12/01/2018, 11:27

Các thời kì xây dựng và phát triển đất nước

Các thời kì xây dựng và phát triển đất nước Thời kì dựng nước đầu tiên. ...

Các thời kì xây dựng và phát triển đất nước

Thời kì dựng nước đầu tiên.

1. Thời kì dựng nước đầu tiên
Vào khoảng thế kỉ VII TCN, sau hàng chục vạn năm sinh sống và mở rộng vùng cư trú, các tộc người Việt cổ trên đất Bắc Việt Nam đã hợp nhất lại, dựng nên quốc gia đầu tiên : Văn Lang và sau đó là Âu Lạc. Một nền văn minh lúa nước hình thành với nhiều thành tựu văn hoá đặc sắc.
Đầu thế kỉ II TCN, Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của các triều đại phương Bắc và phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc trong đấu tranh kiên cường để tự giải phóng và gìn giữ nền văn hoá của tổ tiên.
Trong khoảng những thế kỉ đầu Công nguyên, ở Nam Trung Bộ ngày nay, quốc gia Lâm Ấp - Cham-pa ra đời và phát triển ; ở vùng Tây Nam Bộ, quốc gia Phù Nam hình thành. Tuy nhiên, trong lúc Cham-pa phát triển dưới chế độ quân chủ với một nền văn minh độc đáo, mang nặng ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ thì vào thế kỉ VI, quốc gia Phù Nam suy sụp.
2. Giai đoạn đầu của nước Đại Việt phong kiến độc lập
Đầu thế kỉ X, người Việt lật đổ được chế độ đô hộ của nhà Đường, giành lại quyền tự chủ, độc lập. Năm 968, quốc hiệu Đại Cồ Việt được xác định. Tiến thêm một bước, năm 1054, quốc hiệu được đổi thành Đại Việt và chính thức trở thành tên nước từ đó cho đến cuối thế kỉ XVIII.
Nhà nước quân chủ ra đời, từng bước được sửa đổi và đến cuối thế kỉ XV thì hoàn chỉnh từ triều đình trung ương đóng ở Thăng Long (kinh đô của đất nước)- đến các địa phương. Xã là đơn vị hành chính cơ sở.
Nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển, ruộng đồng ngày càng mở rộng, hệ thống trị thuỷ, thuỷ lợi hoàn chỉnh. Nhà nước và nhân dân cùng quan tâm đến sản xuất.
Công thương nghiệp phát triển đa dạng. Sản phẩm thủ công như tơ lụa, gốm sứ, đồ vàng bạc v.v... có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, thu hút cả thương nhân nước ngoài. Mạng lưới chợ làng rộng khắp. Kinh thành Thăng Long trở thành một đô thị phồn thịnh với 36 phố phường. Thuyền buôn Trung Quốc và các nước phía nam thường xuyên qua lại trao đổi buôn bán.
Năm 1070, nền giáo dục Đại Việt chính thức ra đời và ngày càng phát triển, vừa đào tạo các bậc “hiền tài” cho đất nước vừa nâng cao dân trí. Phật giáo phát triển. Nho giáo từng bước được đề cao và chiếm địa vị độc tôn vào thế kỉ XV.
Văn học, nghệ thuật dân tộc hình thành và không ngừng phát triển với hàng loạt tác phẩm và công trình quý giá mang đậm bản sắc dân tộc.
3. Thời kì đất nước bị chia cắt
Sự phát triển và thống trị của những quan hệ sản xuất phong kiến đã dẫn đến sự suy thoái của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, cuộc sống khó khăn của nhân dân và sự hình thành các thế lực phong kiến riêng rẽ. Chiến tranh phong kiến bùng nổ và kéo dài trong nhiều thập kỉ, cuối cùng đã tạo nên sự chia cắt đất nước thành hai miền : Đàng Ngoài và Đàng Trong với hai chính quyền khác nhau.
Nền quân chủ không còn vững chắc như trước. Nền kinh tế sau một thời gian khủng hoảng, đến thế kỉ XVII thì phục hồi. Nông nghiệp Đàng Ngoài từng bước ổn định, trong lúc đó ở Đàng Trong, do lãnh thổ được mở rộng dần vào phía nam, nông nghiệp phát triển nhanh chóng. Đất Gia Định (Nam Bộ) trở thành một “vựa thóc lớn”. Từ đầu thế kỉ XVII, kinh tế hàng hoá phát triển nhanh chóng với việc mở rộng ngoại thương. Số lượng sản phẩm thủ công ngày càng gia tăng và trở thành những mặt hàng hấp dẫn thương nhân nước ngoài. Sự phát triển của kinh tế hàng hoá đã tạo cơ sở cho sự hình thành và hưng khởi của các đô thị như Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến, Hội An... Văn hoá dân gian phát triển mạnh.
Tuy nhiên, từ thế kỉ XVIII, ruộng đất ngày càng tập trung vào tay giai cấp địa chủ, trong lúc các chính quyền ở cả hai miền lại thiếu quan tâm đến đời sống của nông dân. Cuộc khủng hoảng xã hội diễn ra vào giữa thế kỉ XVIII với những phong trào nông dân rộng lớn ở Đàng Ngoài và phong trào Tây Sơn ở Đàng Trong.
Nhà nước phong kiến ở cả hai miền đều sụp đổ trước sự tấn công của phong trào Tây Sơn, đất nước bước đầu thống nhất lại nhưng các vương triều Tây Sơn, được thành lập sau thắng lợi, không đủ sức duy trì.
4. Đất nước ở nửa đầu thế kỉ XIX
Thừa hưởng những công lao to lớn của phong trào Tây Sơn, nhà Nguyễn đã làm chủ được cả nước với một chính quyền quân chủ chuyên chế phong kiến. Nhà nước được củng cố nhưng lại chủ trương “đóng cửa” trong hoàn cảnh thế giới đã đổi thay. Một số chính sách kinh tế được ban hành nhưng không giải quyết được tình trạng khủng hoảng xã hội. Cuộc sống của nhân dân vẫn khổ cực, khó khăn. Nhà Nguyễn khẳng định sự độc tôn của Nho giáo. Văn học chữ Nôm lại phát triển mạnh mẽ. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nối tiếp nhau bùng lên.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Đất nước bước sang một thời kì mới.

0