28/05/2017, 20:51

Chứng minh thơ lãng mạn 1930 – 1945 thường thấm đượm nỗi buồn

Đề bài: Thơ lãng mạn 1930 – 1945 thường thấm đượm nỗi buồn. Hãy gỉảỉ thích vì sao như vậy và chứng minh qua các bài thơ Tràng giang (Huy Cận); Đây mùa thu tới (Xuân Diệu); Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử); Tống biệt hành (Thâm Tâm). Nêu rõ những nét riêng và nét chung trong những bài thơ đó. Lãng ...

Đề bài: Thơ lãng mạn 1930 – 1945 thường thấm đượm nỗi buồn. Hãy gỉảỉ thích vì sao như vậy và chứng minh qua các bài thơ Tràng giang (Huy Cận); Đây mùa thu tới (Xuân Diệu); Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử); Tống biệt hành (Thâm Tâm). Nêu rõ những nét riêng và nét chung trong những bài thơ đó. Lãng mạn là gì? Khái niệm ấy cho đến nay vẫn còn nhiều cách phát biểu khác nhau. Tuy khái niệm chưa nhất trí nhưng văn học lãng mạn vẫn là hiện tượng vĩ đại trong lịch sử, nó xuất hiện như ...

Đề bài: Thơ lãng mạn 1930 – 1945 thường thấm đượm nỗi buồn. Hãy gỉảỉ thích vì sao như vậy và chứng minh qua các bài thơ Tràng giang (Huy Cận); Đây mùa thu tới (Xuân Diệu); Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử); Tống biệt hành (Thâm Tâm). Nêu rõ những nét riêng và nét chung trong những bài thơ đó.

Lãng mạn là gì? Khái niệm ấy cho đến nay vẫn còn nhiều cách phát biểu khác nhau. Tuy khái niệm chưa nhất trí nhưng văn học lãng mạn vẫn là hiện tượng vĩ đại trong lịch sử, nó xuất hiện như một cuộc cách mạng trong nghệ thuật ở bất cứ nước nào. Chủ nghĩa lãng mạn gắn với phái Ao hồ ở Anh, Quách Mạc Nhược ở Trung Quốc, với trào lưu Thơ mới ở Việt Nam; nó gắn liền với các tên tuổi vĩ đại như V. Huy-gô, A.X. Pu-skin, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu.. Người ta không thể nói đến thi ca mà không nói về thơ lãng mạn và cũng không thể đề cập đến thơ lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945 lại không nói tới nỗi buồn của nó. Nỗi buồn da diết, thấm đượm lòng người.

Thơ lãng mạn từ khi sinh ra đã buồn ngay trong bản chất, bởi nó đồng sinh với thời kì của những cuộc cách mạng tư sản và là con đẻ của chế độ tư sản. Chế độ mà trong thời gian đầu đã làm được rất nhiều cho con người, đặc biệt là việc mang lại tự do. Tuy nhiên, nhân loại cũng sớm nhận ra rằng chế độ tư sản không tháo bỏ gông cùm xiềng xích đế nhằm cùm gông con người, siết chặt sinh mệnh của con người. 

