Chương trình địa phương (Phần văn và tập làm văn) SBT Ngữ văn 6 tập 1 trang 94...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 94 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 6 tập 1. 1. Theo em, khái niệm địa phương là chỉ những phạm vi hành chính nào ? Từ cách hiểu về địa phương, em hãy dẫn ra một vài tác phẩm văn học dân gian thuộc địa phương mà mình đang sinh sống.. Bài tập 1. Theo em, khái niệm địa ...
Bài tập
1. Theo em, khái niệm địa phương là chỉ những phạm vi hành chính nào ? Từ cách hiểu về địa phương, em hãy dẫn ra một vài tác phẩm văn học dân gian thuộc địa phương mà mình đang sinh sống.
2*. Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm kể lại câu chuyện về Lê Thận kéo lưới được gươm thần ở Thanh Hoá, sau đó trao cho Lê Lợi. Sau khi đuổi được giặc Minh, Lê Lợi trả lại gươm thần cho Long Quân tại hồ Tả Vọng (nay là Hồ Gươm) thuộc Hà Nội.
Một bạn học sinh cho rằng đấy là truyện dân gian của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Một bạn khác cho rằng đây là truyện dân gian thuộc thành phố Hà Nội vì kể về sự tích Hồ Gươm. Ý kiến của em như thế nào ?
3. Bài tập 3, phần I, trang 172, SGK.
4. Lập dàn ý cho bài văn kể lại một tác phẩm văn học dân gian địa phương đã nêu ở bài tập 1.
5. Viết phần Mở bài cho đề văn : Viết thư cho một bạn học sinh nước Nga kể về một trò chơi dân gian ở địa phương em.
Gợi ý làm bài
1. Khái niệm địa phương cần được hiểu một cách rộng rãi. Địa phương là thôn xã cụ thể, nhưng cũng có thể là huyện, thị, tỉnh, thành phố thậm chí là các vùng, miền lớn hơn. Như thế, HS tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương nơi mình ở để tìm hiểu. Nếu thấy ngay tại thôn, xóm mình có những truyện đáp ứng được yêu cầu của bài tập là tốt nhất, nếu không có thì mở rộng ra tìm trong phạm vi địa phương lớn hơn để làm bài.
Các nội dung lớn có liên quan nhiều đến các địa phương trong chương trình Ngữ văn 6, tập một là phần truyện dân gian với các thể loại : truyền thuyết, cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn (thơ ca và sân khấu dân gian học ở lớp 7). Khai thác, tìm hiểu các truyện dân gian địa phương ở các thể loại đã học.
2*. Một số truyện dân gian, nhất là truyền thuyết, thường gắn với một địa danh có thật nào đó. Sự tích Hồ Gươm là truyền thuyết thời hậu Lê gắn chặt với sự kiện lịch sử Lê Lợi chống quân Minh với hai địa danh Thanh Hoá và Hà Nội. Khi xác định một truyện dân gian địa phương cần xét trên hai yếu tố : một là về đề tài câu chuyện được kể gắn với con người và phong tục tập quán, lịch sử và địa lí, lễ nghi và tín ngưỡng của một địa phương cụ thể; hai là phạm vi phổ biến của câu chuyện. Truyện dân gian địa phương thường là câu chuyện chỉ được kể, được biết trong một vùng, một địa phương nào đó ; còn khi câu chuyện đã nổi tiếng và được truyền tụng rất rộng trong cả nước, khắp cộng đồng dân tộc rồi thì nó không còn riêng của địa phương nào nữa.
Căn cứ vào cách hiểu trên, HS tự tìm cho mình câu trả lời về câu hỏi trong bài tập.
3. Dù xuất hiện ở đâu, trong phạm vi nào (địa phương hay cả nước) nhưng đã là truyện dân gian thì nhìn chung chỉ có thể khác về đề tài, nội dung câu chuyện còn tính chất và các đặc điểm về thể loại truyện dân gian là không khác nhau.
4. Từ truyện dân gian địa phương đã xác định được ở bài tập 1, HS lập dàn ý theo ba phần : Mở bài (mở đầu câu chuyện) ; Thân bài (phát triển câu chuyện) và Kết bài (kết thúc câu chuyện).
5. Mở bài cho đề văn này cần chú ý theo hình thức viết thư và đối tượng là một bạn học sinh người Nga, đất nước của câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng đã học ở sách Ngữ văn 6, tập một. Ngoài ra, cần xem lại nhiệm vụ của Mở bài là gì. Yêu cầu của phần Mở bài thường ngắn gọn, hấp dẫn, không nêu chi tiết như trong phần Thân bài.