04/06/2017, 23:25

Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi"

“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sángNhững vì sao ngời chói lung linh”(“Khoảng trời hố bom” – Lâm Thị Mĩ Dạ) Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, không chỉ các chàng trai mà các cô gái thanh niên cũng xung phong ra chiến trường, tham gia vào cuộc chiến tranh để dành lại độc lập cho ...

“Đêm đêm tâm hồn em tỏa sángNhững vì sao ngời chói lung linh”(“Khoảng trời hố bom” – Lâm Thị Mĩ Dạ)

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất, không chỉ các chàng trai mà các cô gái thanh niên cũng xung phong ra chiến trường, tham gia vào cuộc chiến tranh để dành lại độc lập cho dân tộc. Đó cũng chính là đề tài gợi nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ lúc bấy giờ. Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” được sáng tác vào năm 1971 trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt của nữ tác giả Lê Minh Khuê cũng viết về đề tài này. Tác phẩm đã khiến  ta  không khỏi thán phục trước tinh thần dũng cảm, tình đồng đội nồng ấm, tâm hồn lạc quan trong sáng của ba nữ thanh niên xung phong (mà đề lại ân tượng sâu sắc nhất trong em là Phương Định.)

“Những ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô gái thanh niên xung phong. Họ gồm 2 cô gái rất trẻ là Phương Định và Nho, còn tổ trưởng là chị Thao – người lớn tuổi nhất. Ba nữ thanh niên xung phong làm thành một tổ trinh sát mặt đường, sống trong cái hang trên cao điểm tại một vùng trọng điểm ở tuyến đường chiến lược Trường Sơn những năm chống Mỹ. nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra. Đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom.. Công việc của họ là công việc quan trọng và cũng đầy gian khổ hy sinh, đòi hỏi tinh thần dũng cảm, sự nhạy bén quyết đoán và sự nhanh nhẹn. Trong hoàn cảnh ấy, ta mới thấy sáng ngời lên là những phẩm chất cao đẹp của ba nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính – Phương Định. Chính nghệ thuật xây dựng tính cách, miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc đã tạo nên cái hay của truyện.

Cũng như bao người trẻ tuổi lúc bấy giờ, Phương Định chỉ mới mười tám đôi mươi nhưng đã nghe theo tiếng gọi của con tim,  hăng hái ra “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Bên cô đã sớm hình thành các phẩm chất chung của những người thanh niên xung phong : tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng dung cảm ko sợ hy sinh, tình đồng đội gắn bó.

Tuy công việc dò phá bom vô cùng nguy hiểm phải chạy trên cao điểm cả ngày, “chơi đùa” với thần chết và máy bay địch có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng trên chiến trường, trong lúc làm việc  Phương Định vô cùng gan dạ . Cô cho rằng công việc khó khăn, đầy tính mạo hiểm này cũng có cái thú của nó, có nơi nào mang đến được “đất bốc khói, không khí bang hoàng, thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu” hơn vùng trọng điểm này ? Không chi vậy, Phương Định còn có tinh thần trách nhiệm cao, cô, chị Thao và Nho  ý thức rõ tầm quan trọng của công việc mình đang làm và luôn nhận khó khăn về mình. Cứ có lệnh là bất kì trong hoàn cảnh nào thì họ vẫn lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba – ri – e cũ”.  Cô bình tĩnh trước mọi khó khăn nguy hiểm để tim ra cách giải quyết tốt nhất “Quen rồi một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần”. Trong gian đoạn chiến tranh, cái chết, sự hy sinh là một điều không thể tránh khỏi, đôi lúc, các cô gái cũng nghĩ đến cái chết, nhưng là một cái chết mờ nhạt, cái điều họ quan tâm nhất là liệu “mìn có nổ không, bom có nổ không ?” Có thể thấy lý tưởng cao đẹp – sống và chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu – đã tiếp thêm cho họ nghị lực, lòng dũng cảm, đối với họ, cái chết đã không  còn đáng sợ nữa.

