24/02/2018, 12:13

Cảm nhận tiếng nói than thân trong câu ca dao: Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Phải đọc tới dòng thơ thứ hai (dòng bát), ta mới thấy chủ đề bài ca dao lộ diện. Từ phất phơ rất gợi hình và gọi cảm, có thể khơi dậy thoáng bâng khuâng trong lòng ta về hình ảnh của một tấm lụa đang lay động trong gió, lại vừa đánh thức ở ta niềm đồng cảm đối với nỗi lo ...

Phải đọc tới dòng thơ thứ hai (dòng bát), ta mới thấy chủ đề bài ca dao lộ diện. Từ phất phơ rất gợi hình và gọi cảm, có thể khơi dậy thoáng bâng khuâng trong lòng ta về hình ảnh của một tấm lụa đang lay động trong gió, lại vừa đánh thức ở ta niềm đồng cảm đối với nỗi lo âu mơ hồ của nhân vật trữ tình.

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Bài ca dao thường được hiểu là lời than của một người con gái đương thì đang lo lắng, bâng khuâng, hồi hộp trước ngưỡng cửa tình yêu – hôn nhân. Lo lắng là phải, bởi người phụ nữ xưa đâu có được toàn quyền quyết định số phận của mình. Họ đã được dạy về tam tòng, tứ đức và dường như đã chấp thuận việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" như một chuyện hiển nhiên. Họ cũng hiểu sự gả bán tất yếu sẽ xảy ra đối với mình. Biết vào tay ai, biết thuộc về ai, do ai sở hữu? – đó là câu hỏi không dễ và nhiều khi không thể trả lời. Cụm từ vào tay ai rõ ràng có thấm đượm một chút cam phận, ngậm ngùi.

Tuy nhiên, cái hấp dẫn, cái độc đáo của bài ca dao gắn liền với việc so sánh thân em với tấm lụa đào (những bài khác cùng chủ đề lại có cái hay riêng của chúng khi so sánh thân em với hạt mưa rào, hạt mưa sa…)- Nếu chỉ dừng ở dòngthơ thứ nhất (dòng lục), người tiếp nhận sẽ "đọc" ra từ đây một niềm tự hào và thậm chí là niềm kiêu hãnh của cô gái ý thức được rất rõ giá trị của mình. Một so sánh phù hợp, gắn liền với một hình ảnh đẹp, mềm mại, óng ả, có thể tự nó đứng ra như một biểu trưng xứng đáng để tôn vinh người phụ nữ! Sự than thân rõ ràng chưa được thể hiện ở đây.

Phải đọc tới dòng thơ thứ hai (dòng bát), ta mới thấy chủ đề bài ca dao lộ diện. Từ phất phơ rất gợi hình và gọi cảm, có thể khơi dậy thoáng bâng khuâng trong lòng ta về hình ảnh của một tấm lụa đang lay động trong gió, lại vừa đánh thức ở ta niềm đồng cảm đối với nỗi lo âu mơ hồ của nhân vật trữ tình. Cho đến khi các cụm từ “giữa chợ” và “biết vào tay” ai xuất hiện, bài ca dao mới thực sự gây ấn tượng chua xót về thân phận người phụ nữ trong xã hội. Thì ra, tấm lụa đào được đưa ta không chỉ để khoe, để cho người đời thưởng lãm, mà mục đích cuối cùng là để bán (khoe cũng nhằm tới việc dễ bán mà thôi!). Mà đã thành món hàng đem đi bán thì mọi sự may rủi đều có thể xảy ra, tùy thuộc vào người mua cùng thái độ của họ. Người mua là ai, cô gái chưa thể biết và vì vậy cô khó lòng có được sự an tâm. Trong hoàn cảnh này, không muốn mà lời than cứ bật ra. Trước khi tiếng than lộ ra qua giọng điệu, nó đã được "báo trước” từ việc tác giả dân gian lựa chọn hình ảnh so sánh và đặt tấm lụa đào vào một tương quan cụ thể: tấm lụa đào – chợ – tay người mua. Rõ ràng, bài ca dao đã được cấu tứ một cách chặt chẽ và hoàn hảo.

Bài ca dao, tuy thế, không tự khuôn mình vào một sắc thái giọng điệu duy nhất và do vậy cũng có thể đưa lại cảm nhận nhiều chiều. Vấn đề là ở chỗ: tác giả dân gian chỉ dừng ở việc gợi ra tình huống mà không nói rốt ráo về cái kết quả (buồn thảm hay may mắn) sẽ đến. Những người diễn xướng và tiếp nhận khác nhau, tùy sự liên tưởng đến những khả năng khác nhau nhất xảy ra đối với mình hay đối với nhân vật trữ tình, sẽ có những phản ứng tâm lí không đồng nhất. Một thoáng chốc tâm trạng thế là đã được neo lại bởi nghệ thuật ngôn từ, để rồi gieo rất nhiều vương vấn vào lòng người tiếp nhận hay những người tiềm tàng khả năng đồng tác giả với bài ca dao đó!.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

0