Cảnh báo về ‘sự đổ vỡ’ của mạng Internet
Nitin Desai - Chủ tịch Diễn đàn Internet Governance Forum (IGF) – có thể sẽ có một ngày mạng Internet toàn cầu hiện nay sẽ bị chia tách thành những hệ thống mạng nhỏ lẻ và riêng biệt. Phát biểu tại một hội nghị vừa được Nominet – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tên miền “.uk” - ...
Nitin Desai - Chủ tịch Diễn đàn Internet Governance Forum (IGF) – có thể sẽ có một ngày mạng Internet toàn cầu hiện nay sẽ bị chia tách thành những hệ thống mạng nhỏ lẻ và riêng biệt.
Phát biểu tại một hội nghị vừa được Nominet – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tên miền “.uk” - tổ chức gần đây, ông Desai nhận định: “Giờ đây mọi người đang phải lo lắng về việc liệu trong 5 năm nữa hệ thống mạng Internet mà chúng ta đang sở hữu ngày nay còn có thể hoạt động được nữa không.”
“Những lo ngại về việc quản lý mạng Internet tương lai là hoàn toàn có thực khi mà xu hướng hội tự giữa mạng Internet mạng điện thoại và thương mại ngày càng trở nên rõ ràng hơn,” ông Desai nói. “Chỉ trong 5 năm nữa thôi số lượng người sử dụng Internet ở châu Á sẽ vượt qua con số của châu Âu hoặc châu Mỹ”.
“Và số lượng trang web bằng tiếng Trung cũng sẽ vượt qua số lượng trang web bằng tiếng Anh. Bạn thấy đó phương thức sử dụng Internet ở Trung Quốc hay Ấn Độ khác xa với phương thức của các nước Tây Âu. Internet không được sử dụng vào lĩnh vực thương mại hay truyền thông mà Internet được sử dụng vào việc cung cấp các ứng dụng dịch vụ công cộng”.
Chính những công ty và tổ chức đang xây dựng nên mạng Internet chứ không phải là các chính phủ, cơ quan quần chúng hay các nhà quản lý, ông Desai khẳng định.
Bên cạnh những lo ngại về việc mạng Internet có thể bị chia tách còn có những lo ngại về việc một số quốc gia muốn được “quản lý” cả sự phát triển của mạng Internet. “Nguyên nhân là do những đối tượng này muốn chắc chắn một điều là hệ thống mà họ đang sử dụng và phát triển là an toàn và đáng tin cậy.”
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc lại đang lo ngại về vấn đề người dùng Internet tại quốc gia này vẫn phải gõ địa chỉ website bằng các chữ cái Latin chứ không phải bằng tiếng Trung.
“Tỉ lệ những người sử dụng Internet ở Trung Quốc không biết đến bảng chữ cái Latin còn rất lớn. Chính điều này làm nảy sinh những lo ngại về việc quốc tế hoá tên miền. Mỗi quốc gia muốn tên miền của nước mình phải được nhập bằng ngôn ngữ của quốc gia mình. Để làm được điều này thì người Trung Quốc cần phải thiết lập một hệ thống hoàn toàn độc lập của riêng họ. Đây chính là nguyên nhân vì sao mà những lo ngại về việc mạng Internet bị chia rẽ là hoàn toàn có cơ sở”.
“Tính trung lập Internet”
Chuyên gia của Ngân hàng thế giới Howard Williams lại cho rằng những tranh luận về việc quản lý mạng Internet trong tương lai bắt nguồn từ giải định sẽ chỉ có duy nhất một hệ thống web trong tương lai.
“Tại sao những công nghệ mà chúng ta đang có hiện nay lại không có thể tiếp tục sử dụng trong tương lai,” Giáo sư Williams đặt vấn đề đồng thời khẳng định việc chia rẽ mạng Internet đã và đang diễn ra chứ không phải chờ đợi nó sẽ xảy ra trong tương lai.
“Tại Mỹ, vấn đề tính trung lập Internet đã làm nảy sinh những suy nghĩ về việc tồn tại của những loại hình web khác nhau”.
Hồi đầu năm nay Thượng viện Hoa Kỳ đã quyết định thông qua dự luật cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp cho khách hàng những dịch vụ ưu đãi khác nhau như băng thông rộng hay tốc độ cao. Ngay lập tức những người ủng hộ “tính trung lập Internet” đã lên tiếng phản đối dự luật này và kêu gọi người truy cập Internet phải được đối xử công bằng như nhau.
Với dự luật nói trên, các nhà cung cấp dịch vụ hoàn toàn có thể cho phép người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ của họ được hưởng tốc độ kết nối cao hơn khi truy cập vào những trang web của nhà cung cấp dịch vụ hoặc đối tác của họ. Trong khi đó, nếu truy cập vào trang web của đối thủ cạnh tranh với nhà cung cấp dịch vụ tốc độ kết nối có thể rớt xuống tốc độ của con rùa.
Một số đại biểu khác tham dự hội nghị cho rằng lựa chọn của khách hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mạng Internet tương lai cũng như vấn đề về “tính trung lập Internet”.
Hoàng Dũng