Trong một lần phá bom, tuy đã phá bom rất nhiều lần nhưng mỗi lần phá đối với cô vẫn là “một  thử thách thần kinh đến từng cảm giác”. Không khí căng thẳng, việc các anh cao xạ ở trên kia đang dõi theo từng động tác của mình đã kích thích lòng dũng cảm của cô bằng sự tự trọng. Cô đứng thẳng lung mà đi, “các anh ấy không thích đi khom khi có thể đàng hoàng mà bước tới.” Ở bên quả bom, kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn hơn : “Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rung mình và bỗng thấy tại sao mình làm chậm quá. Nhanh lên một tý !” Tính cách của nhân vật Phương Định đã được miêu tả rất cụ thể, tinh tế, dù chỉ là thoáng qua trong giây lát.

Các cô gái thanh niên xung phong trong truyện có tinh thần đồng đội bền chặt sắt son. Chính tình yêu quê hương đất nước và mục tiêu sống, chiến đấu là thứ keo gắn chặt họ trở thành những người bạn, người đồng đội thân thiết. Họ yêu thương nhau như chị em ruột của mình vậy.  Phương Định thường quan sát việc làm của chị Thao và Nho trong lúc rãnh rỗi và biết được hết sở thích của từng người. Cô biết chị Thao “thêu chỉ màu lên áo lót”, hay “tỉa lông mày nhọn như cái tăm” và đặc biệt mặt chị tái mét đi khi thấy máu, thấy vắt; hay cô cảm thấy Nho đáng yêu, nhỏ nhắn như một que kem trắng mà mình muốn bế trên tay, khi  Nho đòi ăn kẹo, cô lấy trong túi ra “hai cái kẹo chanh chảy nước, dính đầy cát”. Sự quan tâm của Phương Định dành cho đồng đội của mình được thể hiện rõ nhất qua hai sự kiện . Khi chị Thao và Nho đi phá bom để lại cô ở hang, trí não cô căng thẳng, “có gì lý thú đâu, nếu các bạn cô không quay về” , cô sốt ruột nói gắt vào máy : “Trinh sát chưa về ! “ và rồi khi bên ngoài vang lên tiếng “ 12 li 7” vang lên dồn dập, cô cảm thấy vô cùng vui sướng vì cô biết các anh tiểu đoàn công binh đã đến để chi viện cho các anh cao xạ và cho 2 người bạn của mình. Một lần khác là lúc phá bom, hầm sập khiến Nho bị thương, chị Thao nghẹn ngào, còn Phương Định thì bế Nho đặt lên đùi mình, về đến hang, cô rửa sạch vết thương, băng bó cho Nho và đặc biệt, cô còn pha cho người em út một ca sữa đặc, nhiều đường.
 
Tuy cuộc sống gian khổ giữa chiến trường ác liệt, công việc đầy nguy hiểm và luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng Phương Định vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ. Như các cô gái mới lớn, cô cũng quan tâm đến hình thức của mình. Cô hay ngắm mình qua gương và thích thú với “hai bím tóc dày, tương đối mềm, cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn và đôi mắt mơ màng có cái nhìn xa xăm” của mình. Cô nhạy cảm và tinh ý nên biết rằng mình được nhiều người để ý, dù có vui về điều đó nhưng cô không dành tình cảm đặc biệt cho một ai. Phương Định là một cô gái kín đáo, cô không thích thể hiện tình cảm của mình, khi những người khác xúm lại vây quanh các anh bộ đội, cô “thường đứng ở xa, khoanh tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt, trong suy nghĩ của cô , những người thông minh, cao thượng nhất là các anh quân nhân mặc quân phục có ngôi sao trên mũ. Lê Minh Khuê đã rất tinh tế khi phát hiện ra cái nét tâm lí kiêu ngầm ấy ở Phương Định. Đó là cái kiêu ngầm của một cô gái trẻ có ý thức sâu sắc về vẻ đẹp cuộc sống. Chính nét tâm lí rất đời thường, rất con gái này khiến nhân vật Phương Định càng trở nên gần gũi, chân thực và đáng yêu.

