Chứng minh rằng nhân dân ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây"
Chứng minh rằng nhân dân ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” Hướng dẫn Câu tục ngữ này mượn hình ảnh ...
Chứng minh rằng nhân dân ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Hướng dẫn
Câu tục ngữ này mượn hình ảnh
"ăn quả "và "trồng cây "để nói rằng khi ta ăn một trái cây thơm ngọt thì nên nhớ tới công sức của người trồng ra cây đó. Điều đó được ẩn dụ nhằm khuyên rằng khi chúng ta hưởng thụ những thành quả lao động như ăn một bát cơm ngon, mặc một bộ quần áo đẹp, đi trên những con đường thơm ngát hương hoa hay ngồi học trong một ngôi trường khang trang…thì phải biết ơn những người đã đổ mồ hôi nước mắt của mình để tạo ra những thành quả lao động đó cho chúng ta hưởng thụ.
Ở mỗi gia đình, lòng biết ơn được thể hiện trong những ngày cúng lễ tổ tiên. Cúng lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ là tập tục cổ truyền tốt đẹp và thiêng liêng của người Việt. Đây là ngày con cháu tập hợp lại, thắp nén hương thơm lên bàn thờ để tỏ bày lòng thành kính, biết ơn những người có công sinh ra mình, tạo dựng nên gia đình, dòng họ mình. Nhiều nhà còn tổ chức lễ chúc thọ ông bà, cha mẹ, cầu mong cho ông bà và cha mẹ sống lâu và mạnh khỏe để con cháu phụng dưỡng.
Không chỉ vậy, sự biết ơn còn được thể hiện ở các lễ hội, đền chùa. Cứ đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân ở nhiều nơi đều thành kính hướng về hội Đền Hùng để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng đã dựng nước, giữ nước
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3"
Còn có lễ hội tiêu biểu khác như hội Gióng. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống để nhớ ơn và ca ngợi chiến công của anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc Ân cứu nước
"Ai ơi mồng 9 tháng 3
Không đi hội Gióng cũng hư một đời"
Ngoài ra, trên khắp đất nước này, đâu đâu cũng có đền miếu, chùa chiền, đài tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc và hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ quanh năm được nhân dân ta chăm sóc khói nhang với tấm lòng biết ơn vô hạn
Trong cuộc sống hiện nay còn có nhiều ngày lễ mang ý nghĩa sâu sắc. Ngày Thương binh liệt sĩ để tưởng nhớ đến những người đã hi sinh xương máu trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam để bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy giáo, cô giáo đã tận tâm dạy dỗ bao thế hệ – người lái đò đưa thế hệ trẻ cập bến tương
"Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai"
Ngày Quốc tế Phụ nữ để biết ơn và bù đắp cho những người phụ nữ và đặc biệt là các bà mẹ. Họ đã âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Ngày Thầy thuốc Việt Nam là ngày để mọi người nhớ ơn những bậc " lương y như từ mẫu " đã k ngại vất vả để cứu chữa bao sinh mạng trong vòng đe dọa của bệnh tật và cái chết. Đặc biệt hơn hết là ngày sinh Bác Hồ, là ngày mà mọi người trên khắp tổ quốc tưởng niệm và nhớ ơn công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc, Bác còn là nhà văn và nhà thơ lớn…
"Đố ai đếm hết vì sao
Đố ai đếm hết công lao Bác Hồ"
Ngoài ra còn có nhiều lễ kỉ niệm như ngày giải phóng Việt Nam, ngày thành lập quân đội nhân dân…
Tóm lại, câu tục ngữ là lời khuyên răn có ý nghĩa sâu sắc về lòng biết ơn của dân tộc ta. Đạo lý này đã trở thành một tiêu chuẩn đạo đức của người Việt Nam, trở thành một truyền thông tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta nên góp minh vào việc giữ gìn và duy trì truyền thống ấy. Với em, là một học sinh nên em sẽ cố gắng trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành một người có ích cho xã hội để trả ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô và công ơn của những thế hệ đi trước
Hocvanvanhoc.com