Chia sẻ 9 bí quyết dạy con học tốt Toán tiểu học bổ ích nhất
Chia sẻ 9 bí quyết dạy con học tốt Toán tiểu học bổ ích nhất NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI DẠY CON HỌC TOÁN Là phụ huynh (PH) của các em học sinh (HS) lớp 1,2,3,4,5 (Bậc tiểu học) chúng ta luôn mong mỏi các cháu được nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, học giỏi và chăm ngoan. Muốn thế thì phải kết ...
Chia sẻ 9 bí quyết dạy con học tốt Toán tiểu học bổ ích nhất
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI DẠY CON HỌC TOÁN
Là phụ huynh (PH) của các em học sinh (HS) lớp 1,2,3,4,5 (Bậc tiểu học) chúng ta luôn mong mỏi các cháu được nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, học giỏi và chăm ngoan. Muốn thế thì phải kết hợp tốt giữa ba môi trường giáo dục : nhà trường, gia đình và xã hội; không thể phó mặc hết thảy việc giáo dục con em chúng ta cho nhà trường.
Vì thế mỗi vị PH chúng ta đều có nguyện vọng được đem tài, trí của mình ra để hỗ trợ cho nhà trường trong việc dạy dỗ các cháu. Điều này vừa giúp các cháu học tốt hơn, vừa giúp tạo ra môi quan hệ gắn bó, khăng khít hơn giữa cha mẹ và con cái, đem lại nhiều hạnh phúc cho mọi thành viên trong gia đình. Nó sẽ lưu lại nhiều kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ trong suốt cuộc đời của trẻ sau này.
Tuy nhiên, dạy trẻ không phải là một việc dễ dàng và toán học cũng không phải là một môn học dễ hiểu. Do đó, giúp trẻ học toán ở nhà là một công việc khó khăn và vất vả. Nó đòi hỏi chúng ta phải có một số hiểu biết và năng lực sư phạm cần thiết.
Sau đây là một số điều cần chú ý khi giúp đỡ con em học toán :
- Khi dạy trẻ cần phải đảm bảo không khí học tập nhẹ nhàng, thoải mái, vui tươi. Không dạy các cháu khi :
- Trẻ đang bị lôi cuốn vào một trò chơi hay giải trí nào đó.
- Trẻ đang buồn ngủ hoặc quá mệt mỏi.
- Bản thân PH còn đang bực tức, mệt mỏi hoặc vội vàng vì phải làm một việc nào đó.
Cần lưu ý là không được làm cho trẻ sợ cũng như không nên nóng nảy, quát tháo hoặc cáu gắt với các cháu. Khi dạy trẻ, bạn nên hạn chế ngay cả việc cau mặt chứ đừng nói là quát mắng, đập bàn hay đánh các cháu. Bởi vì nếu các cháu sợ thì sẽ làm toán lung tung, trả lời hú họa, cầu may và việc học sẽ trở nên hoàn toàn vô ích.
- Khi đưa ra một bài tập hoặc câu hỏi thì bạn nên cố gắng dành thời gian và khuyến khích, động viên để trẻ có thể suy nghĩ tự giải hoặc tự trả lời được. Không nên vì nóng ruột mà vội vàng chỉ bảo hoặc làm hộ ngay cho các em. Cần lưu ý là chỉ được giúp đỡ khi trẻ đã thực sự gặp khó khăn, không nên giúp đỡ khi các cháu có thể tự làm (hoặc trả lời) được.
Trong trường hợp trẻ làm sai hoặc trả lời sai thì bạn đừng giải thích dài dòng mà nên xử lí như sau :
- Nêu câu hỏi dưới dạng dễ hiểu hơn bằng cách đưa ra các vật thực, các ví dụ thực tế trong đời sông hoặc dùng sơ đồ, hình vẽ để minh hpa.
- Tách câu hỏi đã nêu thành nhiều câu hỏi dễ hơn.
- Suy nghĩ xem trẻ không trả lời được vì đã quên mất kiến thức cơ bản nào thì ôn lại cho cháu kiến thức đó.
Khi không còn cách nào để giải thích cho cháu hiểu thì hãy nở nụ cười trên môi bỏ qua câu hỏi đó hoặc tạm ngừng việc học tập để từ từ nghĩ cách khác. Chúng ta cần quen với suy nghĩ là “Con mình không dốt đâu, chỉ vì mình chưa nghĩ ra được cách hướng dẫn thích hợp mà thôi”.
Nếu cần bạn có thể đọc thêm các sách vở như sách giáo khoa (SGK), sách giáo viên, trao đổi với các vị PH khác hoặc thầy, cô giáo đang dạy cháu.