Lẽ vậy mà thời đại lãng mạn chính là thời đại cách mạng, thời đại của những hi vọng và thất vọng lớn, thời đại của những rung chuyển toàn xã hội, trong đó con người bị hất ra ngoài các quan hệ cố định, nhưng chưa tìm thấy vị trí của mình trong cuộc đời. Thời đại mà mỗi con người tự cảm thấy mình là những cá nhân cô đơn, lạc lõng, bơ vơ đang đi tìm vị trí. Đó là thời đại buồn rầu chán nản, mộng mơ chờ đợi, mong mỏi vô định. Thật sâu sắc khi Xuân Diệu dẫn lời Bi-ê-lin-xki để cắt nghĩa Tản Đà: “Mọi cái cũ đã phá đi và chưa có chút gì mới để thay thế, con người chỉ là cái khả năng của một cải gì sẽ có thật trong tương lai và là một ảo ảnh trong hiện tại”. Đó là lúc con người cảm thấy rõ nhất cái cá nhân của mình và muốn khám phá, thổ lộ mình mong tìm thấy sự đồng cảm ở những cá nhân khác; Girmunxki từng nói: “Nhà thơ lãng mạn muốn bày tỏ cho chúng ta trước hết về chính họ, là phơi bày tâm hồn, cõi lòng họ”. Bởi thế thơ lãng mạn ra đời mang theo cái tôi cá nhân, cá thể. Hoài Thanh đã rất chính xác khi gọi thời đại Thơ mới là thời đại chữ Tôi trong thơ; tôi – một cây kim bé nhỏ, tôi – một con chim đến từ núi lạ, một khách tình si, con nai bị chiều đánh lưới…. Khác hẳn cái tôi trong thơ cổ, một cái tôi cao cả, tính lặng, tự đắc, tự tại dù trong nghịch cảnh vẫn luôn gắn bó với một cái gì thiêng liêng, bền chặt không di dịch; cái tôi trong thơ lãng mạn ở chừng mực nào đó đã nói lên được một nhu cầu lớn về giải phóng tình cảm, phát huy bản ngã, tự do cá nhân, làm thế giới tâm hồn con người được mờ rộng, ngày càng phong phú; tuy nhiên, cái tôi trong Thơ mới vừa ra đời đã hóa thành con bướm trắng. Một mặt nó không chấp nhận cái xã hội kim tiền ô trọc, mặt khác nó lại xa rời cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Vì thế nó rơi vào ngay cô đơn, lạc lõng, bơ vơ. Cái tôi trong Thơ mới do vậy nó trộn vào nhiều nẻo khác nhau với nhiều màu sắc phức tạp, nhưng ở đâu nó cũng buồn, cô đơn, không lối thoát, không tương lai. Đó là nỗi buồn mênh mông, xa vắng, vẩn vơ.

Sầu là cái chung của Thơ mới, dàn đồng ca đa điệu sầu, những nỗi sầu muôn năm, sầu vạn kỉ là đặc sản riêng của thơ Huy Cận. Nỗi buồn trong thơ Huy Cận ít gắn với những đôi mắt đẹp, mái tóc dài hay li rượu nhỏ mà là một nỗi buồn của trời rộng nhớ sông dài, của buổi chiều xưa tự ngàn năm sực tỉnh, của cảnh lưng đèo quán dựng, của nỗi buồn trên sông nước lênh đênh. Điệu buồn ảo não của hồn thơ Huy Cận đã tìm về với vũ trụ để gởi gắm nỗi niềm – nỗi khắc khoải không gian mà Tràng giang là một sự thể hiện sâu sắc nhất.

Bài thơ bắt đầu với một câu lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” gợi lên trong ta bao sự cảm nhận mà trên hết là cảm nhận về nỗi nhớ không gian bao la rộng lớn, không gian thể hiện tinh tế thân phận lạc loài, cô đơn của cái tôi trước cái mênh mông vô cùng của vũ trụ; không những thế nó còn thể hiện hành trình đi tìm mối giao cảm của con người với thiên nhiên trong quan niệm thiên – địa – nhân hợp nhất vòn có. Trên con đường tìm về ấy, người xưa luôn tìm thấy sự tương thông giao cảm giữa con người với thiên nhiên — đất trời giao hòa, nói theo ngôn ngữ Nho: Tạo hóa đắc ý, vạn vật tự đắc ý”.

Cỏ xanh như khói bến xuân tươi

Lại có mưa xuân nước vỗ trời ề

Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách 

Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.

(Nguyễn Trãi — Bến đò xuân đầu trại) 

Cũng trên con đường ấy, khi tìm về với vũ trụ, Huy Cận đã không tìm được cái ta chung của vũ trụ:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp 

Con thuyền xuôi mái nước song song 

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả 

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Chắc khi viết Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp nhà thơ có sự tiếp thu ý của câu ca dao: Sóng bao nhiêu gợn, dạ em buồn bấy nhiêu. Câu ca dao có hai vế so sánh rõ rệt: bao nhiêu – bấy nhiêu, nhưng với hai câu thơ của Huy Cận thì ta chỉ nhận ra sự so sánh ngầm bởi nhà thơ đã vô cùng tài tình khi dùng những từ ngữ có giá trị gợi tả và liên kết chúng lại: có bao nhiêu gợn sống trên dòng tràng giang là bấy nhiêu nỗi buồn thi sĩ. Câu thơ này không là sự thống kê số liệu mà là sắc thái của nỗi buồn nhẹ nhàng, lặng lẽ nhưng da diết, dai dẳng, nói đến sóng nước dập dềnh mà dùng buồn điệp điệp thì thật tài hoa, gợi lên sự tiếp nối, lớp nọ gối lên lớp kia phổ vào lòng người nỗi buồn miên man không dứt, điệp trùng vô cùng vô tận. Không gian sóng nước thu hẹp dần vào con thuyền không người lái, vào một cành củi khô chìm nổi theo dòng chảy… tất cả tạo nên sự chuyển động của nỗi buồn, từ nỗi buồn bởi không gian vũ trụ mênh mông xa vắng vời vợi khép hẹp dần vào không gian cõi nhân thế.

