02/06/2017, 23:37

Cảm nhận của em về đoạn thơ trong đoạn trích Trao Duyên (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, ta không thể không nhắc đến tuyệt tác của ông: “Truyện Kiều”, một tác phẩm mang giá trị nhân đạo, giá trị nhân văn sâu sắc. Song, tác phẩm này còn thành công ở giá trị nghệ thuật, nghệ thuật trong thơ đã lên đến đỉnh cao. Đặc biệt là nghệ thuật diễn tả tâm trạng nhân ...

Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, ta không thể không nhắc đến tuyệt tác của ông: “Truyện Kiều”, một tác phẩm mang giá trị nhân đạo, giá trị nhân văn sâu sắc. Song, tác phẩm này còn thành công ở giá trị nghệ thuật, nghệ thuật trong thơ đã lên đến đỉnh cao. Đặc biệt là nghệ thuật diễn tả tâm trạng nhân vật. Một trong những đoạn trích đặc sắc nhất về cuộc độc thoại nội tâm là “Trao duyên”. Đây là đoạn thơ diễn tả nỗi đau khổ của Thúy Kiều khi trao duyên cho em gái là Thuý Vân, để nhờ Thúy ...

Mối tình giữa Kim Trọng và Thúy Kiều là một mối tình trong sáng và đẹp đẽ nhất. Vậy nên, Thúy Kiều khó lòng chia tay Kim Trọng. Nàng đã rất đau khổ, rất xót xa khi phải trao duyên cho Thúy Vân. Đây là nỗi đau đớn dằn vặt, đau đớn cho cuộc tình tan vỡ, đồng thời cũng là nỗi xót xa, xót xa cho thân phận của chính mình. Nếu ta coi truyện Kiều là một bi kịch đằng đẵng về cuộc đời Kiều, thì đoạn này thể hiện bi kịch đầu tiên ấy.
 
Trước khi nàng phải từ bỏ tất cả theo Mã Gíam Sinh để có thể chuộc Cha, thì nàng đã phải dùng mọi lời lẽ để nhờ Thúy Vân giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Nàng dùng lời an ủi, động viên Vân bằng những lời rất thiết tha.
 
“Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.”
 
Nàng đã nhắc đến tình máu mủ, ruột thịt, mối quan hệ huyết thống mong có thể đền đáp, trả nghĩa cho tình đôi lứa, tình “non nước”. Nàng an ủi Vân cũng chính là an ủi mình đã chọn con đường đúng, mình đã bỏ qua chữ tình để giữ trọn chữ “hiếu”. Tuy đây là lời an ủi, động viên, song là nỗi day dứt, xót xa trong Kiều. Kiều tuy trao duyên chứ không thể trao tình được.
 
Nàng đã rối loạn rồi, nàng đã nghĩ đến cái chết:
 
“Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
 
Rồi nàng lại gợi những kỉ niệm cũ, những kỉ vật đẹp đẽ của mối tình dang dở:
 
“Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.”
 
“Chiếc thoa” và “bức tờ mây” vốn là những vật đẹp đẽ, quen thuộc gắn bó giữa hai người, nay lại là “của chung” của cả ba người Kim Trọng, Thúy Vân và Thúy Kiều. Kiều đã vô cùng xót xa khi dung từ “của chung”. Lòng Kiều như xát muối. Kiều sao chịu được nỗi đau này, tình cảm sao có thể chia sẻ được đây? Kiều đã khéo léo dành chữ “duyên” giữ lại cho Vân, còn chữ tình thì vẫn giữ lại cho mình. Càng chứng minh rằng tình cảm của Kiều thật thiết tha, nồng cháy. Song, càng nồng cháy bao nhiêu thì khi phải chia sẻ tình cảm, Kiều lại càng đau đớn bấy nhiêu. Trong Kiều như càng ngày càng bị giằng xé. Kiều rối bời, đau xót cho thực tại phủ phàng.
 
Nhưng thật trớ trêu, Kiều càng giãi bày tâm sự thì lời nói của Kiều lại càng đau xót hơn:
 
“Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”
 
Nàng không còn bình tĩnh nữa mà cũng không còn vui vẻ, tươi cười như ngày nào. Nàng đã nhận ra và ý thức được than phận của mình, than phận tài hoa mà bạc mệnh. Vì tình cảm không thể chấm dứt nên cứ dai dẳng mãi khiến Kiều lại tiếp tục nhắc đến các kỉ vật “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” và “chút của tin”. Đây không chỉ là các kỉ vật tượng trưng cho tình yêu hai người nữa mà chúng còn gợi ra sự xót xa cay đắng trong tâm hồn Kiều.
 
Nàng lại một lần nữa nghĩ tới cái chết:
 
“Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.”
 
Kiều quả là người chung thủy. Tuy đã trao duyên cho Vân rồi, tuy ngay cả khi nàng chết chăng nữa, nhưng nàng vẫn luôn mang theo lời thề đã trao cho Kim Trọng. Trong nỗi đau đớn của mình, nàng đã nhận mình là người thác oan. Qua đây, ta thấy rằng Kiều ý thức sâu sắc về thân phận bạc bẽo của mình. Nàng xót xa, hay chính tác giả cũng phải xót xa trước con người tài hoa, bạc mệnh? Qua đoạn này, Nguyễn Du đã tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến đương thời, xã hội đã chà đạp lên cuộc đời của con người, khiến họ đến bế tắc, đến đường cùng.
 
Kiều vô cùng day dứt, nuối tiếc dĩ vãng đã xa. Nàng cũng đau đớn trước thực tại, cũng rất lo lắng, sợ hãi và bế tắc cho tương lai của chính mình: “mảnh hương nguyền ngày xưa”, “bây giờ trâm gãy bình tan”, “mai sau dù có bao giờ”. Một cuộc đời đầy những bất hạnh và bi kịch. Mọi thứ đều đen tối, đen tối cho cuộc đời nàng cho tiền đồ của nàng:
“Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.”
 
Nàng quay sang nói với Kim Trọng, hay chỉ là bóng của Kim Trọng? Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ thể hiện nỗi đau đột ngột. Cái hạnh phúc của con người bỗng chốc đã bị tan vỡ, càng nhấn mạnh được cuộc đời bi kịch của nàng. Câu thơ giống như tiếng than xé lòng, một tiếng than não ruột về thân phận chính mình. Đối với người phụ nữ, đặc biệt là với Kiều, hạnh phúc quá mong manh. Kiều chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc thì nó đã vụt mất. Nàng chưa kịp có một gia đình bên người mình yêu thì tai họa đã đến. Ta cảm nhận được nỗi tái tê, sự bế tắc trong lòng Kiều:
 
“Tơ duyên ngăn ngủi có ngần ấy thôi…
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.”
 
Kiều tê tái nhận ra thân phận bi kịch của mình qua từ “đã đành”, “ấy thôi”.
 
“Phận sao phận bạc như vôi”.
 

0