Cảm nhận của em về nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao
Đề bài: Bài làm: Nam Cao là một trong những cây bút truyện ngắn hiện thực xuất sắc phải kể đến trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Người ta thường nói, tác phẩm theo thời gian thường có sức sống lâu bền. “Chí Phèo” của Nam Cao cũng là một hiện tượng như ...
Đề bài:
Bài làm:
Nam Cao là một trong những cây bút truyện ngắn hiện thực xuất sắc phải kể đến trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Người ta thường nói, tác phẩm theo thời gian thường có sức sống lâu bền. “Chí Phèo” của Nam Cao cũng là một hiện tượng như vậy. “Chí Phèo” – tác phẩm đã làm nổi bật lên cây bút Nam Cao, một cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã để tự thân nhân vật phản ánh hiện thực bi kịch con người bị tha hóa – cái nhìn mới mẻ của Nam Cao về người nông dân với bi kịch riêng của họ.
“Chí Phèo” là cái tên do người biên soạn đặt lại cho tác phẩm, ban đầu, tác phẩm có tên là “Cái lò gạch cũ” sau đó nhà xuất bản đổi lại thành “Đôi lứa xứng đôi” sau đó thì tác phẩm lại có tên là “Chí Phèo”. Qua những lần đổi tên có thể thấy ý nghĩa nhấn mạnh cũng như mục đích biểu hiện của tác phẩm. “Cái lò gạch cũ” nhấn mạnh bi kịch vòng đời luẩn quẩn của nhân vật chính – Chí Phèo, với tên “Đôi lứa xứng đôi” nhà xuất bản đổi với mục đích giật gân, câu khách. Với tên tác phẩm là “Chí Phèo”, dụng ý của người đặt tên đã nhấn mạnh đến số phận – bi kịch của nhân vật chính trong tác phẩm.
Trong tác phẩm, Chí Phèo xuất hiện là một thanh niên hiền lành, lương thiện. Chí Phèo đuộc biết đến chính là đứa con bị bỏ rơi ở lò gạch, trong Chí xám ngắt trong chiếc váy đụp. Chí được bác phó cối mang về nuôi. Sau khi bác phó cối mất, Chí đi ở từ nhà này đến nhà kia để qua ngày. Chí không cha, không mẹ, không tấc đất cắm dùi, sống tự do tự tại nhưng lại không có của cải gì để dành, không nhà, không cửa.
Chí làm canh điền cho nhà lý Kiến, Chí bị bà ba lợi dụng rồi vu oan cho Chí, vì ghen tuông nên Chí bị đẩy đi tù. Sau ba năm ở tù, Chí từ một chàng thanh niên chất phác, có ước mơ, khát vọng sống trở thành người mà cả làng Vũ Đại xa lánh. Ước mơ giản dị của Chí cũng đã bị chính bản thân quên mất, Chí đã từng ước một cuộc sống gia đình đơn giản mà đầm ấm, hạnh phúc, có vợ có chồng, cùng làm công việc đồng áng, nuôi con lợn, con gà. Sau khi ở tù về, Chí đã thay đổi, không còn hiền lành, chất phác như trước đây.
Chí trở thành Con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí ở tù về về, ngoại hình, tính cách đều thay đổi. Đầu cạo trắng hếu, mặt câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Thân hình toàn hình xăm, nói năng cộc lốc. Chí Phèo từ một anh nông dân hiền lành chất phác trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Chí ra tù, nhưng vẫn thói nào tật ấy, gây sự hết người này đến người khác, sau đó đến nhà Bá Kiến ăn vạ, xin được trở lại ở tù. Chí nóng nẩy, gay gắt nhưng cuối cùng vẫn trở thành tay sai cho nhà bá Kiến.
Sự tha hóa, biến chất cũng như sự tàn bạo của chế độ thực dân không chừa một ai, con người bị đẩy vào bước đường cùng mà lại không có đường quay lại. Xã hội đó, những người như Chí Phèo muốn quay trở lại cũng khó, khi nào xã hội hết những người như Bá Kiến thì mới hết những Chí Phèo.
Từ tận sâu trong tâm hồn con người Chí, Chí vẫn luôn khao khát có một cuộc sống bình thường từ ngày gặp Thị Nở, người duy nhất trong làng coi Chí là người, Thị mang đến tình thương, tình yêu dành cho Chí trong trận ốm, thức tỉnh Chí kéo Chí quay lại với cuộc sống bình dị. Để khi thức dậy, Chí thấy cuộc sống ngoài kia bình dị quá, căn nhà cần được sửa sang lại. Chí thấy mình là người đàn ông, cần phải có trách nhiệm và lại nhớ lại cái ước mơ từ thuở trước.
Cánh cửa mà thế giới hiện tại hé mở để Chí quay đầu lại vừa mở thì đã bị đóng sập lại. Bà cô Thị Nở là đại diện cho xã hội, cho những người dân làng Vũ Đại đã là người đóng cánh cửa ấy lại, đẩy Chí xuống vực thẳm tuyệt vọng. Chí cảm thấy đau tột cùng, đau với nỗi bất hạnh lớn lao ấy. Chí tìm đến rượu, càng uống, càng tỉnh đến khi xách dao lên định giết cái người đã trực tiếp cự tuyệt chí – bà cô Thị Nở nhưng theo thói quen, Chí xách thẳng dao tới nhà bá Kiến và kết liễu đời hắn, người mà đã đẩy Chí từ một anh thanh niên lương thiện thành một tên quỷ dữ của làng Vũ Đại, khiến ai cũng tránh xa, ai cũng xa lánh Chí. Câu nói cuối cùng vẫn luôn ám ảnh, văng vẳng chốn nhân gian của Chí: “ai cho tao lương thiện?” đã kết thúc cùng cuộc đời Chí.
Nhân vật Chí Phèo là nhân vật tiêu biểu phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ. Bi kịch tha hóa và bị cự tuyệt quyền làm người có thể thấy rõ trong tác phẩm. Nam Cao đã xuất sắc lồng vào đó dụng ý nghệ thuật của mình, những quan điểm của mình làm nổi rõ trong tác phẩm. “Chí Phèo” là tác phẩm xuất sắc, làm sống mãi tên tuổi của Nam Cao.
Hà Vũ Hường