24/02/2018, 19:53

Cảm nhận về bài thơ Nhàn

Đề bài: Bài làm – Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong xã hôi rối ren ấy, ông vẫn sống với một tâm thế của bậc đại nho. Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm ...

Đề bài:

Bài làm

– Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong xã hôi rối ren ấy, ông vẫn sống với một tâm thế của bậc đại nho. Nhàn là bài thơ Nôm nổi tiếng của nhà thơ nêu lên quan niệm sống của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi.

Với lời thơ tự nhiên, giản dị mà giàu ý vị, bài thơ Nhàn thể hiện được một cách sâu sắc cái thú và ý nghĩa triết lí trong lối sống nhàn dật mà tác giả đã lựa chọn. Đó là quan niệm sống nhàn hoà hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi.

Nổi bật trong bài thơ là hình ảnh người trí sĩ ẩn cư nhàn dật. Nhân vật trữ tình này xuất hiện trong lời thơ với những chi tiết về cách sống, cách sinh hoạt và quan niệm sống:

"Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn, dầu ai vui thú nào"

Trong cả tứ thơ, từ láy “thơ thẩn” được sử dụng rất đắt. "Thơ thẩn" là trạng thái thảnh thơi vô sự, trong lòng không gợn chút cơ mưu toan, tính toán. Cụm từ “dầu ai vui thú nào” nói lên ý thức không chạy theo công danh, phú quý, không chạy theo người khác, kiên định lối sống đã lựa chọn. Hai câu thơ gợi lên hình ảnh của một cư sĩ ẩn dật, an nhàn, đó cũng là cuộc sống bình dị, dân dã của Nguyễn Bình Khiêm khi ông cáo quan về ở ẩn.

Hai câu thực tiếp tục triển khai ý của hai câu đề bằng quan niệm của tác giả về “dại” và “khôn”:

"Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao"

Nhà thơ tự cho mình là dại, người là khôn, giọng điệu thơ có chút tự tin, pha chút mỉa mai. Các từ láy vắng vẻ, lao xao ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng. Tìm “nơi vắng vẻ”  là tìm đến nơi bình yên, nhàn tản. Đến “chốn lao xao” là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giành giật hãm hại nhau. Hai câu thực sử dụng nghệ thuật đối rất chỉnh. Nhà thơ đem đối lập cuộc sống nhàn với cuộc sống đua chen, mưu danh lợi, phú quý  để kiên định với lối sống mà ông đã lựa chọn, sống với chính bnar chất của mình – sống nhàn. 

Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống nhàn không chỉ là cái thú vui được thoải mái về tinh thần, về thể xác mà còn là thú vui được hoà với nhịp điệu của thiên nhiên bốn mùa: 

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao"

Những chuyện sinh hoạt hàng ngày như “ăn”, “tắm” được nhà thơ diễn tả rất tự nhiên: Các chữ xuân, thu, hạ, đông được ngắt thành một nhịp, điệp từ ăn, tắm được lặp lại tới hai lần để nói đây là sinh hoạt quanh năm, tuy đơn sơ đạm bạc nhưng cái gì cũng có, cũng sẵn chẳng nhọc lòng tìm kiếm mà lại được thảnh thơi, thoải mái. Và nhà thơ luôn tự hào về sự lựa chọn ấy của mình:

"Rượu đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao"

“Rượu ” là hình ảnh mang ý biểu tượng cho phú quý, công danh. Đến thì dùng, chẳng có gì phải bon chen, xu nịnh. Hơn nữa cái công danh sự giàu sang đó cũng chẳng khác gì một giấc chiêm bao. Hai câu thơ kết tác giả đã vận dụng sáng tạo điển cố, cách ngắt nhịp linh hoạt làm nổi nên ý nghĩa coi thường phú quý. Từ đó, nhà thơ khẳng định lần nữa sự lựa chọn lối sống của mình, lối sống tự nhiên không chạy theo danh lợi.

Nguyễn Bình Khiêm là một con người thông mình, tỏ tường việc đời. Bởi vậy, kinh qua bao nhiêu chuyện, ông đã ngộ nhận ra rất nhiều và có niềm tin tưởng tuyệt đối vào lựa chọn của mình, ông lựa chọn lối sống nhàn, rũ bỏ hết bụi trần của kiếp người, kiếp đời với những toan tính, vụ vặt để đến với cái thật nhất trong tâm hồn mỗi con người.

Trong bài thơ này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định lối sống mà ông lựa chọn, đó là sống nhàn. Đó là lối sống tự nhiên, coi thường công danh phú quý. Tất nhiên quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là lối sống thoát li thực tế đời sống mà vẫn gắn bó với cuộc đời. Với lời thơ tự nhiên, giản dị mà giàu ý vị, bài thơ Nhàn thể hiện được một cách sâu sắc cái thú và ý nghĩa triết lí trong lối sống nhàn dật mà tác giả đã lựa chọn. Đó là quan niệm sống nhàn là hoà hợp với tự nhiên, giữ cốt cách thanh cao, vượt lên trên danh lợi.

   Minh

0