Cồn cỏ đìu hiu 

Tiếng làng xa 

Bèo dạt 

Không đò 

Không cầu 

Cánh chim nhỏ

Chỉ để mong không gian ơi xin hẹp bớt mênh mông nhưng tất cả đều gợi về cô đơn, mong manh, bé nhỏ, lạc loài, trôi nổi, gợi sự tử biệt phân li. Cô độc quá trước không gian, khắc khoải quá bởi không gian, những mong không gian kia hẹp bớt để nỗi sầu kia vợi đi nhưng không đạt được. Thế nên đành từ biệt không gian ngoài vũ trụ, ngoài cuộc đời lạnh lẽo để trốn vào, thu mình vào cõi lòng, khoảng không trong tâm hồn của chính bản thân.

Lòng quê dợn dợn vời con nước 

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Nhưng tâm hồn mình lại cũng đang trào dâng nỗi nhớ nhà đến cồn cào. Về ngữ nghĩa: dợn dợn có nghĩa gợn lên, vời – xa, con nước – con sóng, những từ ấy hợp lại gợi hình ảnh về những đợt sóng của vù trụ như ban đầu, mà nó khởi phát từ chính nỗi lòng của tác giả – nỗi buồn xa xứ. Chỉ vài nét chấm phá, Huy Cận đã khơi dậy nỗi buồn của kẻ xa xứ. Người lữ thứ đã mang sẵn nỗi buồn bởi đơn lẻ, cô đơn trước vũ trụ nay lại càng buồn hơn, cảm giác lạc lõng hơn khi phải đối mặt với khoảng trông nơi tâm hồn khi nhận thấy sự bé nhỏ, hữu hạn của mình trước vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng. Bởi lẽ đó có người nói về Tràng giang quả thật không sai:

Là Tràng giang, khổ nào cũng dập dềnh sóng nước 

Là tâm trạng, khổ nào cũng lặng lẽ u buồn.

Nếu Tràng giang là nỗi khắc khoải trước không gian rộng lớn của trụ thường của Huy Cận thì Đây mùa thu tới lại là nỗi ám ảnh về thời gian của nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới – Xuân Diệu.

Thơ ca Việt Nam không phải đến Xuân Diệu mới có bàn đến thời gian. Nguyễn Du từng than: Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Tản Đà đã phải tặc lưỡi Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê, nhưng phải đến Xuân Diệu, thời gian mới thành nỗi ám ảnh khổng lồ. Nhà thơ coi thời gian cũng giống như đời người, một đi không trở lại, thời gian mang lại bao phôi pha, úa tàn:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang 

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới, mùa thu tới 

Với áo mơ phai dệt lá vàng 

Hơn một loài hoa đã rụng cành 

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.

Bằng cảm thức về thời gian vô cùng nhạy bén, ngay khi mọi vật còn xanh tươi đầy sức sống thì Xuân Diệu đã nhận thấy trong đó phút giây cuối cùng rồi u ám sẽ đến. Nếu liễu trong thơ Đường Tống đơn thuần chỉ là khái niệm về cây thì trong con mắt nhuốm màu thời gian của Xuân Diệu, liễu dường như có dáng chịu tang, lá rũ xuống như tóc xõa, lệ rơi. Nhịp thơ 2 – 2 – 3 của câu thơ khiến nỗi buồn càng âm vang lắng động hơn. Với tín hiệu rặng liễu thì mùa thu đã trở về, bởi thế nên tiếp theo sau đó có vang lên tiếng reo của nhà thơ: Đây mùa thu tới, mùa thu tới. Đó không phải là sự báo hiệu mùa thu đến hay định vị đây là bài thơ của Xuân Diệu mà cao hơn đó là sự gợi buồn trước bước đi của thời gian. Thu tới đấy rồi thu sẽ nhanh chóng đi qua nhưng nó để lại nỗi buồn mong manh, riết róng trong lòng mỗi người. Reo mừng mùa thu, chào đón thu nhưng đó cũng là lúc nỗi buồn khắc khoải bắt đầu dâng trào, lo âu bắt đầu nổi lên:

Những luồng run rẩy rung rinh lá 

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. 

