25/05/2017, 12:10

Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Văn mẫu lớp 8

Đánh giá bài viết Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình Tinh thần đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh việt Nam. Trong bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang, nhân dân ta đã phát huy cao độ tình yêu thương, ...

Đánh giá bài viết Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình Tinh thần đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh việt Nam. Trong bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang, nhân dân ta đã phát huy cao độ tình yêu thương, đoàn kết dân tộc để chiến thắng thù trong giặc ngoài, để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bài ...

Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Thái Bình

Tinh thần đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh việt Nam. Trong bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang, nhân dân ta đã phát huy cao độ tình yêu thương, đoàn kết dân tộc để chiến thắng thù trong giặc ngoài, để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bài học về đoàn kết đã ăn sâu vào tâm hồn nhân dân, kết tinh thành ca dao, tục ngữ như một niềm tin về chân lí sâu sắc, cao đẹp:

   "Một cây làm chằng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

   "Một cây" không thể làm nên non, nên núi, nên rừng. Đó là một sự thật hiển nhiên, ai cũng dễ dàng nhận thấy. Nhưng "ba cây" tượng trưng cho nhiều cây, cho rừng cây thì có thể tạo nên "non", nên "núi", không chỉ là "núi thấp" mà là "núi cao". Từ "một cây" đã chuyển thành "ba cây", số lượng đã thay đổi từ ít thành nhiều nên chất lượng cũng biến đổi. Yếu tố quyết định của sự vận động từ "lượng" biến thành "chất" là sự "chụm lại" của "ba cây", của số đông. Như thế mới có "núi cao". "Chụm lại" là hành động, là biểu hiện tâm lí thể hiện sự đồng tâm nhất trí, sự hợp lực và sự đoàn kết gắn bó. "Cây" trong câu tục ngữ được nhân hóa, trở thành ẩn dụ, một biểu tượng rất sống động và thấm thía nói lên tình yêu thương, tinh thần đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc. Câu tục ngữ:

   "Một cây làm chằng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"

đã nêu lên một bài học vô cùng quý báu về sự hợp lực, về tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh to,lớn của cộng đồng dân tộc.

   Lịch sử và cuộc sống, thơ văn và thực tế đã có biết bao sự việc, hình ảnh sống động nói về đoàn kết và sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta.

   Từ thời xa xưa, với công cụ thô sơ, người Việt đã bạt rừng, lấn biển, đắp đê đào kênh để làm nên những cánh đồng màu mỡ, bát ngát mênh mông:

   "Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn?"
                 (Nguyễn Đinh Thi)

   Thần thoại dân tộc Lô Lô đã kể lại hình ảnh đoàn người đông đảo, đồng sức đồng lòng, bền bỉ và dũng cảm kéo nhau "đi san mặt đất" để xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài: "Giống nào cũng không đi – Người gọi nhau làm lấy – Nhiều sức chung một lòng – San mặt đắt cho phẳng – Nhiều tay chung một ý – San mặt đất làm ăn". "Nhiều sức" và "nhiều tay" lại biết "chung một lòng", "chung một ý" nên mới có sức mạnh to lớn "san mặt đất làm ăn" như vậy.

   Con đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Lam, v.v… sừng sững như những dãy trường thành, ngăn lũ, bảo vệ những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và ý chí của triệu triệu con người Việt Nam qua hàng ngàn năm lao động quyết tâm chiến thắng thiên tai để được sống trong ấm no, hạnh phúc.

   Trong chiến đấu cũng vậy, đoàn kết là sức mạnh vô địch để giáng trả và đánh thẳng quân xâm lược. Hội nghị Diên Hồng đời Trần với tiếng hô "Quyết chiến! Quyết chiến!" của các bô lão "tuổi già thế kỉ" biểu thị cho lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và tướng sĩ để đánh thắng giặc Nguyên – Mông. Cho đến nay, câu nói của người anh hùng Trần Quốc Tuấn vẫn còn in sâu trong lòng người vê bài học đại đoàn kết dân tộc: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức".

   Đoàn kết để đánh giặc. Đoàn kết để khắc phục khó khăn, để chiến thắng "giặc dốt, giặc đói", "giặc ngoại xâm", để khắc phục khó khăn nghèo nàn lạc hậu. Hồ Chí Minh qua bài thơ Hòn đá nhằm giáo dục nhân dân ta bài học về sức mạnh "Ba cây chụm lại nên hòn núi cao":

   "Hòn đá to
   Hòn đá nặng
   Nhiều người nhắc
   Nhắc lên đặng!"

   Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ vừa qua, Mặt trận Liên Việt, "Mặt trận đoàn kết" dưới sự lãnh đạo của Đảng là tổ chức yêu nước của nhân dân ta thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh:

   "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành Công"

   Ngày nay trên con đường phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp hiện đại, văn hóa tiên tiến… phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhân dân ta đã và đang nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc khép lại quá khứ, hướng về tương lai. Hàng triệu con người đồng tâm, nhất trí, góp sức, góp tiền của… cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Hầu như địa phương nào cũng có những thành tựu đầy tự hào biểu thị sức mạnh đoàn kết dân tộc trong kiến thiết hòa bình. Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Trị An, thủy điện Y-a-ly, công trình tải điện 500KV xuyên Việt, công cuộc khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long… Mỗi công trình là một bài ca hào hùng về lao động sáng tạo và đoàn kết toàn dân.

   Câu tục ngữ: "Một cây làm chẳng nên non – Ba cây chụm tại nên hòn núi cao" hàm chứa bài học đoàn kết vô cùng sâu sắc. Đoàn kết không chỉ cho ta sức mạnh vô địch mà còn là suối nguồn của hạnh phúc, yêu thương và no ấm. Nó như ngọn lửa thần kì thắp sáng niềm tin và lòng tự hào dân tộc. Sức mạnh Việt Nam, tư tưởng nhân nghĩa Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 2

Tục ngữ Việt Nam rất phong phú và thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội. Nó là lời đúc kết những kinh nghiệm của cha ông và được chuyển thành vần thơ rồi để lại cho con cháu học tập và rèn luyện, trong đó có câu:

 “Một cây làm chẳng nên non 

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. 

Câu tục ngữ nói lên sức mạnh của sự đồng lòng, đoàn kết, gợi lên hình ảnh rất sinh động: một cây bé nhỏ, đơn độc thì “làm chẳng nên non” nhưng “ba cây chụm lại” thì “nên hòn núi cao”. “Ba cây” chỉ là cách nói ước lệ, khái quát của dân gian ý chỉ “nhiều cây thì sẽ nên rừng”.Nhưng nếu chỉ nói chuyện cây và núi thì câu tục ngữ đã không sống lâu bền trong dân gian Việt Nam như vậy. “Một cây” và “ba cây” là hình ảnh của cá nhân và tập thể. Và “non”, “núi cao” là hình ảnh của những công việc khó khăn, nặng nhọc.

Bằng những kinh nghiệm xương máu của mình, ông cha ta đã đưa ra một nhận định: một cá nhân đơn lẻ thì khó làm nên việc lớn; muốn làm được những công việc khó khăn, vất vả con người phải biết đoàn kết, hợp lực với nhau. Đó chính là bài học về tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. 

Lời răn dạy của cha ông  thể hiện trong câu tục ngữ được dân tộc ta chứng minh qua nhiều thế hệ bằng thực tế cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc. Trong những cuộc kháng chiến gian khó, nguy hiểm nhất của dân tộc, nhân dân ta vẫn đoàn kết một lòng vượt qua để chiến đấu và chiến thắng. Thế kỉ mười ba, đất nước ta phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh nhất thếgiới khi ấy: quân xâm lược Mông – Nguyên. “Vó ngựa Mông – Nguyên chạy tới đâu cỏ cây không mọc được đến đấy”, chúng đã đi từ Đông sang Tây, chiếm được những vùng đất đai rộng lớn và nay cũng ôm mộng xâm lược Đại Việt. Nhưng nhân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua tôi nhà Trần đã không cam tâm chịu thua. Vua Trần đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm lấy ý kiến và tập hợp sức mạnh toàn quân, toàn dân. Từ hội nghị Bình Than đến hội nghị Diên Hồng, đâu đâu cũng vang lên tiếng hô “Đánh! Đánh!”. Với sức mạnh như vũ bão của cả một dân tộc, ba lần quân Mông – Nguyên xâm lược là ba lần chúng phải rút chạy nhục nhã. Bước vào thế kỉ hai mươi, thế kỉ của những giông bão thời đại, đối mặt với sự xâm lược của hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới: thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, dân tộc ta vẫn phát huy tinh thần đoàn kết keo sơn. Bác Hồ đã kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” “bất kể đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ không phân biệt tôn giáo đẳng cấp” đều đứng lên chống giặc. Ngay cả khi miền Bắc đã được giải phóng, miền Bắc vẫn gồng mình chung tay sản xuất để chi viện cho miền Nam đánh Mĩ. Những phong trào lao động sản xuất nổi lên như sóng cồn: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Lao động giỏi”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”… Và rồi, qua những năm trường kì kháng chiến gian khổ, cách mạng đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Từ Cách mạng tháng Tám đến chiến thắng của dân tộc là bản hùng ca ca ngợi sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí sắt đá và trí tuệ phi thường của con người Việt Nam bé nhỏ. Sau này Bác Hồ đã tổng kết: “Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy (yêu nước) lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước…”. 

