Chứng minh câu Có công mài sắt, có ngày nên kim
Chứng minh câu Có công mài sắt, có ngày nên kim Trên đời này chẳng có một kết quả lớn nhỏ nào tự nhiên mà có, tất thảy đều được tạo ra từ những sự cố gắng không ngừng. Sức mạnh của sự kiên trì được nhân dân ta đúc kết trong câu tục ngữ thật hay: Có công mài sắt có ngày nên kim. ...
Chứng minh câu Có công mài sắt, có ngày nên kim
Trên đời này chẳng có một kết quả lớn nhỏ nào tự nhiên mà có, tất thảy đều được tạo ra từ những sự cố gắng không ngừng. Sức mạnh của sự kiên trì được nhân dân ta đúc kết trong câu tục ngữ thật hay: Có công mài sắt có ngày nên kim.
Bằng việc nêu ra sự đối lập ghê gớm giữa thanh sắt to lớn, xù xì và cây kim bé nhỏ mà tinh xảo, tác giả dân gian xưa đã nêu bật tác dụng to lớn của sự kiên trì cố gắng không mệt mỏi của con người để đạt tới thành công. Điều đó đã được chứng minh qua rất nhiều tấm gương trong cuộc sống.
Nước Việt Nam ta là một nước nhỏ bé, những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ tiềm lực kinh tế, quân sự chưa mạnh, nhưng nhờ tinh thần trường kì kháng chiến, không sợ gian khổ hy sinh, sau ba mươi năm ta đã chiến thắng vẻ vang.
Trong lĩnh vực học tập rèn luyện, cũng có nhiều tấm gương kiên trì phấn đấu. Xưa có bậc danh nho Nguyễn Siêu, văn hay chữ tốt đến mức được người đời tôn làm “Thần Siêu”. Nhưng mấy ai biết rằng thuở đi học, chữ ông viết rất xấu, mấy lần ông đỗ chưa cao chỉ vì chữ xấu, hại đến văn hay. Khi làm qian, điều khiến ông đau đớn nhất là chỉ vì chữ xấu mà khi ông phê án khiến kẻ dưới luận sai, làm một người đàn bà vô tội thua kiện. Từ đó, ông quyết chí rèn chữ. Viết chữ nho phải viết bằng bút lông, tay phải vừa khéo vừa vững gân tay. Ông kiên trì tập vạch từng nét sổ, nét ngang, nét mác, nét uốn câu,… Nét nào ông cũng phải tập viết hàng ngàn lần, kì cho sắc nét mới tập vào chữ, từ những chữ đơn giản đến những chữ phức tạp. Tập không kể ngày đêm, tay có lúc cứng đờ, tê buốt. Sau nhiêu tháng năm, chữ ông viết tuyệt đẹp, còn được giữ lại không ít lưu bút ở đền Ngọc Sơn. Ngày nay, học sinh lớp hai nào mà không biết tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí qua bài Tập đọc. Ngay từ khi còn nhỏ, căn bệnh bại liệt đã cướp đi đôi tay của thầy. Nguyễn Ngọc Kí vẫn đến lớp, lặng lẽ ngồi trên chiếc chiếu ở góc lớp, dùng chân kẹp cây bút, tập đưa những nét chữ nguệch ngoạc trên giấy trắng. Nhưng anh không nản chí, cứ tập mãi, tập mãi, gò lưng mà tập, chân đau nhớc, anh vẫn không thôi. Cuối cùng anh không chỉ viết chữ đẹp mà vẽ được rất chính xác các bài toán Hình học phức tạp, các hình vẽ các cơ quan trong cơ thể người của môn Sinh học. Học xong phổ thông, Anh học Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Giờ đây anh đã trở thành thầy giáo. Thầy không chỉ truyền cho học trò tri thức mà cả tinh thần cần cù, nhẫn lại tuyệt vời.
Những công trình khoa học ra đời đâu phải chỉ nhờ tài năng, phần lớn còn phải nhờ lòng nhẫn nại. Giáo sư Tiến sĩ Lương Đình Của từ những hạt thóc giống quý báu đem từ Nhật về, mất hàng chục năm, trải qua hàng ngàn thí nghiệm lai tạo, ông đã đem lại những giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và cho năng xuất cao. Hai vợ chồng nhà bác học Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã miệt mài nghiên cứu, kì công lọc đi lọc lại tám tấn quặng để tìm ra một phần mười gam chất phóng xạ ra-đi-um, khai phá một nền khoa học có sức mạnh ghê gớm khi đem phục vụ lợi ích hoà bình nhân loại.
Nhận thức sâu sắc giá trị mạnh mẽ của lòng kiên nhẫn, thơ văn của chúng ta cũng đã viết nên những câu chuyện đầy ý nghĩa. Truyện ngụ ngôn Mài sắt nên kim là một trong số đó. Một cậu bé cứ sờ đến sách là ngại vì chữ viết thì khó mà bài thì dài. Cậu đâm lười học, ham chơi. Ngày ngày lang thang ngoài đường, lúc nào cậu cũng gặp bà lão ngồi bên vệ đường kiên trì mài thanh sắt cứng. Cậu bé rất ngạc nhiên khi bà lão nói một câu đầy tự tin: “Ta mài thanh sắt này để có chiếc kim nhỏ bé”. Cậu hiểu ra rằng chỉ có lòng nhẫn nại mới giúp người ta thành công trong cuộc sống, từ đó cậu chăm chỉ học hành. Ngụ ngôn của nhà thơ nổi tiếng la-phông- ten cũng cho chúng ta một bài học thú vị khi chú rùa chậm chạp, nhưng cực kì chăm chỉ, miệt mài tha cái mai nặng trên lưng đi liên tục không nghỉ, cuối cùng đã thắng chú thỏ lười biếng.
Việc bình thường đã vậy, việc lớn lao như sự nghiệp cách mạng gian nan, cuộc đời buôn ba bốn biển năm châu hoạt động cứu nước của Bác Hồ cũng được Bác viết lên trong bài thơ Đi đường:
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Đó quả là bài học thấm thía về lòng kiên trì sắt đá của người chiến sĩ cách mạng.
Thế mới biết ở trên đời phàm việc lớn, việc nhỏ, muốn thành công không thể thiếu tinh thần cần cù, chịu khó, kiên trì, nhẫn nại. Một nhà bác học cũng đã từng nói: “Thiên tài chỉ do một phần trăm là bẩm sinh còn chín mươi chín phần trăm là sự cần cù”. Càng ngẫm về câu tục ngữ, nhớ lại những tấm gương trên, em càng thấy lòng kiên trì, nhẫn nại của mình thật còn quá mỏng, làm sao mà em có thể học tốt được. Các nhà bác học, các vị lãnh tụ, sự nghiệp của họ cao như quả núi ngất trời nhưng họ vẫn không bao giờ buông lơi sự nỗ lực, miệt mài trong cả cuộc đời đất thôi. Em không thể buông xuôi được.
soanbailop6.com