Cảm nhận của em về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử, được sáng tác vào năm 1938, in lần đầu trong tập “Thơ điên”. Khi viết bài thơ này Hàn Mặc Tử đang trong giai đoạn bệnh nặng, cả thể xác lẫn tinh thần bị đau đớn và bệnh tật giằng xé. Nhưng thể hiện qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ta chỉ thấy một chất ...
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một kiệt tác của Hàn Mặc Tử, được sáng tác vào năm 1938, in lần đầu trong tập “Thơ điên”. Khi viết bài thơ này Hàn Mặc Tử đang trong giai đoạn bệnh nặng, cả thể xác lẫn tinh thần bị đau đớn và bệnh tật giằng xé. Nhưng thể hiện qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ta chỉ thấy một chất thơ nhẹ nhàng, một hồn thơ khao khát yêu thương, bệnh tật dường như không thể chạm đến tâm hồn của Hàn Mặc Tử. Với những hình ảnh biểu hiện nội tâm, hình ảnh gợi tả, ngôn ngữ tinh tế, giàu liên ...
Bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn ở thôn Vĩ Dạ. Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tu từ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu hỏi vừa như lời trách cứ nhưng lại nhẹ nhàng, dịu ngọt như một lời mời. Nghệ thuật trách và mời trong câu thơ thật khéo léo, uyển chuyển, ngọt ngào như nét duyên của người con gái. Qua lời mời gọi dịu dàng, tác giả đưa ta đến với một bức tranh thiên nhiên nhiên tuyệt mĩ của thôn Vĩ:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Thôn Vĩ Dạ là một thôn làng thơ mộng nằm kề sát thành phố Huế bên bờ sông Hương. Qua ngòi bút tinh tế của tác giả, vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ hiện lên càng lấp lánh hơn, như một điểm nhấn của thiên nhiên. Đến với bức tranh thôn Vĩ Dạ, cảnh đầu tiên hiện ra trong tầm nhìn chính là “hàng cau”. Nhà thơ nói đến hàng cau trước tiên vì cau là một loài cây thanh nhã, ngay thẳng gợi lên sự bất khuất, thủy chung. Cau trồng thành hàng lối tạo nên vẻ đẹp chuẩn mực, ngay ngắn, giàu tính tạo hình, gây ấn tượng đẹp trong tâm trí người đọc. Vẻ đẹp của hàng cau còn có thêm một chi tiết đẹp hơn tô điểm, đó là “nắng hàng cau”, “nắng mới lên”. Những hàng cau trồng theo hàng lối đón ánh nắng lấp lánh khiến cho ánh nắng dường như cũng trải dài, trải dài thành từng tầng sáng theo từng ngọn cau bao phủ lấy thôn làng ngõ xóm. Từ “nắng” ở đây lặp lại hai lần làm ta dường như cảm nhận được ánh nắng ấm áp lan tỏa khắp nơi, tạo nên sức sống cho bức tranh thôn Vĩ Dạ. Câu thơ thứ ba bật lên như một sự ngạc nhiên thích thú: “ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Bức tranh thiên nhiên không chỉ có ánh vàng của nắng mà còn có màu xanh tràn nhựa sống của cây lá hoa cỏ. “Mướt quá” gợi lên cho ta thấy sự tràn trề sức sống của cây cối xanh tốt. Màu “mướt quá” làm dịu đi trong ta những bụi bặm, khiến tâm hồn cảm thấy như tươi trẻ hơn. Màu xanh được so sánh với “ngọc” càng khiến cho bức tranh thiên nhiên dường như cao quý, thuần khiết hơn, không nhiễm bụi trần. Câu thơ cũng thoáng hiện lên hình bóng của ai đó qua thông tin “ vườn ai” mà tác giả còn để ngỏ. Và để đến câu thơ tiếp theo, hình bóng ấy hiện ra một các rõ ràng hơn: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Hình bóng con người hiện lên làm cảnh vật dường như sinh động hẳn lên. “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Thấp thoáng trong khu vườn xanh mướt lá, hiện ra một gương mặt “chữ điền” phúc hậu vừa thực, vừa ảo, vừa gần nhưng lại vừa xa bởi “lá trúc che ngang”. Gương mặt trong câu thơ như đang dõi theo bước chân người khách nhưng lại vô cùng dịu dàng, e ấp. Câu thơ đẹp vì có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. Như vậy chỉ với vài nét chấm phá, Hàn Mặc tử đã phác họa được cảnh vật và con người ở thôn Vĩ Dạ một cách vô cùng sinh động, vừa quen thuộc gần gũi lại thi vị độc đáo. Đoạn thơ gợi lên trong tâm hồn người đọc bao nỗi niềm, cảm xúc về quê hương yêu dấu.
