Cảm nhận đoạn trích Thề nguyền trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Cam nhan ve doan trich The nguyen trong Truyen Kieu cua Nguyen Du – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nêu cảm nhận về đoạn thơ Thề nguyền trích Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bài làm của một học sinh lớp 10 tại Hà Nội. Với 3254 câu thơ lục bát đậm đà màu sắc Việt Nam, Nguyễn Du đã vẽ nên cuộc đời ...
Cam nhan ve doan trich The nguyen trong Truyen Kieu cua Nguyen Du – Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nêu cảm nhận về đoạn thơ Thề nguyền trích Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bài làm của một học sinh lớp 10 tại Hà Nội. Với 3254 câu thơ lục bát đậm đà màu sắc Việt Nam, Nguyễn Du đã vẽ nên cuộc đời của nàng Kiều “hồng nhan bạc mệnh” với nhiều thăng trầm, sóng gió dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Có thể nói ...
– Đề bài: Anh chị hãy viết bài văn nêu cảm nhận về đoạn thơ Thề nguyền trích Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bài làm của một học sinh lớp 10 tại Hà Nội.
Với 3254 câu thơ lục bát đậm đà màu sắc Việt Nam, Nguyễn Du đã vẽ nên cuộc đời của nàng Kiều “hồng nhan bạc mệnh” với nhiều thăng trầm, sóng gió dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Có thể nói “Truyện Kiều” là một công trình nghệ thuật thấm nhuần tinh thần nhân đạo và có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc.
Trong tác phẩm, đoạn trích “Thề nguyền” là đoạn trích mà tác giả dành để nói về đêm thề nguyền của Kim Trọng và Thúy Kiều trong khung cảnh một đêm trăng lãng mạn, đây là một chuyện tình yêu đẹp nhưng gặp nhiều trắc trở của “người quốc sắc, kẻ thiên tài”.
Kim Trọng và Thúy Kiều gặp gỡ nhau như một định mệnh se duyên của ông trời trong buổi du xuân tảo mộ đầu xuân. Hai người một “người quốc sắc”, một “kẻ thiên tài” đã nhanh chóng nhận ra giá trị của nhau và kết thành mối tình tuyệt đẹp bằng những lời hứa hẹn, thề nguyền dưới đêm trăng.
Sau khi gặp gỡ Kiều, Kim Trọng như say đắm trước vẻ đẹp “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” của nàng và quyết định tìm phòng trọ đến gần nhà Kiều ở để có dịp tiếp xúc với nàng nhiều hơn, không phải chỉ riêng Kim Trọng mà Thúy Kiều cũng nao lòng trước vẻ “hào hoa phong nhã” của chàng Kim. Hai người tuy “tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”. Nhân dịp nhặt được cái kim thoa của Thúy Kiều đánh rơi, Kim Trọng đã tìm đến Thúy Kiều, và đây chính là cơ hội bày tỏ tình cảm và hứa hẹn của hai người.
Đoạn trích “Thề nguyền” kể về lần thứ hai Kiều quay trở lại gặp Kim Trọng nhân lúc gia đình không có ai ở nhà. Và chính thời điểm này, hai người đã làm lễ thề nguyền:
“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa, gương rọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt hướng huỳnh hắt hiu”
Người đọc mường tượng ra một khung cảnh lãng mạn, thơ mộng, huyền ảo của đêm thề nguyền có ánh trăng sáng vằng vặc và ngọn đèn hiu hắt. Nói về Kiều, khi về đến nhà Kiều thấy “cửa ngoài rủ rèm the” nàng biết cha mẹ chưa về liền quay lại lần thứ hai để gặp Kim Trọng. Hình ảnh Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” cho ta thấy nàng đã hết sức can đảm, vượt qua mọi rào cản để đến gặp người mà mình thầm thương trộm nhớ. Còn với Kim Trọng thì khoảnh khắc lúc này đáng quý hơn bao giờ hết, bởi vì sau bao ngày tháng mong ngóng chờ đợi giờ đây được gặp trực tiếp, được giãi bày tâm sự cùng nàng:
“Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng”
Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ “tiếng sen” để nói về từng bước chân nhẹ nhàng của Thúy Kiều giữa lúc chàng Kim đang nửa tỉnh, nửa mê, luyến tiếc khi nàng Kiều quay trở về nhà sau lần gặp gỡ thứ nhất. Thế rồi nàng Kiều bất chợt quay lại khiến tâm trạng chàng bâng khuâng, xao xuyến tưởng chừng như còn mơ màng trong giấc mộng đêm xuân, Nguyễn Du đã mượn điển tích “đỉnh Giáp non thần” vua nước Sở nằm mơ thấy thần nữ núi Vu Giáp trong điển tích của văn học cổ Trung Quốc.
Ở lần gặp thứ hai này, Kiều đã mở lời trước:
“Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Bây giờ rõ mặt tìm hoa
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”
“Khoảng vắng đêm trường” gợi một khoảng không gian thời gian trong tâm trí rợn ngợp mà nàng phải vượt qua để tới gặp Kim Trọng. Câu thơ “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” của Kiều đã nói lên quan niệm hoàn toàn khác biệt của Kiều về tình yêu, nàng không giống như những cô gái khác, nàng muốn làm chủ tình yêu của mình vượt lên mọi rào cản của các quan niệm cũ để vươn tới một tình yêu đích thực do mình tạo ra.
Trước sự chủ động mở lời của Thúy Kiều, Kim Trọng đáp trả bằng hành động “rước vào”:
“Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp song đào thêm hương”
Hành động này của Kim Trọng thể hiện sự trân trọng nàng Kiều, rồi tiếp đến là thắp đèn cho sáng, làm tăng hương thơm cho căn phòng. Hình ảnh nến sáp tạo nên một không khí vô cùng ấm áp tại nơi này.
Những lời thề nguyện, hẹn ước đã được chuẩn bị sẵn, kỉ vật cũng đã sẵn sàng cho khoảnh khắc thề nguyền của hai người:
“Tiên thề, cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi”
Hai người cùng làm lễ thề nguyền dưới ánh trăng sáng vằng vặc, trang nghiêm như một minh chứng tình yêu của Kim và Kiều:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”
Bằng những câu thơ này, người đọc có thể dễ dàng tưởng tượng ra không khí trang nghiêm, thiêng liêng của thời điểm này. Từ láy “đinh ninh” cùng lời thề “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của họ dưới sự chứng giám của “vầng trăng vằng vặc” tượng trưng cho vũ trụ bao la.
Chỉ bằng một đoạn thơ ngắn nhưng Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy tình yêu lãng mạn, tuyệt đẹp của Kim Trọng và Thúy Kiều cùng lời thề nguyền, hẹn ước của họ dưới khung cảnh thơ mộng, huyền ảo. Thông qua tình yêu của hai người, Nguyễn Du thể hiện được tư tương nhân đạo của mình, yêu thương và trân trọng hạnh phúc của con người đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa.
Theo: Ngọ Thị Quỳnh