05/06/2017, 00:07

Cảm nhận của anh (chị) sau khi đọc truyện “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam (Bài 1)

Không hiểu sao, cứ mỗi lần đọc xong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, gấp trang sách lại rồi, dường như tôi vẫn âm vang tiếng trống thu không, cái tiếng trống phát ra “trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Tiếng trống ấy vốn là thứ âm thanh bình thản để báo ...

Không hiểu sao, cứ mỗi lần đọc xong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, gấp trang sách lại rồi, dường như tôi vẫn âm vang tiếng trống thu không, cái tiếng trống phát ra “trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”. Tiếng trống ấy vốn là thứ âm thanh bình thản để báo giờ khắc. Nhưng trong câu văn Thạch Lam nó không còn dửng dưng, bình thản nữa. Trong buổi chiều quê “êm ả như ru”, trong khung cảnh “phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đảm mây ánh hồng như ...

Trong buổi chiều quê mơ hồ và man mác ấy, mọi thứ hiện lên thật lặng lẽ. Âm thanh dường như cố nhỏ lại, màu sắc nhòe đi, hoạt động của con người cũng thật khẽ khàng. Thạch Lam đã lắng nghe được nhịp cuộc đời trong sự tĩnh lặng ấy. Ông dường như nghe được cả tiếng rì rào của đất đai, hơi thở của cây cỏ và nỗi bâng khuâng của lòng người mà tiếng trống kia vừa thức dậy. Ông cảm nhận được từ “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào” cho đến tiếng “muỗi đã bắt đầu vo ve”:.. Những âm thanh nhẹ và mỏng như thoảng trong gió ấy tạo nên cảm giác yên tĩnh của chiều quê và sự tế vi của cảm xúc. Ông nhìn thấy cảnh vật cũng nhòe đi theo nỗi bâng khuâng: “Dãy tre làng trước mặt đã đen lại”; “cửa hàng hơi tối”, chợ “đã vãn từ lâu”, “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”... Trong cái không khí lặng lẽ man mác ấy, nhân vật chính của truyện — hai chị em Liên - xuất hiện cùng với nỗi bâng khuâng mơ hồ mà chỉ có trái tim giàu cảm thông và nhạy cảm của Thạch Lam mới cảm nhận được: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thắm thìa vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao nhưng thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”.

Thạch Lam chọn cái “giờ khắc của ngày tàn” để miêu tả những con người nhỏ bé nơi một phố huyện khuất lấp sau bóng thị thành. Cái thế giới của họ dường như càng buồn bã hơn khi nó được bắt đầu vào giờ tàn của ngày và kéo dài trong đêm tối mênh mông. Nhưng đấy cũng chưa hẳn là bóng đêm đáng sợ như nhiều người đã lầm tưởng. Bóng đêm ấy đã hiện lên với không ít chất thơ và sự dịu dàng: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Một đêm phố huyện “trẻ con tập hợp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ”. Một đêm phố huyện với “vòm trời với hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh"... Đây là một đêm rất riêng của vùng quê mà chị em Liên cảm nhận được. “Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất của quê hương này”... Và khi mọi xáo động đi qua, đêm tối mênh mông kia dường như che chở, bao bọc, cho ta cảm giác, bình yên: “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”... Có lẽ đấy là những dòng miêu tả hay nhất về đêm miền quê rất đỗi bình dị, thân thiết mà ta có được trong văn chương. Phải nặng lòng gắn bó với quê hương nhiều lắm mới cảm nhận một cách sâu sắc và tha thiết đến vậy.

Trong bóng đêm lặng lẽ ấy dễ khiến lòng người nao nao. Thạch Lam đã nao lòng trước những đứa trẻ đang nhặt nhạnh những thứ còn xót lại trên nền chợ trống trơn. Ông đã nao lòng trước hình ảnh bóng tối ngập đầy dần đôi mắt trẻ thơ. Bây giờ ông lại nao nao trước cảnh sinh hoạt và bóng dáng những cuộc đời thầm lặng nơi phố huyện này. Trước cái thế giới âm thầm và lặng lẽ của những con người bé nhỏ, nhà văn như muốn đưa lòng mình ra mà cảm thông, mà chia sẻ và che chở cho họ, cho những cuộc đời lặng lẽ như những cái bóng trong đêm. Đó là chị em Liên đêm đêm vẫn mơ về vầng sáng nơi Hà Nội xa xôi. Đó là mẹ con chị Tí ngày ngày “mò cua bắt tép, tối bán hàng nước, chả kiếm được bao nhiều, nhưng chiều nào cũng dọn hàng” như chờ đợi một sự may mắn nào đó. Đó là “vợ chồng bác Xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng dàn bầu bật trong im lặng”. Rồi bác phở Siêu, bà cụ Thi một bà già hơi điên điên... Từng ấy con người, từng ấy cuộc đời đã họp thành phố huyện. “Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Thạch Lam không chỉ miêu tả, mà ông suy gẫm, tạo nên một “tiếng nói” rất riêng vọng lên từ những cuộc đời khuất lấp và lầm lũi kia. Có một nhà phê bình văn học đã nói rằng văn học không chỉ là sự đời, mà là “tiếng nói” của con người về cuộc đời. Vận vào văn Thạch Lam thật đúng.