Không nói gió mà nói luồng run rẩy tưởng như chính gió cũng cảm thấy lạnh vì sự run rẩy ở đây chính là sự rùng mình của lá bởi cái lạnh gió mang tới. Tả gió nhưng lại để gọi rét, gợi lên phút chia lìa, tử biệt của tạo vật. Con người trong cái lạnh tê tái ấy cũng phải rùng mình:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió 

Đã vắng người sang những chuyến đò.

Chữ luồn như tách cái gió và rét ra thành hai và khiến cái rét dường như rét hơn, cái rét tác động đến con người: vắng người sang. Câu thơ gợi dậy cảm giác quạnh vắng đìu hiu nơi sông nước. Mở đầu bằng thiên nhiên với hình ảnh cây liễu buồn và kết lại bằng con người:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói 

Tựa của nhìn xa nghĩ ngợi gì.

Nỗi ám ảnh không gian lan tỏa khắp bài thơ khiến nó mang màu buồn và đến cuối, những người thiếu nữ với tâm trạng buồn không xác định lí do, tư thế nghĩ ngợi cũng không duyên cớ khiến toàn bài thơ như một nốt nhạc buồn với âm trầm thấp mà sâu lắng. Như bức tranh Người đàn bà xa lạ của họa sĩ Nga nổi tiếng, ánh mắt của người phụ nữ ấy chưa ai xác định và giải thích tường tận được. Ánh mắt bí hiểm ấy mãi là một câu hỏi. Đây mùa thu tới được dừng lại ở một tư thế, một trạng thái, nó không khép kín trong một kết luận mà nó cứ để ngỏ đó dành khoảng cho sự suy tuởng, sự cảm nhận riêng của người đọc. Khác với sự bí hiểm của người phụ nữ trong tranh, người thiếu nữ phải chăng là sự khắc khoải bất lực của tuổi trẻ. Yêu đời, say mê khao khát giao cảm với đời nhưng đời quá ngắn ngủi, đời lạnh lùng quá.

Không như Xuân Diệu – Huy Cận, Hàn Mạc Tử dẫn chúng ta vào một thế giới đầy ma quái, đầy những điều kinh dị: những vầng trăng biết hành động, biết cười, biết khóc, những hồn ma đang rời khỏi xác gào rú giữa đêm khuya.. Thế giới điên loạn ấy không là sự phản ánh bế tắc của tầng lớp tiểu tư sản trí thức mà đó là sự điên loạn của một tình yêu tuyệt vọng đối với cuộc sống nơi trần gian, một nỗi đau đời bắt nguồn từ khát vọng sống. Đây thôn Vĩ Dạ là niềm lo âu cho hạnh phúc thể hiện niềm đau tình người, tình đời của Hàn Mạc Tử.

Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi nhưng không chỉ là hỏi: Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Có người cho đây là lời trách cứ nhẹ nhàng, vương chút dỗi hờn rất đáng yêu của Hoàng Cúc. Nếu hiểu thế về sau sẽ có sự mâu thuẫn trong hai chủ thể của bài thơ. Chỉ có thể hiểu đó là lời tự vấn và tự trách mình của nhà thơ. Huế đẹp là vậy, thôn Vĩ tươi xạnh, chuốt ngọc đến thế:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên 

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Có gương mặt chất phác, hồn hậu của người thương:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Sao ta lại không về thăm? Hỏi để mà nhớ mà thương, chứ sao ta có thể về được – dù ta rất muốn về lại chốn xưa. Căn bệnh phong hiểm nghèo này đã tách rời, lôi anh ra xa khỏi tất cả, lấy đi của anh tất cả mọi niềm hạnh phúc trong đời.

