Cách tiết kiệm điện khi sử dụng lò vi sóng?
(Hình minh họa) Các loại lò vi sóng kiểu mới thường kết hợp thêm chức năng nướng nên công suất sử dụng cao và dao động từ 800 – 1.200W, tối đa 2.000W. Tuỳ theo chức năng sử dụng mà lượng điện tiêu thụ nhiều hay ít. Có một số “mẹo” khi sử dụng lò vi sóng để tiết kiệm ...
(Hình minh họa)
Các loại lò vi sóng kiểu mới thường kết hợp thêm chức năng nướng nên công suất sử dụng cao và dao động từ 800 – 1.200W, tối đa 2.000W. Tuỳ theo chức năng sử dụng mà lượng điện tiêu thụ nhiều hay ít. Có một số “mẹo” khi sử dụng lò vi sóng để tiết kiệm thời gian và điện năng tiêu thụ.
Mỗi một chức năng hoạt động của lò vi sóng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng khác nhau. Chẳng hạn, hâm nóng bằng vi sóng tốn khoảng 600 – 800W, nướng 1.200W, rã đông thực phẩm 160 – 300W…
Khi hâm nóng thực phẩm, nếu lò vi sóng thông báo tắt thì không nên lấy thực phẩm ra ngay mà tận dụng thời gian 2 – 3 phút kế tiếp để nhiệt lượng lan toả, giúp thực phẩm nóng đều hơn. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 20% thời gian so với việc bấm nhiều phút vi sóng rồi mở cửa lò ngay khi có thông báo tắt. Bọc thêm một lớp nilong chuyên dụng quanh thực phẩm sẽ giúp rút ngắn thời gian và giữ nước cho thực phẩm; nhất là khi lỡ tay bấm hay xoay lố số phút vi sóng.
Thời gian nướng sẽ nhanh hơn nếu kê thực phẩm trên một vỉ nướng, áp sát lên phía trần lò vi sóng; vì đa số lò đều thiết kế phần nướng áp nhiệt từ trên xuống. Nướng bằng lò vi sóng nên chia thời gian làm hai lần để đảo mặt thực phẩm chín đều.
Không được dùng những vật dụng đựng thực phẩm bằng kim loại như cà mên, nồi, chén dĩa… hoặc vật dụng có hoa văn sơn phết, dát nhũ vàng bởi khi vi sóng “bắn ra”, kim loại sẽ hấp thụ nhiệt trước, thời gian vi sóng trên thực phẩm lâu hơn, hao điện nhiều hơn.
Lò vi sóng luôn hoạt động ở trạng thái chờ, không có nút tắt nguồn điện, để an toàn và tiết kiệm điện nên rút nguồn sau khi sử dụng xong. Bên trong lò sử dụng một bóng đèn sợi đốt khoảng 25W nên nếu đóng cửa lò không sát thì đèn vẫn sáng liên tục, gây hao điện.