Thạch Lam nhìn thế giới của những con người bé nhỏ kia như đang chìm dần vào bóng tối. Họ là những con người, đúng hơn là những cái bóng, bé nhỏ trong cái bóng đêm mênh mông của kiếp người. Họ hiện ra trong bóng tối lờ mờ của những ngọn đèn không đủ sáng. Đó là một thế giới đầy bóng tối mà ánh sáng mới hiếm hoi làm sao! Trong cái thế giới bóng đêm ấy, ánh đèn bác phở Siêu chỉ là “một chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối”. Ánh đèn trong cửa hàng chị em Liên thì “thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Đến những cánh cửa nhà ai hé mở thì cũng chỉ để lọt ra “một khe ánh sáng”... Có lẽ chưa mấy ai miêu tả ánh sáng là chấm, là hột, là khe một cách riết róng như Thạch Lam. Hình như để đối lập lại, ông miêu tả bóng tối thật tràn trề: “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối dày đặc đến độ dường như cản cả âm thanh lại: “Trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối”. Đến tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi hơi điên cũng “nhỏ dần đi” trong bóng tối. Ngoài sân ga “cũng im lặng, tối đen như ngoài phố” và “đêm ở thành phố tịnh mịch và đầy bóng tối”.

Cái ánh sáng rực rỡ của một “Hà Nội nhiều đèn quá” đối với chị em Liên chỉ còn trong kỉ niệm của thời gian đã qua mà bây giờ trở thành nỗi khát khao. Cái ánh sáng của “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh” lại quá xa xôi, thuộc về “vũ trụ thăm thẳm bao la”, “đầy bí mật và xa lạ”, “làm mỏi trí nghĩ”... Thành ra, những con người như chị em Liên lại quay về quầng sáng nơi mặt đất, “quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”. Đây là quầng sáng cứ trở đi trở lại trong truyện, trở đi trở lại trong tâm trí Liên như một thứ “ám ảnh” về cái -thực tại mà cô đang có. Cái thực tại mà khi “những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn”, khi chập chờn trong giấc ngủ Liên nhận ra “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.

Tác giả xa xót cho những cuộc đời bé nhỏ như những “chiếc đèn con”, “chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Tất cả tình thương của ông tụ hội lại nơi quầng sáng bé nhỏ này đây khiến cho ông đã thông cảm được với họ, lắng nghe được khát vọng của họ.

Trong thăm thẳm của bóng đêm âm u, ông vẫn nhìn thấy ở họ lấp lánh mơ ước. Mơ ước về một cái gì tươi sáng hơn. Và hình ảnh một đoàn tàu mang một thứ ánh sáng khác đi qua nơi phố huyện đã trở thành nỗi khát khao của những người như chị em Liên. Thế là hình ảnh hai đứa trẻ cứ đêm đêm cố thức đợi tàu trở thành nỗi ám ảnh không thể quên của người đọc. Hai chị em cố đợi chuyến tàu đêm sẽ dừng lại nơi phố huyện mấy phút không nhằm để bán được hàng, thực hiện cuộc mưu sinh hàng ngày, mà chỉ vì để “được nhìn chuyến tàu”. Một chuyến tàu mang một thế giới khác đến, một chuyến tàu từ Hà Nội về. Cho nên dù “chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn” vẫn là nỗi thổn thức của chị em Liên. Bởi “họ ở Hà Nội về, Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh sáng lửa của bác Siêu”. Mà nào đâu chỉ chị em Liên. Cả phố huyện tĩnh lặng bỗng “náo động” lên vì chuyến tàu. Hình như ai cũng đợi chuyến tàu, “sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”, và hình như còn chờ đợi cái gì khác nữa. Hình ảnh đoàn tàu gợi cho ta hình ảnh “cánh buồm đỏ thắm” của Grin. Hai hình ảnh khác nhau mà niềm hy vọng, nỗi khát khao gần gũi nhau biết dường nào. Cho nên chuyến tàu đã đi qua mà ánh mắt của chị em Liên vẫn bị hút theo “cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”... Ánh mắt trẻ thơ khát khao hút theo bóng dáng con tàu khiến người đọc nao lòng.

Con tàu đã đi qua. Phố huyện trở lại sự tĩnh lặng vốn có. Cô bé Liên cũng đã “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh” mà không hiểu sao dường như ta vẫn nghe “tiếng còi xe lửa ở đâu vẳng lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Cái âm thanh mơ hồ ấy âm vang trong lòng chị em Liên. Trong lòng mỗi người dân nơi phố huyện và trong lòng mỗi chúng ta. Nó không chỉ là âm vang của âm thanh mà là âm vang của khát vọng. Nơi phố huyện xưa của Thạch Lam, chị em Liên và những bóng người thầm lặng đợi chờ tiếng trống thu không man mác, tiếng còi tàu âm u và thăm thẳm trong đêm. Họ chờ đợi và hy vọng một cái gì đó sẽ đến, như mỗi chúng ta đã từng bao nhiêu lần hy vọng, bao nhiêu lần chờ đợi trong đời. Ai chẳng chờ đợi, hy vọng chuyến tàu của đời mình. Có lẽ vì vậy mà đọc lại Hai đưa trẻ của Thạch Lam, ta thấy dư vang của nỗi lòng ông vẫn gần gũi với chúng ta biết dường nào...

0