24/02/2018, 19:23

Cảm nhận về đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.

“Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du có nói đến nhiều cảnh biệt li – mỗi cảnh là một trang đời thấm đầy lệ trong nỗi đoạn trường của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” là một đoạn thơ tả cảnh ...

 

“Truyện Kiều” của thi hào dân tộc Nguyễn Du có nói đến nhiều cảnh biệt li – mỗi cảnh là một trang đời thấm đầy lệ trong nỗi đoạn trường của người con gái tài sắc Thuý Kiều. Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” là một đoạn thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút, ghi lại giây phút từ biệt và nỗi buồn của Kiều đối với Thúc Sinh cũng như đối với sốphận mình. Nỗi buồnlibiệt từ lòng người như thấm sâu vào cảnh vật, tỏa rộng trong không gian và thời gian vô tận.

Thuý Kiều đã được Thúc Sinh “chuộc” ra khỏi lầu xanh. Thúc Sinh không “tài mạo tót vời” như Kim Trọng, và cũng chẳng phải là anh hùng “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” như Từ Hải, nhưng là một con người đã yêu thương, say mê nàng Kiều hết mực. Thúc Sinh mãi mãi là ân nhân của Kiều đã cứu vớt nàng ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp hôi tanh. Trải qua nhiều trắc trở, hai người đã có một cuộc sống hạnh phúc thật sự:

Huệ lan sực nức một nhà,

Từng cay đắng, lại mặn mà hơn xưa.

Sau biết bao nhiêu “rày lần mai lữa”: “Cầm tay dài ngắn thở than – Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời”, Thúc Sinh chia tay Thuý Kiều về nhà gặp Hoạn Thư, để thu xếp chuyện “vườn mới thêm hoa”. Bằng tám câu thơ lục bát, Nguyễn Du đã thông cảm với tình nghĩa gắn bó hai người và nói lên nỗi niềm lưu luyến, tâm trạng cô đơn của họ trong li biệt. Đây là chuyến đi dầy lưu luyến và tràn đầy hi vọng: “Chén đưa nhớ bữa hôm nay – Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau”.

Mở đầu đoạn thơ là giây phút đưa tiễn: “Người lên ngựa, kẻ chia bào”. Câu thơ được ngắt thành hai vế tiểu đối, lứa đôi bịn rịn và lưu luyến như bịtách rời ra hai phía của không gian. Sau bao nhiêu dùng dằng trì hoãn, Thục Sinh đành phải lên ngựa. Và Thúy Kiều đành buông vạt áo của chàng ra. Câu thơ đã làm hiện lên cảnh đưa tiễn trang trọng, lưu luyến của vợ chồng những đại gia, những quý tộc thời xưa. Thời gian chia li ấy đã làm cho không gian và cảnh vật biến đổi:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Một bức tranh thiên nhiên bao la, bát ngát với “rừng phong thu”. Cả một miền quan san – cửa ái, núi non trùng điệp bỗng chốc nhuốm bởi màu sắc đỏ ối của rừng phong. Nơi tiễn biệt này là Lâm Tri, thuộc nước Tề ngày xưa (nay là Sơn Đông), để Thúc Sinh đi về Vô Tích thăm Hoạn Thư. Đây không phải là nơi quan ải, thế nhưng lứa đôi vừa chia tay thì cả rừng phong như đã nhuộm màu biệt li cách trở. Kiều vừa buông áo bào chàng ra, nàng như ngẩn ngơ đứng lặng theo dõi bóng ngựa đi xa dần. Giữa hai người là một vùng quan san hiện ra, ảm đạm, hoang biệt, buồn thấm thìa. Cảnh sắc xa dần, mờ dần:

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Quan san, dặm hồng, chinh an, ngàn dâu xanh vốn là những từ ngữ giàu sắc thái trữ tình, diễn tả những tâm trạng nảy sinh trên cơ sở chinh chiến tha hương của những binhlính tướng tá xưa, nay được mở rộng vào lĩnh vực tình cảm chia biệt nói chung và ở trong văn cảnh này là sự chia cắt đầy lưu luyến giữa đôi lứa trẻ trung.

Con đường từ Lâm Tri đi về Vô Tích bụi đỏ (dặm hồng) cuồn cuộn bốc lên mờ mịt, cuốn bọc lấy chiếc yên ngựa của người đi xa (chinh yên). Bóng Thúc Sinh dần dần mất hút sau mấy ngàn dâu xanh. Rõ ràng màu sắc của cảnh vật, từ màu đỏ của rừng phong, màu hồng của bụi cuốn theo yên ngựa, đến màu xanh của ngàn dâu vô tận là cả một sắc màu tâm lí, màu của chia li, cách biệt xa xôi. Tâm tư con người ẩn dấu, hiển hiện dưới hình bóng của cảnh vật thiên nhiên, vừa nhẹ nhàng thấp thoáng, vừa cô đơn buồn tủi. Câu thơ “Kiều” như gợi lại cảnh biệt li, dõi trông và thương nhớ của “đôi lứa thiếu niên” trong “chinh phụ ngâm” thuở nào:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Hai câu thơ tiếp theo là hai hình ảnh đối ngẫu: “người về” với “kẻ đi”, đã cực tả tâm trạng Kiều:

Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Đây là cảm nhận của Kiều về cảnh ngộ và số phận hai người. Cả hai đềucô đơn và nhỏ bé như nhau, thấm thìa một cảm giác lẻ loi, bất lực: ngườivề thì “chiếc bóng”, kẻ đi xa thì “một mình”, người thì “năm canh” vò võ thao thức, kẻ thì “muôn dặm… xa xôi”. Lứa đôi ở hai phía chân trời cách trở. Kiều vừa thương mình, vừa thương kẻ đi xa, buồn tủi cho thân phận. Cấu trúc câu thơ rất đặc sắc được thể hiện ở cách sử dụng các số từ đặt trong thế đối lập, tương phản: “chiếc” với “năm”, “muôn” với “một” đã làm nổi bật nỗi buồn thao thức, đơn chiếc, lẻ bóng của nàng Kiều… là vô cùng, vô tận.

Người đời chẳng bao giờ quên được vầng trăng thề nguyền trong cảnh tình giữa “người quốc sắc, kẻ thiên tài”. Người đọc cũng từng bị ám ảnh về vầng trăng li biệt trong đêm thu đầu tiên khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Đây là hai câu thơ tuyệt bút. Nguyễn Du đã lấy ngoại cảnh (vầng trăng) để đặc tả tâm cảnh Thuý Kiều. Có phải Kiều và Thúc Sinh, hai người như một vầng trăng tròn bị cắt, bị “xẻ” làm hai nửa? Hay từ nay trở đi, mỗi người một phương trời chỉ soi lẻ một vầng trăng mà chỉ thấy một nửa? Trăng thượng huyền hay trăng hạ huyền mà chỉ có một nửa: nửa thì soi gối chiếc của nàng Kiều cô đơn, nửa thì soi dặm trường, một mình lẻ loi của Thúc Sinh?

Câu thơ vừa xót xa, vừa ai oán. Chữ “ai” trong câu thơ “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” như một tiếng thở dài ngao ngán về sự bất lực trước số phận. Ai đã đang tâm chia rẽ hạnh phúc tròn đầy, êm thấm của Kiều? Sốphận lẽ mọn buộc nàng phải cam chịu và chấp nhận? Vì ai mà Thúc Sinh phải đi về Vô Tích “muôn dặm một mình xa xôi?”. Cuộc chia tay không thể tránh khỏi. Kiều như dự cảm một cuộc chia tay vĩnh biệt đã bắt đầu. Không phải là từ biệt mà là sự chấm dứt của tình duyên. Có thể họ còn gặp nhau nhưng chẳng bao giờ tái hợp nữa. Tràn ngập cả không gian và thời gian là nỗi buồn nhớ xa xôi đến muôn dặm. Thúc Sinh với chuyến đi này sẽ phải “đối diện” với người vợ cả “Ởăn thì nết cũng hay – Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Kiều phấp phỏng lo âu, nàng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết!

Hai câu thơ cuối đoạn đã thể hiện sâu sắc lòng thương cảm xót xa của thi hào Nguyễn Du dối với số phận và hạnh phúc của nàng Kiều và cho thấy ngòi bút tài hoa của ông. Gần 200 năm trôi qua, người đọc thật khó phân định nguồn gốc, nguồn cảm hứng của hai câu thơ này. Phải chăng Nguyễn Du đã mượn ca dao để nói lên cảm hứng của mình? Hay là nhà thơ dân gian đã mượn câu thơ “Kiều” để khơi nguồn thi hứng? Rõ ràng “Truyện Kiều” đã thấm sâu vào hồn dân tộc, đã trở thành lời ru, câu hát dân gian:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?

Đưa nhau một bước lên đàng,

Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa…

(Ca dao)

Đoạn thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” có kẻ ở, người đi, có chia tay bịn rịn, nhưng chủ yếu là sự hòa nhập giữa cảnh vật với con người, giữa tình người và cảnh vật. Cảnh từ biệt, tình chia li đã thể hiện tài tình, cảm hứng sáng tạo về yêu cầu hạnh phúc của tuổi trẻ. Giọng thơ nhẹ nhàng, mênh mang, lan tỏa. Hình tượng vầng trăng bị ai đó “xẻ làm đôi” để lại trong lòng ta bao xót thương ám ảnh. Đặc biệt trong cuộc từ biệt này, nhà thơ không gọi đây là nàng Kiều, kia là chàng Thúc Sinh mà gọi bằng “người”, “kẻ”, những đại từ phiếm chỉ ấy xuất hiện năm lần trong đoạn thơ ở trong hai cảnh ngộ giữa không gian: “người về – kẻ đi” làm cho tình thơ về nỗi buồn chia li, chia lìa mang tầm phổ quát của muôn đời. Đây là cuộc chia tay của tình yêu muôn đời. Nó đã “ngang giá với một thiên phú biệt li”. Đó là lời bình hay nhất, thấm thìa nhất, đích đáng nhất, lời bình của nhà nho Vũ Trinh (1759-1828) đời Nguyễn về tám câu thơ “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều”.

oranh11

0 chủ đề

23755 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0