Vĩ Dạ thân thương đẹp tuyệt ấy chỉ còn là một cõi đi về, hoài niệm trong tâm tưởng, trong hoài vọng nhớ thương của anh mà thôi. Vì thế trong nội bộ tứ thơ dường như có sự đứt gãy về cảnh nhưng mạch tâm trạng vẫn chảy trôi. Cảnh Vĩ Dạ đẹp hạnh phúc đã nhuốm màu sinh li tử biệt.

Gió theo lối gió mây đường mây 

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay 

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 

Có chở trăng về kịp tối nay.

Nếu như xưa nay gió và mây vốn là hai vật hữu tình quấn quýt, quyện hòa trong nhau:

Mây bay gió quyến mây bay.

(Thế Lữ)

thì lúc này trên bầu trời Vĩ Dạ nó như tan ra bời sự vây phủ của nỗi buồn li biệt. Nỗi buồn nhè nhẹ trôi nhưng ngấm dần vào người khiến cái nhìn bắt đầu xô vào địa hạt huyền ảo chiêm bao, không còn là lí trí nữa, tình cảm đã trực tiếp bộc lộ. Dòng Hương giang biến thành sông trăng, thuyền đậu nơi bến sông thành thuyền chở trăng và trong tâm não nhà thơ lúc này Hoàng Cúc đã thành người bạn trăng tri âm tri kỉ, người mà thi si suốt đời thủy chung: liệu bạn có trở về kịp không? Liệu Hoàng Cúc có đến kịp để cứu rỗi linh hồn đau khổ, tội nghiệp này chông? Cảnh thực đan cài trong thế giới huyền ảo của tâm tưởng khiến tất cả như chơi vơi, bay trong khoảng không trời đất. Những câu hỏi cứ xoáy sâu trong con người bệnh tật này sao thấy xót xa, đau đớn quá thế. Hỏi để mà ước mơ, để mà hi vọng:

Mơ khách đường xa, khách đường xa 

Áo em trắng quá nhìn không ra 

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 

Ai biết tình ai có đậm đà?

Đã khách lại còn đường xa, sự chồng chất tầng tầng lớp lớp của không gian thể hiện không chỉ nỗi nhớ nhung một người nơi Quy Nhơn nhớ tới người thôn Vĩ, không chỉ là khoảng cách về địa lí mà đó còn là ý thức về nỗi bất hạnh của bản thân, sự cách xa của hai thế giới. Người con gái xinh đẹp, thân thương gần gũi xưa không còn thấp thoáng ẩn hiện sau cành lá trúc mà đã chìm vào trong sương khói Vĩ Dạ. Cõi xa xôi chập chờn hư ảo ấy càng làm cho ta hiểu nỗi khắc khoải, nỗi đau đang dày vò xé lòng thi sĩ. Nàng Hoàng Cúc với màu áo trắng, thôn Vĩ Dạ với một thời xanh thẳm sao cứ xa dần, nhạt nhòa đi. Bài thơ kết thúc bằng một câu hỏi, một niềm băn khoãn. Từ ai thứ hai có thể hiểu là Hoàng Cúc cũng có thể hiểu chính là cuộc đời này. Nhà thơ băn khoăn hỏi thế giới đẹp tươi mà anh đang dần một lìa xa đến khi mất nó. Nhớ Huế, hướng về Vĩ Dạ là một điều kiện để nhà thơ thổ lộ niềm băn khoăn về tình đời, tình người và thể hiện nỗi khát khao chung của những số kiếp bất hạnh. Một sự thành thực, thiết tha của một tâm hồn cầu cứu cộng đồng, cầu cứu cuộc đời lạnh lùng này vị tha, bao dung hơn đối với những số phận bất hạnh như Hàn Mạc Tử. Nhà thơ đã ra đi nhưng sự khắc khoải, nỗi đau đời, nỗi lo hạnh phúc sẽ mất đi của thi sĩ vẫn mãi còn đó và nó luôn nhắc con người hãy đối xử người hơn với những nỗi đau, những không may đến với con người.

Đối với các nhà thơ lãng mạn, hình như cái buồn, cái đau thương là nét đẹp thanh cao và trong sạch. Có lẽ vì thế mà họ bình giá hiện thực hoàn toàn theo lí tưởng thẩm mĩ mang màu sắc chủ quan. Họ chỉ dừng lại ở những gì họ cho là đẹp. Thâm Tâm là một trong số đó, trong thi sĩ luôn ấp ủ giấc mộng của người li khách một sáng qua sông không trở lại.