Trong cuộc sống, thậm chí cũng như trong lịch sử đã chứng minh về những hạn chế của sự đơn độc. Đó là cha con Hồ Quý Ly vì cướp ngôi nhà Trần làm mất lòng dân nên phải đơn phương trong cuộc chống giặc Minh xâm lược: “Không sợ đánh giặc chỉ sợ lòng dân không theo”. Và quả thực, nhà Hồ đã không đoàn kết được nhân dân làm mất nước ta vào tay giặc. Đó còn là bè lũ Lê Chiêu Thống làm li tán lòng người để kẻ thù ngoại bang tranh thủ cơ hội xâm lược nước ta… Lịch sử sẽ mãi lấy đó làm những bài học đắt giá. 

Ngày nay, tiếp thu bài học của cha ông, đất nước ta đang phát huy sức mạnh đoàn kết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để xây dựng đời sống đưa đất nước phát triển hội nhập với thế giới. Để xứng đáng với vai trò của những chủ nhân tương lai của đất nước, những người học sinh chúng em cần biết học tập tinh thần đoàn kết để xây dựng tập thể lớp vững mạnh và đặc biệt là để tạo nên mối quan hệ hòa thuận, yêu thương trong gia đình của mình.

Câu tục ngữ có ý nghĩa thật lớn lao đối với thế hệ trẻ chúng ta. Hiểu rõ về ý nghĩa của câu tục ngữ, dân tộc Việt Nam có sự gắn bó đoàn kết chặt chẽ hơn, mọi khó khăn gian khổ đều được vượt qua và nhanh chóng sánh vai với năm châu bốn bể.

Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 3

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân ta thực hiện tốt bài học đoàn kết nên đã liên tục vượt qua trở ngại để giành độc lập dân tộc. tinh thần đoàn kết ấy đã trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc và hơn thế nữa đã được đúc kết thành một chân lý giàu hình ảnh qua hai câu:

“Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Phải chăng bài học quý ấy đã được thực tế cuộc sống và lịch sử chứng minh để có thể mãi mãi là phương châm tốt đẹp cho chúng ta?

Người xưa đã quan sát thực tế, mượn hình ảnh thiên nhiên để so sánh với con người. thực vây, một cây đứng riêng lẻ, dù có to đến đau vẫn rất đơn so với một rừng cây, và tất nhiên càng nhỏ bé đối với thiên nhiên bao la, đối với vũ trụ mênh mông. Do vậy, trước gió bão to, cây lớn đó có thể bị bẻ gãy. Trái lại, ba cây mọc gần nhau, cành lá tạo thành một khoảng rộng hơn có thể nương tựa vào nhau trước sức gió mạnh, rễ cũng đan xen nhau để cùng bám chặt đất nên khó bị bật rễ. Tất cả tạo thành một sức mạnh bề thế, vững chắc, tương tự như hòn núi cao.

Qua các hình ảnh quen thuộc và cách ví von có phần cường điệu hóa nói trên, câu ca dao gợi một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là sự hợp quần, là tinh thần đoàn kêt của tập thể con người. Nếu sự gắn bó của các loài cây kia tạo nên một sức mạnh thì tại sao con người không đoàn kết, gắn bó với nhau, tạo thành một sức mạnh tổng hợp để dễ dàng thành công. Đó chính là lời khuyên chân thành, là ý nghã thiết thực mà người xưa muốn gửi gắm đến chúng ta.

Trước hết trong cuộc sống, sức mạnh tập thể đã nhiều lần giúp ta vượt qua trở ngại về vật chất lẫn tinh thần. Một con đê núng thế cần rất nhiều bao đất, cần rất nhiều bàn tay, công sức của toàn thể nhân dân. Một con bệnh ngặt nghèo cần được tập thể bác sỹ hội chẩn, tìm phương cứu chữa. Nhiều bộ óc và tài năng tập hợp lại mới có kết quả tốt đẹp và chính xác về công trình lớn lao…

Tinh thần đoàn kết không những giúp cho ta vượt qua những trở ngai trong cuộc sống, trong lao động để đi đến thành công mà còn rất cần thiết trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước hiểm hoại ngoại xâm. Những trang sử hào hùng của dân tộc ta càng hiểu rõ tinh thần đoàn kết của dân tộc ta rất đáng tự hào, đó là những sức mạnh tạo nên những chiến công oanh liệt. Ngay từ trong gia đình, nếu ta yêu thương nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cả gia đình được hòa thuận, hạnh phúc.ở xóm làng nếu biết đoàn kết một lòng thì tất cả sẽ yên vui, những tệ nạn xấu xa như trộm cắp, ma túy khó lòng xâm nhập. Nếu người dân cả nước biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau thì hoạn nạn nào không được khắc phục, khó khăn nào không vượt qua.

