Câu ca dao quen mà lạ: Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Hướng dẫn Khi lớn lên, không biết tôi đã thuộc tự bao giờ câu ca dao: Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? Tôi đọc lên và câm thấy nó hay, nhưng không biết hay ở chỗ nào! Lúc còn đi học phổ thông, có lần tôi nghe cô giáo dạy văn ...
Hướng dẫn
Khi lớn lên, không biết tôi đã thuộc tự bao giờ câu ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Tôi đọc lên và câm thấy nó hay, nhưng không biết hay ở chỗ nào! Lúc còn đi học phổ thông, có lần tôi nghe cô giáo dạy văn nói về cảnh đẹp ở nông thôn Việt Nam, cô nhắc đến câu ca dao ấy. Cô nói, dưới ánh trăng trong đêm, trên cánh đồng nông thôn, có hình ảnh cô gái làng đang tát nước, tự bản thân cảnh trí ấy gợi lên một nét đẹp thanh bình.
Đến với câu ca dao trên bằng suy nghĩ của mình, bây giờ tôi mới chợt nhận ra, phải chăng người ta thầm khen người con trai tỏ tình tế nhị, thông minh? Bởi hình tượng câu ca dao đã lồ lộ rõ ràng: trong đêm, có ánh trăng vàng toả sáng, trùm lên khắp cánh đồng. Trên đồng ruộng ấy, có con đường chạy ngang qua. Bên đường đi, có cô gái làng đang tát nước. Tất nhiên ở đây cô đứng tát một mình (chắc tát gàu sòng). Trên đường có người con trai đi tới, thấy hình ảnh, động tác của cô trong đêm, anh rung cảm và không kìm chế nổi, nên buột mồm đánh bạo gọi cô: "Hởi cô tát nước bên đàng". Nghe gọi, cô gái dừng gàu ngoảnh lại nhìn anh, chờ nghe anh nói tiếp. Nhưng rồi, anh con trai bây giờ mới đâm ra lúng túng, anh không thể nói ra được cái điều mà anh muốn nói. Không lẽ anh mở miệng khen: "Sao cô tát nước đẹp quá chừng cô ơi" chẳng hạn. Nếu khen như thế thì nghe nó trơ trẽn, nó sỗ sàng làm sao! Trong tình huống ấy, anh bèn chỉ lệch tay xuống nước, hỏi một câu tưởng chừng hết sức vu vơ: "Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?". Ui chao! Múc ánh trăng vàng đổ đi thì mặc người ta, việc gì đến anh! Thế thì buồn cười thật, hỏng hết! Mới nghe qua, tưởng anh là kẻ vụng về, anh muốn đánh một đòn lạc hướng để gỡ thế nguy… Nhưng thật ra, người nghe ngẫm lại mới thấy ngấm dần. Trên cánh đồng trong đêm ấy, trên trời có ánh trăng vàng chiếu xuống, dưới nước, có ánh trăng vàng sóng sánh, lung linh. Đúng là nét đẹp dịu êm mà thiên nhiên ưu đãi cho con người, cho anh, cho cô. Anh yêu cái đẹp. Ánh trăng vàng đẹp quá! Còn cô, tại sao cô lại "múc ánh trăng vàng đổ đi?" nghĩa là cô múc cái đẹp đổ đi, có ác không chứ! Anh hỏi cô. Hỏi thì hỏi, nhưng đã ngầm một lời can ngăn: đừng múc, đừng đổ. Một câu hỏi mà ngầm một lời khuyên: Cô ơi, đừng múc cái đẹp đổ đi, mà cô hãy dừng gàu lại. Nhưng dừng gàu lại để làm gì mới được cơ chứ?! Đấy, bây giờ mới vỡ lẽ ra… anh muốn người ta dừng gàu, đừng tát nữa, để nói chuyện với anh, thế thôi.
Ôi! Anh khôn khéo lắm, anh đáo để chẳng vừa, anh mượn ánh trăng vàng để thổ lộ chuyện trái tim anh, gớm chưa! Thật là một lời gợi chuyện – một câu mở đề tuy bóng bẩy mà cũng sát sườn, tỏ ra anh là người tế nhị, thông minh, đỡ cho cái bỡ ngỡ ban đầu. Câu ca dao không khép lại, mà mở ra cho người đọc bước tới, cái bước đầu tiên trông rất nhẹ nhàng, khéo léo, có duyên.
Về mặt tình cảm, thanh niên Việt Nam có truyền thống thật thà, chất phác và họ cũng rất tế nhị, thông minh. Tình yêu của họ bao giờ cũng kín đáo, mặn mà, duyên dáng đáng yêu. Lời tỏ tình của họ thường hết sức tế nhị, kín đáo mà có lần ta cũng bắt gặp ở người con gái khi thấy người mình thương:
Thò tay ngắt một ngọn ngò
Thương anh đứt ruột, giả đò ngó lơ
Đúng ra, cái ngó lơ ấy là cả một tâm hồn ngó thẳng đấy mà. Cũng như cái lúng túng của người con trai ở trên lại là cả một sự bạo dạn, muốn người ta dừng gàu để nói chuyện với mình, thế mà dám trách người ta sao "múc ánh trăng vàng đổ đi".
Thu Trang