Đưa người ta không đưa qua sông 

Sao có tiếng sóng ở trong lòng 

Bóng chiều không thắm không vàng vọt 

Sao đầy hoàng hôn trong mát trong.

Cách đây hai nghìn năm, thái tử Đan của nước Yên bên dòng sông Dịch đã tiễn tráng sĩ Kinh Kha qua sông đi hành thích Tần Thủy Hoàng, và bao cuộc tống tiễn nữa đã diễn ra trên sông; nhưng cuộc chia tay của các hào kiệt thời Thơ mới không đưa qua sông, không có thời khắc chiều gợi buồn thương da diết. Bốn câu thơ cực tả nỗi xao xuyến đớn đau của người ở lại, nỗi đau lên đến cực điểm và bật thành lời nói như nghe một sự thả buông:

Đưa người ta chỉ đưa người ấy.

Nhưng chính trong giọng thơ ấy mới bật lên sức nặng của nỗi đau, nỗi đau cố kìm nén bởi người ấy đã cố quyết dứt áo ra đi:

Một giã gia đình, một dửng dưng 

Li kháchỉ Li khách, con đường nhỏ 

Chí nhớn chưa về bàn tay không 

Thì không bao giờ nói trở lại 

Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Li khách, hai từ HánViệt này đã gợi lên không khí trang trọng của những giáp trụ, yên cương trong buổi lên đường. Thế nhưng con đường của người đi là con đường nhỏ, ra đi chưa thấy chút gì của sự nghiệp lớn mà chỉ có sự hăng hái của tinh thần. Chỉ có thể nhưng vẫn lên đường quyết ra đi bỏ lại mẹ già, chị lỡ thì, em thơ dại. Là trụ cột của gia đinh, anh đi gia cảnh níu kéo sao mà thương xót, gợi cảm thông hơn một niềm tin vào cuộc ra đi ấy để dấn thân vào cát bụi. Trên dòng mạch ấy, bài thơ kết thúc trong suy tưởng, sững sờ, thảng thốt:

Người đi: ừ nhỉ, người đi thực 

Mẹ thà coi như chiếc lá bay 

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Lá, bụi, rượu là những thứ vô tri, tầm thường kiếp phù du, dễ trôi đi và tan biến. Điệp từ thà coi thể hiện thái độ buông xuôi, phó mặc tất cả, ta cứ đi dù biết sẽ vô nghĩa. Bởi thế buổi tiễn đưa có sự bi phẫn của hào kiệt trong thời Thơ mới, những người như hào kiệt này, chưa dám tin để bước lên đường. Họ dấn thân vì bế tắc. Nguyên nhân ấy khiến Tống biệt hành mang nỗi buồn u uất, có gì như nghẽn lại trong con người.

Thơ lãng mạn là một dàn đồng ca đa điệu sầu: một Huy Cận khắc khoải không gian, một Xuân Diệu ám ảnh thời gian, một Hàn Mạc Tử đau đời, một Thâm Tâm ấp ủ mộng li khách một đỉ không trở lại.. Tất cả làm nên giọng buồn rầu, một đặc điểm rất đặc trưng không thể bỏ qua khi nóí đến thơ lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945.

Nguyễn Thị Thu Hằng


Từ khóa tìm kiếm

  • thơ giai đoạn 1930-1945 đẹp nhưng buồn
  • chứng minh thiên nhiê trong thơ mới đẹp màbuoonf
  • Qua 3 bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) Tràng Giang (Huy Cận) Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) hãy lm sáng tỏ nỗi niềm tâm trạng của các nhà thơ trong phong trào thơ mới
  • thơ 1930-1945 đẹp nhưng buồn
  • Qua bài thơ vội vàng của Xuân Diệu và Tràng giang huy cận hãy làm sáng tỏ nhận định ấy
  • Thơ ca lang man thâm đưôm nôi buôn
  • thơ lãng mạn 1930-1945 thường thấm đượm nỗi buồn
  • 3 bai thơ lang man 1930-1945 trong lơp 11
  • thơ lãng mạn 1930-1945 thường thấm đượm nỗi buồn hãy giải thích lý do vì sao hãy chứng minh qua một số bài thơ
  • thơ lãng mạn viêt nam 1930-1945 lơp 11
0