Khổ thơ thứ hai cho ta thấy một thế giới khác của Huế, một sự chuyển biến hoàn toàn về tâm trạng của nhân vật trữ tình:
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Hai câu thơ tả cảnh nhưng ta dường như ta thấy nặng trĩu tâm tình. Hai câu thơ gợi cảnh chia li sầu não buồn đến não nề. Gió thổi mây bay thường quấn quýt bên nhau nhưng ở đây “gió theo lối gió, mây đường mây”. Còn nữa, hoa rơi nước chảy còn sự việc nào vô tình hơn? Phải chăng là một mối tình đơn phương, chưa có phút giây gặp gỡ yêu thương đã sớm chia li buồn tủi nên cảnh mới hòa vào lòng người mà sầu khổ, phân li. Điệp từ “gió” và “mây” càng nhấn mạnh thêm khoảng cách, sự xa cách. Hai câu thơ mang một nhịp điệu rất Huế, êm đềm, lững lờ mà trầm tư, man mác buồn.
Đặc biệt viết về Huế không thể thiếu ánh trăng: “Thuyền ai đậu bến…kịp tối nay”
Trăng là biểu tượng cho cái đẹp, tượng trưng cho hạnh phúc và thanh bình. Hình ảnh trăng trong thơ của Hàn Mặc Tử gợi cho người đọc một niềm hi vọng, một niềm tin. Chỉ có trong thơ mới có thể có sông trăng và thuyền chở trăng. Ẩn dụ của tác giả thật thơ mộng, mang đến cho ta niềm khao khát, đợi chờ. Nhưng có thể không? “Có chở trăng về kịp tối nay”. Lời thơ cất lên như một câu hỏi vô vọng không có đáp án. Hai câu thơ đặc tả tâm trạng khát khao gặp gỡ nhưng đồng thời cũng thể hiện nỗi lo lắng phập phồng.
Khổ thơ cuối có lẽ nhà thơ đã tỉnh mộng, quay về với thực tại đang sống, đối mặt với chính mình để viết lên những vần thơ:
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”
Điệp ngữ “khách đường xa” vừa thể hiện tâm trạng nhớ thương khắc khoải lại dường như cái vô vọng của mối tình đơn phương xa vời. Lúc này ở thực tại tác giả đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, cắt đứt mọi giao tiếp với xung quanh nên ta có thể nhận thấy qua lời thơ ước mơ của tác giả vô cùng tha thiết. Tác giả không mơ được trở về thôn Vĩ nữa mà mơ có một người khách nào đó đến thăm. Nhưng rồi giấc mơ ấy như nhòa đi : “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Ở đây ta có thể thấy tác giả mơ về một người con gái, nhưng chỉ có thể thấy “áo” chứ “nhìn không ra” . Chỉ biết đây là một hình ảnh rất đỗi gần gũi nhưng lại quá xa xôi. Gần gũi vì nó đã trở thành một hoài niệm thường trực, còn xa xôi là vì khoảng cách thời gian, không gian. Câu thơ con có nét đặc sắc riêng khi nhắc đến chiếc áo trắng gợi cho ta nhớ đến những nữ sinh Huế mặc áo dài. Nét thanh khiết này làm ta hình dung rõ hơn về cô gái trong mộng tưởng.
Trong tâm trạng buồn bã cô đơn của thực tại và nhớ mong khắc khoải trong thơ, nhà thơ chợt khao khát cuộc sống đến tột cùng:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
Ở nơi tình cảm chỉ mờ như sương khói, cái tha thiết mong đợi của tác giả như đọng lại tới vô cùng.
Ai biết tình ai có đậm đà
Cái hay của câu thơ nằm ở đại từ phiếm chỉ “ai”, nghe như lời nghi ngờ, cũng như một tiếng thở dài vô vọng.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” mặc dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc. Bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ mà con là nỗi lòng của một con người với những tâm sự sâu lắng, với những khát khao yêu đời, yêu người.