12/01/2018, 11:30

Chủ nghĩa xã hội không tưởng

Chủ nghĩa xã hội không tưởng Đầu thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển. ...

Chủ nghĩa xã hội không tưởng

Đầu thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển.

Đầu thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển, một mặt đã sản xuất ra một khối lượng sản phẩm đồ sộ và tốc độ “đô thị hoá” tăng lên rất nhanh, nhưng mặt khác cũng phơi bày những hạn chế của nó : sự bóc lột tàn nhẫn của tư sản đối với người lao động, cuộc sống cơ cực của công nhân bởi đồng lương chết đói và điều kiện làm việc tồi tệ, tình trạng thất nghiệp và các tệ nạn xã hội ngày càng phổ biến.
Tình cảnh khổ cực của những người lao động đã tác động vào ý thức, tư tưởng của một số người tiến bộ trong hàng ngũ tư sản. Họ nhận thức được những mặt hạn chế của xã hội tư bản, mong muốn xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn, không có tư hữu, không có bóc lột. Tư tưởng đó là nội dung của chủ nghĩa xã hội không tưởng mà đại biểu xuất sắc là Xanh Xi-mông, Sác-lơ Phu-ri-ê ở Pháp và Rô-be Ô-oen ở Anh.
Xanh Xi-mông (1760 - 1825) xuất thân quý tộc, có học vấn uyên bác và tư tưởng tiến bộ, đã tình nguyện sang Bắc Mĩ chiến đấu giúp nhân dân các thuộc địa Anh đấu tranh giành độc lập. Ông kịch liệt phê phán chế độ áp bức bóc lột, kêu gọi xây dựng một xã hội công bằng, trong đó mọi người được thoả mãn về vật chất và tinh thần.
S.Phu-ri-ê (1772 -1837) là con một thương gia ở Pháp, ông phê phán xã hội tư bản một cách sâu sắc, đề ra kế hoạch cải tạo xã hội bằng việc lập ra những đơn vị lao động, trong đó mọi người lao động theo kế hoạch, có thời gian nghỉ ngơi.
R.Ô-oen (1771 - 1858) sinh trưởng ở Anh, là con một người thợ thủ công, sau trở thành chủ một công xưởng lớn thuê tới 2500 công nhân. Ông đã tổ chức một số công xưởng kiểu mẫu ở Anh, ở Mĩ, trong đó công nhân chỉ làm việc 10 giờ rưỡi một ngày, được trả lương cao và được hưởng phúc lợi tập thể, ông cũng chủ trương đi đến chủ nghĩa xã hội bằng cách tuyên truyền, thuyết phục và nêu gương.
Công lao của các nhà xã hội không tưởng là phê phán sâu sắc xã hội tư bản, có ý thức bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, dự đoán về xã hội tương lai. Nhưng họ không phát hiện được những quy luật phát triển của chế độ tư bản và cũng không nhìn thấy lực lượng xã hội có khả năng xây dựng xã hội mới là giai cấp công nhân nên các kế hoạch đề ra đều không thực hiện được.
Tuy vậy, trong bối cảnh xã hội bấy giờ, chủ nghĩa xã hội không tưởng là một trào lưu tư tưởng tiến bộ, có tác dụng cổ vũ những người lao động và là một trong những tiền đề cho học thuyết Mác sau này.

0