- Các bài tập hoặc câu hỏi cần vừa sức với trẻ. Nên theo nguyên tắc sau : Nếu sức của trẻ là 10 thì ta nên đưa ra bài tập (hoặc câu hỏi) ở mức 11 là vừa. cần phải hơi khó một chút để trẻ phải vươn lên (với lên) thì mới giải quyết được. Nếu nêu câu hỏi quá dễ (ở mức 6, 7, 8) thì sẽ không kích thích được trẻ suy nghĩ, không phát triển được tư duy của các cháu. Còn nếu nêu câu hỏi quá khó (ở mức 13, 14, 15) thì chẳng những trẻ không thể trả lời nổi mà chính chúng ta cũng bế tắc, không biết nên gợi ý, giúp đỡ các cháu như thế nào cho dễ hiểu, dẫn đến mất lòng tin và tự tin của trẻ.
Đối với những câu hỏi mà cháu trả lời sai hoặc không đầy đủ, cho dù sau đó trẻ đã tỏ ra nắm vững thì ta cũng chớ vội tin tưởng mà nhất thiết phải đánh dấu để lần sau quay lại.
Đối với những câu hỏi quá dễ thì ta nên lướt nhanh hoặc bỏ bớt các gợi ý, các câu hỏi trung gian để đỡ tẻ nhạt và lãng phí thời gian.
- Để dạy được trẻ thì PH phải nắm vững nội dung toán học cần dạy và phải nắm được cách dạy nội dung đó ở bậc tiểu học. Chớ nên nghĩ rằng mình có trình độ cao; vài ba phép tính cộng, trừ, nhân, chia của con nít thì muôn dạy lúc nào chả được. Cần gì phải nghiên cứu ! Bởi vì trong việc dạy toán cho trẻ thì nếu nội dung khó 1 phần thì phương pháp chuyển tải nội dung đó để các cháu hiểu được lại khó 3 phần. Nếu chúng ta chủ quan, không chịu nghiên cứu cách dạy mà cứ giáng bừa thì sẽ thất bại. Do đó, tuyệt đối không được tùy tiện dạy trẻ khi PH chưa nắm được nội dung và phương pháp.
- Khi dạy trẻ PH cần phải :
– Nói ít, ngắn gọn bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu, gần gũi với trẻ.
– Cần kết hợp lời nói với động tác, hình vẽ, trực quan …
– Không nêu các khái niệm, hạn chế nêu các quy tắc tổng quát.
– Khuyến khích trẻ :
- Trả lời đủ câu, ví dụ : Khi PH hỏi “2 cộng 3 bằng mấy ?” thì trẻ phải nói : “2 cộng 3 bằng 5”, không được nói cộc lốc : “5”.
- Tự tìm ví dụ minh họa trong thực tế.
- Tự đặt các đề toán.
- Nêu các thắc mắc, nhận xét.
- Miệng nói, tay làm.
- Việc dạy trẻ phải tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài; mỗi ngày một chút. Không nên dạy nhồi nhét hoặc bữa có bữa không.
- Cần tập cho trẻ thói quen :
- Viết số, chữ số, phép tính, cách trình bày bài giải toán cẩn thận và đẹp.
- Ngồi viết đúng tư thế.
- Tư kiểm tra lại đáp sô”.
- Học thuộc lòng các phép cộng, trừ, nhân, chia trong bảng.
- Để biết các cháu đã hiểu bài hay chưa, cần đưa ra các câu hỏi (hoặc bài tập) thích hợp. Nếu các cháu trả lời (hoặc giải) được thì ta mới yên tâm. Chớ nên vội tin khi các cháu nói : “Con hiểu bài rồi”. PH cần quen dần với cách nói :
- Tốt lắm, con hiểu rồi phải không ? Thế thì con hãy làm
cho bố (mẹ) bài tập sau …
- Chà, con làm đúng rồi ! Bố (mẹ) rất vui vì quả thực là con đã hiểu bài. Con giỏi lắm !
– Chà, con làm sai rồi ! Như thế là vẫn chưa hiểu bài đâu ! Bố (mẹ) con ta cùng học lại nhé !
Nguyên tắc chung là : Trẻ phải tự chứng minh qua hành động của mình là đã hiểu bài, chứ không thể qua lời nói : “Con hiểu rồi !” được.
- Cũng cần lưu ý là ở trường GV đã dạy các cháu học rồi. Do đó, thực chất của việc dạy ở nhà chỉ là : Giúp các cháu ôn lại bài cũ, làm các bài tập thầy (cô) cho về nhà, uốn nắn ngay các sai lầm vừa xuất hiện, kiểm tra xem trẻ đã thực sự hiểu bài chưa. PH không nên dạy trước các cháu bài mới (sắp học tới), hãy để dành việc đó cho các thầy (cô) giáo.
Tuy nhiên, nếu phát hiện ra các cháu chưa hiểu bài ở lớp thì PH phải tự mình dạy lại bài vừa học chp trẻ, không để cháu bị lỗ hổng kiến thức. Trong trường hợp trẻ đau bệnh phải nghỉ học thì PH cũng phải làm như vậy.