Chỉ ngồi ở vị trí này, những chiếc túi khí trên máy bay mới có thể bật ra để cứu mạng bạn
Ít ai ngờ rằng trên máy bay cũng tồn tại những túi khí "nhỏ mà có võ" cực chất. Nói đến túi khí, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến thiết bị được trang bị trên ô tô để đảm bảo an toàn cho người ngồi bên trong khi xảy ra va chạm mạnh. Bạn có hay, trên máy bay cũng được trang bị túi khí? Nhưng điểm đặc ...
Ít ai ngờ rằng trên máy bay cũng tồn tại những túi khí "nhỏ mà có võ" cực chất.
Nói đến túi khí, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến thiết bị được trang bị trên ô tô để đảm bảo an toàn cho người ngồi bên trong khi xảy ra va chạm mạnh.
Bạn có hay, trên máy bay cũng được trang bị túi khí? Nhưng điểm đặc biệt là chúng chỉ được trang bị trong khoang hạng thương gia mà thôi.
Túi khí trên máy bay và cách thức hoạt động
Bạn có tò mò khi muốn biết những chiếc túi khí này được giấu ở đâu trên khoang máy bay không?
Không giống trong xe hơi nơi túi khí được lắp phía trước các ghế ngồi, trên máy bay, chúng được "giấu kín" trong chiếc đai thắt an toàn của bạn đó.
Mỗi thiết bị được lắp một cảm biến gia tốc để đo lực và mức năng lượng khi hành khách có dấu hiệu ngả người đột ngột về phía trước.
Những chiếc túi khí phía trước trên xe hơi phồng lên khi xảy ra tai nạn để hạn chế mức va đập gây chấn thương cho người dùng. Tuy nhiên, do 1 vài yếu tố mà chúng cũng có thể gây chấn thương nhẹ cho người trên xe.
Với túi khí trên máy bay, do được thiết kế trong dây thắt an toàn nên chúng sẽ từ đùi của hành khách phóng lên trên, chèn vào khoảng trống giữa bạn và vật cản. Lý do là bởi nếu khoảng cách giữa bạn và vật cản càng lớn thì lực va đập sẽ càng mạnh.
Khi cảm biến nhận biết được đủ lực có thể gây tai nạn, nó sẽ truyền một tín hiệu vào bộ phận van xả khí bơm căng túi khí lên. Tất cả quy trình này sẽ diễn ra trong tối đa là 10 giây.
Loại khí được bơm vào để làm phồng túi là khí Helium - một loại khí trơ không gây cháy nổ thường được bơm vào bóng bay hay khí cầu.
Chiếc túi khí được thiết kế có hai phần có độ dày khác nhau dành cho phần đầu và phần vai giúp hành khánh không bị ngất khi va đập với vật cản phía trước, đủ tỉnh táo khi thoát ra nếu máy bay có khói hoặc hỏa hoạn.
Hình ảnh mô phỏng lại cảnh túi khí bật lên giúp đỡ người bị nạn.
Được nghiên cứu và phát triển từ năm 2001 bởi rất nhiều kĩ sư, chuyên gia an toàn hàng không và an toàn xe hơi, sau nhiều năm cải tiến, các túi khí này ngày càng được nhiều hãng hàng không trang bị cho máy bay của họ.
Được biết, túi khí trên máy bay lần đầu tiên được lắp đặt trên hơn 2000 máy bay dân sự vào năm 2003 bởi hãng Amsafe of Phoenix - hãng sản xuất duy nhất có những chiếc dây bảo hiểm đạt tiêu chuẩn.
... nhưng sao lại chỉ dành cho hành khách hạng nhất và giới thương gia?
Có một điều đặc biệt là không phải tất cả mọi ghế đều được trang bị túi khí. Nó chỉ dành cho các hành khách đi hạng nhất (first class), hạng thương gia (business class), những hàng ghế gần vách ngăn và hàng ghế đầu.
Bởi giá để lắp đặt mỗi sợi dây bảo hiểm có túi khí là 2.000$, so với 50$ cho một dây bảo hiểm truyền thống nên không phải hãng hàng không nào hay dòng máy bay nào cũng được trang bị chiếc túi khí này.
Một số hãng hàng không trên thế giới như Air France, British Airways, American Airlines, Singapore Airliens, Emirates... đã trang bị túi khí cho hành khách hạng thương gia trên dòng máy bay hiện đại Boeing 777, 787 và Airbus A330, A321 nhằm đem đến cho hành khách sự thoải mái nhất.
Ngay cả hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã trang bị túi khí cho ghế ngồi hạng thương gia trên chiếc Boeing 787 Dreamliners của mình.
Dây an toàn được bọc da mềm mại, và trang bị thêm túi khí với ghế hạng thương gia trên máy bay Boeing 787 Dreamliners.( Ảnh: Cafebiz)
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do giá thành khá đắt nên hầu hết hãng hàng không tập trung vào lĩnh vực chăm sóc khách hàng nhiều hơn.
Chris Muklevicz, phó giám đốc bộ phận bán hàng và marketing tại AmSafe chia sẻ rằng, việc lắp đặt túi khí trên máy bay khá tốn kém nhưng các hãng nên lắp đặt để có thể phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp hội Quản lí Hàng không năm 2009.
Theo đó, các ghế ngồi phải có khả năng chịu được chấn động lúc va chạm gấp 16 lần gia tốc trọng trường.
Và những túi khí trong thực tế đã chứng minh được hiệu quả của nó trong những vụ rơi máy bay.
Ricki Halling, một bác sĩ 37 tuổi đã sống sót và kể lại câu chuyện của mình khi đang lái máy bay cá nhân bỗng gặp phải vùng thời tiết cực đoan khiến máy bay của cô lao thẳng từ độ cao gần 1.000 mét xuống đất và bẹp dúm như một lon bia rỗng. Tuy nhiên, cô đã sống sót mà chỉ với vài vết xước ở đầu gối với sự trợ giúp của túi khí trên máy bay.
Mặc dù vậy, theo thống kê của Cục An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 80% số vụ tai nạn máy bay đều có người sống sót vì thực tế vận chuyển hàng không rất an toàn. Các tai nạn thường xảy ra lúc máy bay đang trong quá trình cất cánh hoặc bay ở độ cao thấp mà thôi.
Có thể nói việc cung cấp thêm túi khí trong gói dịch vụ dành cho hành khách hạng nhất và hạng thương gia đôi khi chỉ là một liều thuốc tinh thần cho các hành khách để họ cảm thấy được an toàn hơn trên chuyến bay của mình.