hala’ib lại có văn hóa tôn giáo gần giống bộ tộc Khartoum của Sudan. Bởi vậy để tiện quản lý, chính phủ Anh đã vẽ lại biên giới vào năm 1902, qua đó đưa Bir Tawil về cho Ai Cập còn Hala’ib về cho Sudan.
Khi Sudan độc lập vào năm 1956, chính phủ nước này muốn tuân theo bản đồ biên giới năm 1902 nhằm kiểm soát vùng Hala’ib màu mỡ, trong khi Ai Cập lại muốn tuân theo bản đồ năm 1899 để giành lợi ích. Hậu quả là vùng Bir Tawil trở thành nơi không ai thừa nhận chủ quyền.
Cuộc chiến của những du khách
Do không được chính phủ 2 nước quan tâm cũng như thừa nhận, vùng đất Bir Tawil trở nên hoang vu với và và núi. Khu vực này chỉ có vài nhóm thăm dò khai thác vàng, một ít lính canh phòng của 2 nước nhằm duy trì trật tự và những đoàn xe du lịch cho các du khách hiếu kỳ.
Đến năm 2011, một du khách tên Jack Shenker đến khu vực này cắm cờ do chính anh ta thiết kế để tuyên bố chủ quyền, tạo nên một câu chuyện cười cho thế giới.
Ông Jeremiah Heaton tuyên bố chủ quyền tại Bir Tawil.
Anh Suyash Dixit cũng tuyên bố chủ quyền tại đây.
Ông Dmitry Zhikharev cho xem hộ chiếu của Vương quốc Mediae Terrae.
Năm 2014, du khách Mỹ Jeremiah Heaton cũng đến đây cắm cờ tuyên bố chủ quyền, tạo nên "Vương quốc Bắc Sudan" và phong cho con gái anh ta là công chúa. Năm 2017, một du khách khác là Suyash Dixit cũng cắm cờ tuyên bố chủ quyền cho vùng đất này, tạo nên cái gọi là "Vương quốc Dixit".
Cũng vào năm 2017, một người Nga tên Dmitry Zhikharev tuyên bố ông mới là chủ nhân thực sự của Bir Tawil với tên gọi "Vương quốc Mediae Terrae". Ông Zhikharev cho biết mình đã được quân đội Ai Cập thừa nhận và thậm chí cho xem hộ chiếu vương quốc do ông tự thiết kế.
Dẫu vậy, chưa có bất kỳ văn bản hay xác minh chính thức nào của cả Ai Cập hay Sudan về những vụ việc trên và tất cả lời tuyên bố của các du khách này chỉ trở thành chuyện tiếu lâm.