    Chúng ta thấy giá trị của “ba cây chụm lai..” thật quý báu. Đoàn kết là sức mạnh vô địch, là phương châm sống và hành động để tồn tại và hạnh phúc. Qua đây, chúng ta càng thấy rõ được giá trị của sự đoàn kết và ai trong mỗi chúng ta còn cách sống đơn độc xin hãy có một suy nghĩ khác và hãy đoàn kết nhau để tạo nên một sức mạnh dân tộc.

Chứng minh câu tục ngữ: Một cây làm chẳng nên non… – Bài làm 4

Từ ngày xưa, con người đã nhận thức được rằng để có thể tồn tại và phát triển, cần phải đoàn kết. Đoàn kết đế sống, đoàn kết để vượt qua những trở lực ghê gớm của thiên nhiên… Chính vì thế, qua câu tục ngữ giàu hình ảnh, ông cha ta đã khuyên chúng ta phải đoàn kết:

Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh, giúp chúng ta làm nên những việc lớn. Thực tế cuộc sống chiến đấu và lao động của dân tộc ta từ xưa tới nay đã chứng minh điều đó.

Đất nước Việt Nam có được như ngày hôm nay là do đâu? Non sông Việt Nam ta đẹp đẽ như ngày hôm này là nhờ đâu? Phải chăng chính là nhờ tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân. Ngay từ buổi đầu lịch sử, đất nước đã bị quân xâm Ịược phương Bắc như Tống, Nguyên, Minh, Thanh… tràn sang cướp phá. Chúng muốn thôn tính Đại Việt, bắt nhân dân ta làm nô lệ. Nhưng dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, vùng dậy đấu tranh, đánh đuổi q'uân thù. Quân dân nhà Trần đoàn kết nhất trí, đồng tâm giết giặc đã lập nên những chiến công lừng lẫy muôn đời. Từ các vị bô lão trong hội nghị Diên Hồng đến thiếu niên Trần Quốc Toản, từ lão tướng Trần Hưng Đạo đến người thanh niên đan sọt làng Phù ủng… đều đồng lòng “Sát Thát”. Sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đã làm nên chiến thắng vinh quang rất đáng tự hào.

Sang thế kỉ XX, dân tộc Việt Nam đất không rộng, người không đông nhưng đã đánh bại hai đế quốc. Nếu chỉ tính sức mạnh quốc gia bàng sự giàu có, bằng trình độ kĩ thuật hiện đại, bằng vũ khí tối tân,bằng số lượng binh lính… thì Việt Nam ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh không cân sức bằng cách đoàn kết với các dân tộc yêu hòa bình và chính nghĩa trên khắp năm châu kể cả nhân dân Pháp, Mĩ… Vì thế, chúng ta có đủ sức mạnh để làm nên chiến thắng vĩ đại.

Trong công cuộc xây dựng cuộc sống, đoàn kết cũng tạo ra những sức mạnh phi thường. Nhìn những con đê sừng sững hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, sông Thái Bình… có từ lâu đời làm nhiệm vụ ngăn lũ lụt, bảo vệ mùa màng cho cả vùng châu thổ Bắc Bộ, chúng ta càng thấy rõ hiệu quả to lớn của tinh thần đoàn kết. Công trình thủy điện sông Đà đưa ánh sáng đến cho mọi nhà không thể hoàn thành được nếu thiếu bàn tay khối óc của hàng triệu kĩ sư, công nhân Việt Nam và chuyên gia các nước bạn. Những giàn khoan trên biển Đông khai thác dầu khí làm giàu cho đất nước cũng là kết quả của sức mạnh đoàn kết. Có thể kể thêm rất nhiều, rất nhiều ví dụ khác nữa để chứng minh.

Ca dao với những hình ảnh giản dị nhưng lại chứa đựng một triết lí sống sâu sắc. Bác Hồ cũng đã từng nêu ra phương châm có tính chiến lược toàn Đảng, toàn dân: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.

Nối tiếp truyền thống yêu nước của ông cha, học sinh chúng em tuy nhỏ tuổi nhưng đã biết xây dựng tinh thần đoàn kết trong tổ, trong lớp, trong trường. Tinh thần đoàn kết đã tăng thêm sức mạnh cho chúng em học tập và rèn luyện đạt kết quả tốt hơn.

0