25/05/2017, 00:23

Cảm nhận về Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy.

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nhận về Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy để thấy được cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Viết về đề tài hậu chiến, tức cuộc sống của con người sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống thái bình, yên vui nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện rất xúc động tình cảm của mình đối với ...

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nhận về Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy để thấy được cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Viết về đề tài hậu chiến, tức cuộc sống của con người sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống thái bình, yên vui nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện rất xúc động tình cảm của mình đối với những hồi ức trong quá khứ, những kỉ niệm buồn vui đã có trong thời kì chiến tranh gian khổ. Bài thơ “Ánh trăng” chính là sự tái hiện cảm xúc ấy của nhà thơ, thông qua bài thơ này, ...

Đề bài: Em hãy trình bày cảm nhận về Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy để thấy được cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Viết về đề tài hậu chiến, tức cuộc sống của con người sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống thái bình, yên vui nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện rất xúc động tình cảm của mình đối với những hồi ức trong quá khứ, những kỉ niệm buồn vui đã có trong thời kì chiến tranh gian khổ. Bài thơ “Ánh trăng” chính là sự tái hiện cảm xúc ấy của nhà thơ, thông qua bài thơ này, nhà thơ cũng đã thể hiện được con người đầy tình nghĩa của mình với những dòng hồi ức khi xưa, dù là thể hiện nó trong sự dằn vặt, tự trách bản thân vì đã có lúc lãng quên đi nó, nhưng chính sự kiểm điểm nghiêm khắc ấy của nhà thơ càng làm cho chân dung con người nhà thơ hiện lên thật đẹp, đẹp bởi chính vẻ chân thực, tự nhiên của nó.

Bài thơ “Ánh trăng” được nhà thơ Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, mọi người được sống trong khung cảnh yên bình, ấm no của một cuộc sống mới, cuộc sống không có tiếng súng, không có những hiểm nguy rình rập. Và sống trong một cuộc sống mới ấy, nhà thơ đã vô tình cuốn mình theo những vòng quay của cuộc sống mà quên đi những kí ức khi xưa, những kỉ niệm khi mình còn là một người lính. Và khi chợt nhận ra sự lãng quên vô tình ấy, nhà thơ đã không khỏi bồi hồi, xúc động. Bài thơ thể hiện được tuần tự cảm xúc tự nhiên của nhà thơ.

“Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với biển
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ”

Trước hết nhà thơ hồi tưởng lại cuộc sống khi xưa, khi điều kiện sống còn vô cùng khó khăn, nhưng trong chính điều kiện có phần khắc nghiệt ấy mà mọi hoạt động của đời sống đều được gắn liền với tự nhiên, đó là “đồng”, “sông”, “biển”. Đó là những kí ức đầy hồn nhiên, ngây ngô của cậu bé Nguyễ Duy khi còn là một đứa trẻ. Khi đã trưởng thành hơn, nhà thơ vào chiến trường thì những tình cảm gắn bó với tự nhiên ấy vẫn được duy trì, thậm chí nó trở nên sâu sắc hơn rất nhiều, vầng trăng trong tự nhiên đã cùng nhà thơ chiến đấu, cùng nhà thơ chia sẻ những buồn vui mà tự khi nào đã trở thành “tri kỉ”.

“Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa”

Trong cuộc sống gắn bó với tự nhiên, sống chan hòa với vạn vật ấy, nhà thơ ngỡ như không bao giờ có thể quên, bởi nó gắn liền với một thời kì gian khó, đồng hành với nhà thơ trong cuộc hành trình đầy hiểm nguy. Và thường những gì càng gắn bó, càng thân thiết thì người ta sẽ không bao giờ quên, dù có trưởng thành rồi, cuộc sống có thay đổi thì nó sẽ mãi nằm trong kí ức của con người. Nhưng khi đã sống ở một cuộc sống mới, nhà thơ bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống mới mà đã có lúc quên đi những kỉ niệm xưa, vầng trăng kỉ niệm khi xưa cũng trở nên nhạt nhòa và bị chìm vào lãng quên:

“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Ngỡ người dưng qua đường”

Con người là vậy, khi đằm chìm trong những nhịp điệu mới của cuộc sống thì thường bỏ quên những dòng kí ức xưa, khi hoàn cảnh sống thay đổi, con người không còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên nữa, khi không gian ác liệt của chiến trường được thay thế bởi không gian thành phố khi hòa bình, khi những ánh sáng tự nhiên của vầng trăng được thay thế bởi ánh điện thì con người có xu hướng quên lãng, nhà thơ Nguyễn Duy cũng không phải ngoại lệ. Cũng có lẽ vì thế mà khi nhà thơ Nguyễn Duy chợt nhận ra mình đã có những lúc vô tình lãng quên đi, từng coi vầng trăng tình nghĩa là “người dưng qua đường”, và sự lãng quên ấy đã làm cho nhà thơ vô cùng bồi hồi, xúc động. Và tình huống nhà văn nhớ về những kí ức xưa, khi những kỉ niệm được đánh thức, đó là khi thành phố mất điện:

“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn- đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”

Đó là tình huống bất ngờ xảy ra, khi đèn điện bị tắt, không gian tối om làm cho nhà thơ vội vàng bật tung cửa sổ như để quan sát, cũng có thể là để tìm kiếm chút ánh sáng, nhưng khi nhà thơ mở cửa sổ, ánh trăng chiếu rọi vào trong phòng cũng là lúc nó chiếu rọi vào trong chính tâm hồn của nhà thơ, chiếu rọi cả vào những phần kí ức đã lãng quên ở sâu thẳm tâm hồn mình “đột ngột vầng trăng tròn”. Và khi ấy, khi dòng hồi ức đã cuồn cuộn trở về thì cũng là lúc trong lòng nhà thơ dâng lên cảm xúc bồi hồi, xúc động, có chút nghẹn ngào:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng”

Đó là khi nhà thơ đối diện với những dòng hồi ức đang trào dâng, là khi trùng phùng với những cố nhân, tri kỉ khi xưa, nhưng sự gặp mặt đột ngột, bất ngờ này chỉ làm cho nhà thơ thêm tự trách mình, vì đã có lúc nhà thơ đã lãng quên, vầng trăng vẫn như vậy, vẫn “tròn vành vạnh” tức sự cố hữu trong tình cảm, tình nghĩa, nhưng nhà thơ tự trách mình vì đã đổi thay, trách mình “vô tình”, sao có thể quên đi những dòng hồi ức ấy, chính sự tĩnh lặng của vầng trăng đã làm cho nhà thơ giật mình, thức tỉnh. Sự im lặng ấy có thể là sự trách móc nghiêm khắc, nhẹ nhàng, cũng có thể là là sự bao dung của vầng trăng, vẫn mãi ở đó chờ cố nhân:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình”

Như vậy, bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy chính là quá trình nhà thơ tìm về với những hồi ức tươi đẹp, tình nghĩa khi xưa, chính sự chân thực trong cảm xúc, tình cảm đã khiến cho những vần thơ hiện lên thật chân thực, xúc động. Qua đó ta cũng thấy được chân dung tâm hồn của nhà thơ, đó là một tâm hồn đẹp của con người trọng tình nghĩa, dù có những lúc lãng quên nhưng sự kiểm điểm tự trách của nhà thơ đâu phải ai cũng có thể làm được.

0