Như bao thiếu nữ khác, Phương Định thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, ngay cả ở hoàn cảnh chiến đấu. Cô hay ngồi bó gối mơ màng, cô thích bài Ca- chiu-sa của Hồng Quân Liên Xô, thích hát các bản dân ca Ý trữ tình.  Không chỉ thích hát, Phương Định còn bịa ra lời mà hát, ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Đây là nét cá tính ở Phương Định hé lộ vẻ đẹp phong phú của tâm hồn. Trong tiếng hát, có ý thức về lý tưởng, có khao khát về quê hương, tình yêu của tuổi trẻ và có cả ước vọng được trở về cuộc sống thanh bình.

 Phương Định là nữ sinh của thủ đô thanh lịch, cô từng có một thời học sinh, cái thời áo trắng ngây thơ, hồn nhiên và vô tư lự, cô sống bên người mẹ thân thương của mình trong một căn buồng nhỏ trên một con phố yên tĩnh vào những ngày thanh bình trước chiến tranh. Vẻ đẹp tâm hồn cô ngời sáng nhất khi cơn mưa đá bất ngờ ập đến ở cuối truyện.  Chỉ một cơn mưa đá mà bao ngột ngạt, căng thẳng, hiểm nguy của chiến trường tan biến, để nhường chỗ cho niềm niềm vui trẻ con, say sưa, tràn đầy, khiến Phương Định nhớ  về mẹ cô, về những ngôi sao to trên bầu trời thành phố, cái vòm tròn của nhà hát, tiếng trẻ con bu quanh bà bán kem,…Tất cả như xoáy mạnh như sóng trong tâm trí cô, làm thành hành trang tâm hồn của cô thanh niên xung phong, tiếp cho cô sức mạnh, thắp cho cô niềm tin và tỏa sáng vẻ đẹp của người chiến sĩ Trường Sơn, của những ngôi sao xa xôi. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh căng thẳng, ác liệt của chiến tranh. Những hoài niệm của cô về cuộc sống trước kia thật đáng yêu, chúng luôn sống trong cô ngay giữa chiến trường. 

Có thể nói, xây dựng nhân vật Phương Định, Lê Minh Khuê đã chọn được những phương thức trần thuật hợp lí khi nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật chính của mình để nhân vật tự kể chuyện. Nhờ vậy, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật – tâm lí Phương Định đạt đến độ tinh tế nhất. Ngôn ngữ trần thuật qua nhân vật chính làm cho tác phẩm có giọng điệu, ngôn ngữ tự nhiên gần với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính. Lời kể linh hoạt, cùng câu ngắn dài, nhịp nhanh tạo không khí chiến trường, nhịp kể chậm lại khi hồi tưởng như gợi nhớ kỉ niệm của tuổi thơ êm đềm… Tất cả góp phần tạo nên một nhân vật chính- một Phương Định thật như ở ngoài đời và một Phương Định rất Hà Nội.
Lê Minh Khuê đã giúp  ta hiểu thêm về những cô gái thanh niên xung phong thời ấy, họ không chỉ là những con người dũng cảm, gan dạ, hy sinh tuổi xuân của mình vì đất nước mà họ còn là những con người hồn nhiên, đáng yêu, mơ mộng. Nhân vật Phương Định với niềm hăng say của tuổi trẻ và trái tim yêu quê hương nồng nàn, nhân cách ngời sáng đã thắp lên trong em ngọn lửa của niềm nhiệt huyết, hăng say, thôi thúc em ra sức học tập, phấn đấu vì con đường chủ nghĩa xã hội quang vinh, vì công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đọc truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" khám phá vẻ đẹp nhân vật Phương Định, ta yêu mến, tự hào về các cô thanh niên xung phong thời ấy, họ không chỉ là những con người dũng cảm, gan dạ, hy sinh tuổi xuân của mình vì đất nước mà họ còn là những con người hồn nhiên, đáng yêu, mơ mộng. Vẻ đẹp của họ mãi mãi tỏa sáng như vì sao lấp lánh trên bầu trời, trong sự cảm phục và lòng biết ơn của cả dân tộc.

0